Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022 được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 18/5 tại Hà Nội, nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cùng các lãnh đạo các bộ, ngành, viện nghiên cứu đã tham dự sự kiện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ hai từ phải qua) và Thứ trưởng Trần Văn Tùng (trái) trao giải cho hai nhà khoa học sáng 18/5. Ảnh: NH
GS. TSKH Ngô Việt Trung (69 tuổi), Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được vinh danh với công trình "Depth functions of symbolic powers of homogeneous ideals" (Các hàm độ sâu của lũy thừa hình thức của idean thuần nhất), xuất bản trên Tạp chí Inventiones Mathematicae năm 2019. Đây là một trong số những tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực toán học trên thế giới.
Công trình nghiên cứu một bất biến rất cơ bản của idean là độ sâu, giải quyết được ba bài toán mở liên quan đến tính hàm của độ sâu, tính hội tụ của hàm độ sâu và tính đạt được mức tuần hoàn của trước của hàm độ sâu. Công trình đưa ra nhiều ý tưởng và phương pháp nghiên cứu mới sử dụng công cụ từ các chuyên ngành khác như hình học đại số, tôpô đại số, quy hoạch nguyên.
Trên bục nhận giải, GS Ngô Việt Trung nói ông đầy vinh dự và xúc động. "Tôi xúc động vì nhận giải thưởng mang tên người mà tôi vẫn gọi là bác Tạ Quang Bửu, người đã thay đổi cuộc đời tôi", GS Trung nói. Ông chia sẻ, ít người biết chuyện ông từng phải đi nạng từ bậc phổ thông, dù đủ tiêu chuẩn đi du học, không nước nào muốn nhận. Chính nhờ cố GS Tạ Quang Bửu can thiệp đã giúp ông sang Đức học toán và điều trị để có thể đi lại như ngày nay. "Giải thưởng này tôi xin kính dâng hương hồn của GS Tạ Quang Bửu", ông nói.
GS.TSKH Ngô Việt Trung chia sẻ cảm xúc nhận giải Tạ Quang Bửu. Ảnh: NH
Nhà khoa học thứ hai nhận giải là PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu, trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM), với công trình đăng trên tạp chí Chemistry of Materials Chemistry of Materials thuộc ngành hóa học. Công trình nghiên cứu chế tạo vật liệu polyurethane mới - loại polyme có khả năng "tự lành" vết rạn nứt và vết cắt nhờ vào cấu trúc phân tử chứa liên kết thuận nghịch Diels-Alder không nằm ngẫu nhiên mà được thiết kế đặc biệt sắp xếp tại vị trí bề mặt phân cách giữa pha cứng và pha mềm.
Đây là năm thứ 3 một nhà nhà khoa học nữ được vinh danh ở giải Tạ Quang Bửu.
Theo PGS Lệ Thu, giải thưởng là nguồn động viên lớn đối với các nhà khoa học. Chị cho biết công trình là một trong số đề tài mà nhóm theo đuổi bắt nguồn từ cảm hứng kể từ xu hướng bùng nổ nghiên cứu về vật liệu tự lành trên thế giới. "Những kết quả nghiên cứu của nhóm vẫn ở mức cơ bản bước đầu và con đường đến với ứng dụng thực tiễn còn dài nhưng hiểu biết tích lũy là động lực giúp chúng tôi theo đuổi niềm đam mê", PGS Thu nói.
Công trình của PGS Lệ Thu có thể ứng dụng trong việc tạo ra các vật liệu cao cấp như vật liệu trong các thiết bị y tế và cấy ghép y khoa. Bên cạnh đó, loại vật liệu mới này còn có thể được dùng làm màng phủ thông minh tự làm lành vết trầy xước cho xe hơi hay điện thoại để vừa đem lại giá trị về độ bền và thẩm mỹ, vừa có khả năng làm sơn chống ăn mòn. Kết quả nghiên cứu góp phần hướng tới việc phát triển vật liệu mới "tự lành", một hướng rất có tiềm năng ở Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu phát biểu tại lễ trao giải Ảnh: NH
Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết ngày 18/5 đã trở thành ngày hội truyền thống của ngành khoa học công nghệ. Chương trình tri ân, tôn vinh, khuyến khích niềm đam mê nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ, tuyên truyền kêu gọi thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ông mong muốn ngành sẽ đóng góp thiết thực mạnh mẽ, đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. "Khoa học trở thành chiến lược đổi mới sáng tạo, động lực chính phát triển kinh tế xã hội", ông nói. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ nâng cao đổi mới tư duy, tiềm lực và trình độ, thu hút nguồn lực; phát triển tổ chức nghiên cứu mạnh; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tăng cường hợp tác hội nhập quốc tế.
Sau 8 năm tổ chức kể từ 2014, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã có 16 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 4 nhà khoa học trẻ được vinh danh. Riêng năm 2021, không có nhà khoa học nào được nhận Giải thưởng này. Năm 2022, Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu không trao giải dành cho nhà khoa học trẻ.
Như Quỳnh