Bộ Không quân Mỹ hôm 14/1 công bố báo cáo có tên "Không quân Mỹ năm 2050", trong đó dự đoán rằng các đối thủ của Washington có thể sở hữu tên lửa phòng không với tầm bắn cực xa, đủ sức đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách tới 1.600 km trong vòng 25 năm tới.
"Đây là bước tiến lớn của đối phương trong khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD), do loại vũ khí này có tầm bắn xa hơn nhiều so với những tên lửa phòng không hiện có. Tác chiến trên không vào những năm 2050 sẽ rất khác hiện nay", báo cáo có đoạn.
Không quân Mỹ nhấn mạnh kiểm soát bầu trời là nhiệm vụ và mục tiêu thiết yếu trong mọi cuộc chiến. Làm chủ không phận đối phương, dù chỉ là tạm thời, cũng cho phép các máy bay có người lái, trong đó có tiêm kích đa năng và oanh tạc cơ, tiến hành những cuộc tập kích với tỷ lệ tổn thất chấp nhận được.
Tiêm kích F-22 Mỹ cất cánh trong cuộc diễn tập ở Nhật Bản hôm 15/1. Ảnh: USAF
Tuy nhiên, các bên tham chiến khó có thể làm chủ hoàn toàn vùng trời ở khu vực chiến sự trong xung đột vào thập niên 2050, khiến kịch bản trên phải được xây dựng lại. "Kiểm soát không phận vẫn đóng vai trò quan trọng với thành công của lực lượng vũ trang, nhưng cách thức, thời điểm và địa điểm đạt được đều có thể thay đổi", tài liệu có đoạn.
Theo báo cáo, tầm bắn của vũ khí phòng không được nâng lên đáng kể sẽ đặt ra rủi ro lớn cho không quân Mỹ trong xung đột tiềm tàng với các đối thủ ngang hàng. Tên lửa phòng không với tầm bắn tới 1.600 km có thể đe dọa hoạt động của không quân Mỹ, nhất là khi được hỗ trợ bởi các hệ thống cảm biến trên vũ trụ.
"Vũ khí tầm xa sẽ đe dọa những máy bay như phi cơ tiếp dầu, vốn có thể hoạt động ở xa tiền tuyến và không lo bị tấn công. Tầm hoạt động của máy bay tiếp dầu bị thu hẹp, hạn chế khả năng hoạt động liên tục của tiêm kích và oanh tạc cơ trong xung đột", không quân Mỹ cảnh báo.
Báo cáo nhận định điều này có thể trở nên "đặc biệt đáng lo ngại" trong trường hợp xảy ra xung đột ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi quân đội Mỹ không có lợi thế sân nhà. Các loại tên lửa phòng không tầm cực xa có thể phóng từ bệ đặt trên bộ, trên biển hoặc từ máy bay, gây thêm khó khăn cho nỗ lực đối phó của Washington.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Mỹ Tyler Rogoway cho rằng tên lửa phòng không với tầm bắn 1.600 km sẽ không có tác dụng đáng kể, trừ khi "được liên kết với mạng lưới tìm diệt mục tiêu tiên tiến, sâu rộng như loại mà Washington đang gấp rút phát triển".
"Các mạng lưới tìm diệt sẽ đóng vai trò quan trọng trong xác định và lựa chọn mục tiêu trước khi tấn công chúng từ khoảng cách rất xa. Những mạng lưới của Mỹ sẽ ngày càng kết nối với nhiều cảm biến, thiết bị hiệu chỉnh và lực lượng hỗ trợ trên không, trên bộ, trên biển và trong lòng biển, thuộc các quân binh chủng khác nhau", Rogoway viết trên chuyên trang quân sự War Zone.
Nguyễn Tiến (Theo War Zone, AFP, AP)