Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 24 bến xe khách tại 21 huyện, thị xã, thành phố. 6 huyện chưa có bến xe khách, gồm huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Hà Trung, Như Thanh, Bá Thước.
Về hạ tầng phục vụ xe buýt, toàn tỉnh Thanh Hóa có 155 nhà chờ xe buýt. Trong đó, TP. Thanh Hóa có 54 nhà, các địa phương khác 101 nhà, các điểm đầu, điểm cuối tuyến xe buýt đều do các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe buýt tự thuê đất để bố trí văn phòng, kho bãi, nơi đậu đỗ xe tạm thời.
Kêu gọi đầu tư khó khăn, lợi nhuận không cao nên không phát huy hiệu quả
Thời gian qua UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường quản lý, đầu tư, khai thác hạ tầng bến xe khách, hạ tầng xe buýt trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc quản lý, đầu tư khai thác hạ tầng bến xe khách, hạ tầng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, như việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng bến xe khách, điểm đầu, điểm cuối các tuyến xe buýt còn khó khăn, do việc đầu tư các hạ tầng trên chủ yếu là nguồn vốn xã hội hóa, trong khi hiệu quả đầu tư, lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác hạ tầng bến xe khách, hạ tầng xe buýt không cao.
Nhiều chủ bến xe chưa chú trọng đầu tư nâng cấp, sửa chữa bến xe khách, để hạ tầng xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, như: Bến xe phía Tây, bến xe phía Nam thành phố Thanh Hóa, bến xe Quán Lào, huyện Yên Định… Các bến xe khách Ngọc Lặc và TP. Sầm Sơn đến nay vẫn chưa đảm bảo điều kiện công bố bến xe đạt chuẩn do vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai, hiện vẫn chỉ là bến xe tạm.
Hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, xuống cấp cũng là nguyên nhân các bến xe không phát huy hiệu quả
Tại khu vực trung tâm như TP. Thanh Hóa với mật độ phương tiện lưu thông đông đúc, hiện có 3 bến xe: Bến xe phía Bắc, bến xe phía Nam và bến xe phía Tây. Trong đó, 2 bến xe phía Bắc và phía Nam phục vụ vận chuyển hành khách tuyến đường dài. Còn lại bến xe phía Tây phục vụ nhu cầu đi lại của người dân lên các huyện miền núi Thanh Hóa.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, ở bến xe phía Tây TP. Thanh Hóa hiện nay có một số hạng mục như nhà làm việc, phòng chờ hành khách, phòng y tế được xây dựng tạm đã xuống cấp. Mặt khác, bến xe nằm trong khu vực trung tâm TP. Thanh Hóa, đông dân cư nên gây khó khăn cho công tác phân luồng, tổ chức giao thông vào các giờ cao điểm, ngày nghỉ cuối tuần...
Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh trong thời gian tới phù hợp với sự phát triển hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Hương cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan sớm triển khai thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng bến xe trung tâm ở phía Tây TP. Thanh Hóa.
Bến xe phía Tây được quy hoạch là bến xe trung tâm TP. Thanh Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Hương đầu tư xây dựng trên diện tích 9,9ha đất tại xã Đông Tân và Đông Lĩnh (TP. Thanh Hóa). Dự án xây dựng bến xe có tổng mức gần 300 tỷ đồng theo quyết định chấp thuận đầu tư năm 2016. Sau 7 năm, đến nay bến xe vẫn đang trong quá trình lập quy hoạch, chưa thể khởi công xây dựng.
Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đang giao các đơn vị liên quan sớm thực hiện việc xây dựng bến xe phù hợp với quy hoạch của TP. Thanh Hóa sau khi huyện Đông Sơn sáp nhập về.
Để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Công ty CP Bến xe Hà Nội vừa có kế hoạch phục vụ cao điểm đi lại dịp này. Với các bến xe lớn như: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm được tăng cường hàng nghìn lượt xe và giá cước cũng chưa có biến động.