Màn trình diễn của ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch ngân hàng ACB là đỉnh cao Marketing?
Tính đến thời điểm này, có lẽ, chưa có một lãnh đạo ngân hàng nào lại nổi tiếng khắp cõi mạng xã hội theo hướng tích cực chỉ sau một đêm như Chủ tịch Ngân hàng Á Châu (ACB) – ông Trần Hùng Huy.
Trần Hùng Huy nổi tiếng theo đúng nghĩa đen của từ "sau một đêm". Sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập vào tối 4/6 của ngân hàng này sẽ là kỳ cuộc giới hạn trong giới, nếu không có phần trình diễn đậm chất giải trí của vị chủ tịch.
Ngày hôm sau, trên khắp các nền tảng mạng xã hội truyền đi câu chuyện về "tổng tài" tuổi trẻ tài cao và video trình diễn bản mashup Always Remember Us This Way và Cô Đơn Trên Sofa của ông.
Nên có người nói vui rằng: "Bao năm làm chủ không ai biết/Hát một bài hát cả nước hay".
Màn trình diễn gây sốt của Chủ tịch Trần Hùng Huy
"Chưa bàn đến kỹ thuật âm nhạc, chỉ cần quan sát cách mà vị chủ tịch trẻ tuổi dám thể hiện niềm đam mê của mình mà không quá bận tâm phải theo công thức 'giữ hình ảnh', phải thật trang nghiêm của chủ tịch ngân hàng lớn thì rõ ràng với góc độ cá nhân thì mình quá ngưỡng mộ anh Huy rồi", một khán giả chia sẻ.
Đây cũng là cảm nhận chung của đa số công chúng khi xem video và tìm hiểu thân thế của ông Trần Hùng Huy.
Tại các sự kiện của ACB, ông Trần Hùng Huy vẫn thường xuất hiện trên sân khấu với tư cách người biểu diễn. Nhưng năm nay, màn trình diễn của ông Huy mới có sức công phá mạnh mẽ được đánh giá là "chưa từng có" ở ngân hàng này.
Thân thế Chủ tịch Trần Hùng Huy cũng là sức hút lớn với công chúng
Trong thời đại công nghệ như hiện nay, việc nổi tiếng sau một đêm không phải hiếm. Nó xuất hiện nhan nhản bằng đủ các chiêu trò.
Màn trình diễn của ông Trần Hùng Huy được đánh giá là đỉnh cao của marketing khi không chỉ làm lan tỏa thương hiệu mà còn trở thành nhân vật được yêu thích. Các câu chuyện về ông cũng trở thành chủ đề bàn luận khá thú vị với dư luận.
Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978, là con trai của ông Trần Mộng Hùng - một trong những cổ đông sáng lập của ACB và bà Đặng Thị Thu Thủy - thành viên HĐQT của ngân hàng ACB.
Tại ACB, anh đang sở hữu 115,7 triệu cổ phiếu ACB, chiếm tỷ lệ 3,43% vốn điều lệ ngân hàng.
Giá trị tài sản của Chủ tịch ACB thông qua sở hữu cổ phiếu ước tính khoảng 2.516 tỷ đồng (Theo phiên 5/6/2023).
Là thiếu gia trong gia đình giàu có, câu chuyện về Trần Hùng Huy không phải là gắn với những bóng hồng showbiz như thường thấy.
"Tiểu sử trích ngang" của nam doanh nhân càng khiến công chúng ngưỡng mộ: tốt nghiệp cử nhân 3 chuyên ngành quản trị kinh doanh, tài chính và kinh doanh quốc tế vào năm 2000.
Hai năm sau, ông nhận bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Đại học Chapman, bang California (Mỹ). Đến năm 33 tuổi, ông Trần Hùng Huy lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế, Đại học Golden Gate, Mỹ.
Tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman, ông Huy tự nộp đơn thi tuyển làm nhân viên bán hàng ở ACB mà không nói với cha hay mẹ.
Chỉ đến khi trúng tuyển, vào ACB làm thì ông Huy mới thông báo với gia đình. Làm ở ACB 3 năm, ông Huy quay trở lại Mỹ theo học tiến sĩ vì lúc đó vẫn là nhân viên cấp thấp, chưa có áp lực nhiều nên thích học thêm.
Năm 2012, khi ACB xảy ra biến cố bầu Kiên, ghế chủ tịch của ngân hàng này bị bỏ trống và dường như không có ai muốn nhận.
Thời điểm đó, nhiều thành viên Hội đồng quản trị ACB phải từ nhiệm, một vị thành viên hội đồng quản trị độc lập khi được đề nghị trở thành tân chủ tịch đã từ chối.
Trong bối cảnh đó, Trần Hùng Huy - con trai cả của nhà sáng lập Trần Mộng Hùng - đang giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc ACB, 34 tuổi, được đưa lên vị trí cao nhất. Sau này, ông Huy tâm sự là "làm chủ tịch mà chưa được chuẩn bị gì cả".
Nhận nhiệm vụ đứng đầu chèo lái một ngân hàng khi tuổi đời còn rất trẻ, ông Huy đã nhận về không ít sự nghi ngờ, tuy nhiên sau đó ông đã nhanh chóng chứng minh được năng lực của mình bằng kết quả thực tế.
Chủ tịch ngân hàng duy nhất tại Việt Nam công khai tài khoản Facebook
Từ khi lãnh đạo ACB, ông Trần Hùng Huy được đánh giá là người "đặc biệt": Chủ tịch ngân hàng duy nhất tại Việt Nam công khai tài khoản Facebook.
Trên mạng xã hội, ông thường xuyên chia sẻ về công việc lẫn cuộc sống hàng ngày, các hoạt động du lịch, thể thao, vui chơi giải trí.
Nhiều người không khỏi thắc mắc, tại sao đến thời điểm này, câu chuyện về ông Trần Hùng mới gây chú ý?
Phần trình diễn nằm trong sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập công ty, giữa giai đoạn kinh tế nói chung đang khó khăn, chắc hẳn không phải là màn biểu diễn không có chủ đích.
Từ trang phục đen trắng, màn cởi áo, cách setup sân khấu với nước, lựa chọn ca khúc… cho thấy ở đây có sự tính toán vô cùng bài bản để tạo "sóng".
Đạo diễn Trần Vy Mỹ là người được mời dàn dựng sự kiện này. Anh là cái tên khá đình đám trong giới "bầu sô" ở TP. HCM, từng có nhiều năm đồng hành với Đàm Vĩnh Hưng để tổ chức các liveshow "siêu khủng".
Ở góc độ Marketing, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long phân tích: "Chúng ta sẽ thử làm một phép tính nhanh và tương đối. Để thương hiệu ACB xuất hiện trên khoảng 20 tờ báo lớn và 80 tờ báo nhỏ, thì chi phí bỏ ra rơi vào tầm 600 triệu.
Tiếp tục, để cái tên này được viral trên khoảng 100 kênh social đa nền tảng, chi phí tối thiểu rơi vào tầm 500 triệu nữa. Tức là, phần trình diễn của Chủ tịch Trần Hùng Huy giá trị ít nhất trên 1 tỷ đồng.
Nhưng nếu ACB bỏ ra cùng một số tiền như vậy để thuê các bên tự viết về mình, thì đó là một câu chuyện vô cùng chán, kết cục là chẳng một ai quan tâm và số tiền đó coi như đổ sông đổ biển".
Hình ảnh một lãnh đạo trẻ khác biệt, tư duy cởi mở
Về yếu tố khiến cho câu chuyện của Chủ tịch ACB gây chú ý ở phương diện tích cực, chuyên gia truyền thông này đánh giá: "Tầm quan trọng của câu chuyện truyền thông không phải ở chỗ nó tạo ra vô số cuộc thảo luận trên báo chí và mạng xã hội; mà ở chỗ câu chuyện đó có sức hút với số đông.
Bản chất của việc làm truyền thông gồm 2 bước lớn. Thứ nhất, chúng ta phải có một câu chuyện đủ hay, và thứ 2, là phải có cách kể chuyện cũng hay không kém.
Câu chuyện truyền thông là một khái niệm không thể tiếp nhận dựa trên cái nhìn… bình thường và truyền thống.
Kiểu như một ca sĩ hát cực hay, cực kỳ kỹ thuật, và cực kỳ cảm xúc, thì không chắc đã khiến dư luận quan tâm bằng một ca sĩ bị tố có con rơi.
Câu chuyện xúc động về một người cả đời ăn chay niệm phật, cứu giúp cho hàng trăm mảnh đời bất hạnh, lập nghĩa trang an nghỉ cho hàng vạn bé sơ sinh, sẽ không hút views bằng clip một soái ca đi siêu xe xuống xin mua lại cả gánh rau cho bà cụ khắc khổ ven đường".
Nhưng tất cả những điều nói trên chỉ có thể gây chú ý, còn để tạo thành hiệu ứng tích cực cho thương hiệu như cách mà ông Trần Hùng Huy vừa tạo ra thì cần có yếu tố mang tính… cine.
Nhìn nhận ở góc độ này, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long lý giải bằng một câu ngắn gọn: "Tốt gỗ thì rất tuyệt vời/Nhưng sơn phải đẹp gọi mời người mua".
Việc sở hữu ngoại hình bắt mắt, gương mặt điển trai, biết chơi piano, nhảy và hát đã mang đến cái nhìn khác biệt lâu nay về một lãnh đạo nói chung.
Công chúng vẫn được "mặc định" về một người đứng đầu nghiêm nghị, giữ gìn hình ảnh, không quá thân tình chỗ đông người; thì sự "ngược dòng" của chủ tịch ACB hẳn nhiên tạo nên sự khác biệt và đầy thiện cảm mà không phải ai cũng làm được.
Đây chính là yếu tố tạo thành sức nặng để cái tên Trần Hùng Huy "gây bão".
Theo Người Đưa Tin