Chuyên mục  


"Từ khi bệnh, thằng bé nhạy cảm, dễ khóc và tủi thân", người phụ nữ 33 tuổi, ở thị xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam nói. Vài tiếng, cô lại gọi điện thoại cho con, lòng nơm nớp.

Giữa năm 2022, chị Sang trở thành mẹ đơn thân sau cuộc hôn nhân 13 năm tan vỡ. Chị sống cùng hai con trai là Thiên, 13 tuổi và Tài, 12 tuổi, những đứa trẻ có dấu hiệu trầm cảm nhẹ, do thường xuyên chứng kiến bố mẹ cãi nhau.

Sang nhẩm tính thu nhập từ tiệm gội đầu, làm móng mở chưa được một năm cùng việc phụ giúp bố mẹ làm nông chưa quá 6 triệu mỗi tháng, không thể đủ nuôi con. Chị đành gửi con út ra TP Đà Nẵng sống cùng dì.

Thiên trở thành chỗ dựa tinh thần của mẹ. Cuối năm ngoái, bụng em xuất hiện khối u nhỏ, cách rốn 10 cm, gây cảm giác đau nhẹ. Chị Sang cảm giác bất an bởi nó xuất hiện cùng vị trí với khối u lành mà em được chỉ định mổ hai năm trước.

Mẹ con khăn gói đến Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng để sinh thiết. Kết quả, cậu bé được xác định mắc ung thư Sarcoma Ewin, một loại u xương tế bào. Thiên giữ bình tĩnh đến khi bác sĩ rời khỏi phòng, em xoay mặt vào tường, ôm gối òa khóc.

"Tôi như đứt ruột gan, tim như muốn vỡ ra", chị Sang kể. Thiên ngẩng lên, gương mặt đầy nước mắt nói muốn ở với mẹ thật lâu. Trong hình dung của cậu bé, ung thư là căn bệnh khiến bà ngoại rụng tóc, cắt một bên ngực và gầy rộc.

"Nhưng bà đã mạnh mẽ chiến đấu, con cũng sẽ như vậy", Sang động viên con.

Chị Lê Thị Sang cùng con trai Bảo Thiên ở Bệnh viện Trung ương Huế, tháng 6/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị vét hết số tiền dành dụm, mượn thêm ông bà ngoại để chuẩn bị cho phác đồ 13 toa hóa trị, mỗi toa cách nhau 21 ngày và một lần xạ trị. Người mẹ trẻ gần như sống cùng con ở Bệnh viện Trung ương Huế.

Cậu bé sụt 10 kg trong vòng một tháng sau khi trải qua hai toa thuốc đầu. Mỗi tối, Sang ôm con vật vã với cơn đau, khóc rưng rức. Miệng em lở loét chỉ có thể húp cháo. Cậu bé nói mẹ mua mũ để che đi mái đầu trọc. Mỗi lần thấy sự thay đổi của con, Sang cố nén nước mắt bước ra ngoài phòng bệnh, òa khóc.

Cuối tháng 3, em bị dị ứng sau khi truyền toa hóa chất thứ ba khiến chân tay co giật. Sang thức trắng theo những cơn sốt triền miên của con. Vài tiếng, chị đỡ con vào nhà vệ sinh để ói. "Mẹ ở cạnh con đi, con sợ lắm", Thiên nói. Sang vuốt lưng, xoa bóp tay, chân để con chìm vào giấc ngủ.

Lúc bế tắc, Sang mở danh bạ điện thoại nhưng không biết gọi cho ai. Mẹ ung thư, bố mắc bệnh tụy và tiểu đường, chồng cũ đã đi thêm bước nữa. Cô chỉ biết ôm con vào lòng và cầu nguyện.

Thiên vượt qua được đợt hóa trị thứ ba cũng là lúc tiền cạn. Sang phải vay thêm bạn bè và họ hàng, mỗi người vài triệu. Để tiết kiệm tiền, hai mẹ con thường chia đôi hộp cơm. Những đợt hóa trị tới, cô chưa dám tính.

"Được ngày nào hay ngày đó", cô nói.

Phòng bệnh có 5 đứa trẻ, được chăm sóc bởi bố và mẹ, mỗi Sang là mẹ đơn thân. Những lần cô đi vệ sinh, mua thức ăn, làm giấy tờ cho con hoặc khám bệnh, các phụ huynh con lại trông Thiên giúp.

Đợt Thiên sốt nặng và xuống sức nhất, Sang ở cạnh giường bệnh 24/24, họ nấu cháo giúp cô. "Sự san sẻ đó làm vơi đi cảm giác cô đơn của tôi và nỗi tủi thân của con", chị nói.

Giữa tháng 6, trong lúc gọi điện thoại cho em trai, Thiên khoe mình "ăn cháo giỏi, sẽ hết bệnh và về nhà sớm". Sang nhớ lần đoàn tụ gần nhất của cả nhà đã hơn nửa năm.

"Tôi chỉ muốn được gần con lâu nhất có thể", Sang nói.

Ngọc Ngân

Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.

Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020