Chuyên mục  


Ngày 20-5, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" 2022 do Báo Người Lao Động tổ chức đã diễn ra tại Trường THPT Trần Cao Vân (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), thu hút gần 1.200 học sinh (HS) khối 12 các trường THPT trên địa bàn tham dự. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam và trực tuyến tại www.nld.com.vn.

Đặt nguyện vọng theo ưu tiên giảm dần

Chọn nghề, chọn ngành, chọn trường vẫn là nội dung được nhiều HS đặt câu hỏi đến các thành viên Ban Tư vấn chương trình. Ngay từ đầu chương trình, một HS Trường THPT Trần Cao Vân đã chia sẻ rằng em rất mơ hồ trong việc chọn ngành, dù đã đăng ký ngành quản trị kinh doanh nhưng em lại thích làm việc văn phòng, sư phạm.

TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM, cũng là chuyên gia hướng nghiệp - khẳng định việc chọn nghề, chọn ngành rất quan trọng vì nó quyết định tương lai của mỗi con người. Vì vậy, vị này đã làm cuộc khảo sát nhanh với HS và kết quả cho thấy 80% đang tham dự chương trình giơ tay cho biết đã chọn được ngành nghề, trên 60% cho biết chọn được nghề yêu thích. TS Mai đưa ra 5 bước để HS chọn ngành yêu thích và phù hợp gồm: Phải xác định mình muốn gì; điểm mạnh, yếu của bản thân; thuận lợi, khó khăn khi chọn ngành; kiểm tra lại năng lực học tập; phương án dự phòng là gì nếu không vào được ĐH… Ngoài ra, HS cần tham vấn thêm thầy cô, cha mẹ, bạn bè về những điểm mạnh, yếu của mình cùng các công cụ hướng nghiệp để xác định ngành nghề.

Những điều chỉnh trong xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm cũng là nội dung được HS đặt câu hỏi. Một HS Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm nói điểm mới tuyển sinh năm nay là lọc ảo tất cả phương thức nhưng em còn mơ hồ. TS Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết năm nay tất cả phương thức xét tuyển của các trường ĐH, CĐ sư phạm đều được lọc ảo trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT. Thí sinh ngoài việc đăng ký xét tuyển theo quy định của các trường cũng đăng ký trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT. Thí sinh cần chọn ra các ngành ở các trường, từ đó đặt thứ tự nguyện vọng theo ưu tiên giảm dần. Bằng cách làm này, thí sinh chỉ trúng tuyển 1 trường ở nguyện vọng cao nhất và các trường ĐH không bị thí sinh ảo.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của một trường đại họcẢnh: HẢI ĐỊNH

Nhiều cơ hội việc làm tại quê nhà

Tại chương trình, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết trong những năm tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược.

Đó là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư gắn với bảo vệ môi trường và khởi nghiệp sáng tạo. Định hướng phát triển mạnh kinh tế biển và vùng đồng bằng ven biển của tỉnh, đưa kinh tế biển và vùng ven biển giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế; phát triển dịch vụ tài chính, các nhóm dự án du lịch, dịch vụ vận tải, hậu cần cảng và logistics gắn với cảng biển và sân bay Chu Lai... Tập trung phát triển khu phức hợp ôtô Chu Lai - Trường Hải, tiến đến hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ôtô quốc gia, làm động lực lan tỏa cho cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Thông tin trên đã khiến nhiều HS quan tâm về cơ hội việc làm tại tỉnh nhà. Trả lời câu hỏi của em Nguyễn Bảo Kha (Trường THPT Trần Cao Vân) về cơ hội việc làm ngành quản trị kinh doanh, PGS-TS Đoàn Ngọc Phi Anh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, cho rằng ngành quản trị kinh doanh của trường kinh tế thay đổi rất nhiều để bắt kịp xu hướng, trong chương trình đào tạo, sinh viên (SV) có thể lựa chọn chuyên ngành mong muốn, có những ngành đón đầu xu thế như kinh tế số, quản trị 4.0… Các em có thể làm việc ở nhiều vị trí. Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp 6 tháng của SV trường là 90%.

Theo PGS-TS Võ Ngọc Dương, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, việc làm của SV sau khi tốt nghiệp tại trường hơn 10 năm gần đây rất tốt, gần 100% SV có việc làm và thăng tiến cao, du học nhiều. Quảng Nam là điểm đến của nhà đầu tư trong thời gian tới nên cơ hội việc làm đối với ngành kỹ thuật ở đây rất lớn. Với nhiều HS, dù đã chọn được ngành nhưng vẫn chưa hiểu rõ. Trả lời câu hỏi của thí sinh liên quan đến tiếp thị số, tiếp thị, TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, nhấn mạnh tiếp thị (marketing) không chỉ là bán hàng mà còn tạo sự khác biệt, điểm nhấn để người khác biết đến sản phẩm của mình. Việc ứng dụng công nghệ thông tin chỉ là công cụ để tạo lợi thế, người học ngành này phải chịu được thử thách.

Nhiều câu hỏi khác về các phương thức xét tuyển, học phí, chương trình đào tạo… đều được đại diện Bộ GD-ĐT, ĐHQG TP HCM, ĐH Đà Nẵng và các trường trả lời cặn kẽ, thấu đáo.

Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" 2022 nhận được sự đồng hành của Công ty CP Phân bón Bình Điền, Công ty CP Thương mại và Truyền thông Thời Đại (Sun Group), Trường Cao đẳng Nova (Nova College), Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM và Công ty CP Uniben. 

Bảo đảm việc làm khi ra trường

Trả lời về việc HS muốn học ĐH tại tỉnh nhà, TS Phạm Nguyễn Hồng Ngự, Trưởng Phòng Đào tạo và Công tác sinh viên Trường ĐH Quảng Nam, tư vấn các em có thể học ngôn ngữ Anh, công nghệ thông tin, bảo vệ thực vật... do đây là những ngành có rất nhiều cơ hội làm việc tại quê nhà sau khi tốt nghiệp. Trường cũng ký kết với nhiều doanh nghiệp để bảo đảm việc làm cho SV khi ra trường.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020