Chuyên mục  


Đó là những ngày u ám của Ngô Minh Tuấn, 20 tuổi, nam sinh vừa tốt nghiệp Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Q.Tân Phú, TP.HCM. Và bây giờ, khi biết chắc chắn mình đậu khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nam sinh cũng không biết sẽ xoay đâu ra khoản tiền nhập học đầu năm, cũng như chi phí trang trải trong suốt 4 năm học là con số không hề nhỏ.

“Em muốn đi học, mà sao thấy bế tắc quá”

Chúng tôi nhận được email của Tuấn cách đây vài ngày, trong thư, nam sinh tha thiết muốn nhờ Báo Thanh Niên và bạn đọc hỗ trợ, bởi em khao khát được đến giảng đường, nhưng gia cảnh quá khó khăn. Sáng 1.8, tới nơi Tuấn đang ở trọ cùng gia đình, thấy càng chua xót hơn.
Gian nhà nhỏ trong hẻm đường Lê Lăng, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM là nơi sinh sống của Tuấn, cha mẹ và một em trai đang học lớp 4. “Nhà này gia đình em ở thuê 7, 8 năm nay. Mỗi tháng tiền thuê, cả điện nước là hơn 4 triệu đồng. Mấy tháng nay khó khăn, tiền nhà em vẫn chưa trả hết”, Tuấn ngậm ngùi.
Trước đây, cả gia đình Tuấn ở cùng họ ngoại, trên đường Nguyễn Sơn, Q.Tân Phú, do làm ăn gặp biến cố, ông bà ngoại phải bán nhà, các cháu con cũng đành phải tự đi thuê nhà, bươn chải khắp nơi. Nam sinh vẫn nhớ lúc khủng hoảng nhất của gia đình, đó là mẹ bị giật hụi, nợ nần lên đến hơn cả tỉ đồng, không biết bấu víu vào đâu.
Cha Tuấn, ông Ngô Hùng Em làm thợ sửa xe hơi thuê, nhưng hơn một năm nay thất nghiệp khi mà các nhà xưởng đều ít xe, cha Tuấn chuyển sang làm “thợ đụng”, đụng đâu làm đó, ai gọi gì làm nấy, từ sửa xe, chạy xe ôm, giao hàng cho khách. Thời gian này, cha Tuấn phát hiện bị lao phổi và đang phải điều trị.

Gian nhà nhỏ hẹp, Tuấn nằm bò trên sàn nhà để học trong những ngày ôn thi

Thúy Hằng

Mẹ Tuấn, bà Đoàn Thị Ngọc Mai, 48 tuổi nhiều năm nay chỉ ở nhà nội trợ vì sức khoẻ yếu, bị thoái hóa khớp gối, đi lại khó khăn. Cả nhà 4 miệng ăn, tiền thuê nhà, tiền đi học của hai anh em Tuấn, tiền thuốc men của cha mẹ Tuấn trông chờ vào thu nhập ít ỏi của cha Tuấn đi làm thuê ở khắp nơi.
Tuấn ham học và học giỏi các môn hóa, lý, sinh. Trong suốt 3 năm phổ thông, không có tiền để đi học thêm, nam sinh chỉ tự học ở nhà. Biết hoàn cảnh khó khăn của em, nhiều thầy cô cho em được học nhiều lớp ôn thi đại học miễn phí. Trong thâm tâm của Tuấn, nhiều thầy cô ở Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Q.Tân Phú, TP.HCM như ân nhân của em, khi khơi trong em khao khát học, để thay đổi vận mệnh của mình, và cho em một bàn tay, khi em khó khăn nhất.
“Thời điểm cuối năm học, cần nộp 1,2 triệu đồng các khoản học, làm thủ tục dự thi THPT quốc gia mà nhà em túng quẫn không còn đồng nào cả, em cũng không biết xoay đâu ra tiền, em buồn, thất vọng và bế tắc, em cứ đi mông lung, đến 1 giờ sáng hôm sau mới trở về nhà. Em đã nghĩ tới chuyện đi nhảy cầu, vì sống làm gì nữa, em muốn được đi học, nhưng cảm thấy quanh mình không lối thoát. Nghĩ đến mẹ, đến ba, em trở về. Hôm sau, em gặp thầy Hưng giám thị, nghe em kể hoàn cảnh của mình, thầy cho em vay tiền, nộp lệ phí, động viên em cố lên. Em không bao giờ quên ơn thầy, em sẽ phải thành công để trả nợ thầy”, nam sinh xúc động.

Người mẹ muốn bán thận để lo

cho con

Ngồi nói chuyện với chúng tôi, bà Đoàn Thị Ngọc Mai, mẹ của Tuấn rơi nước mắt khi nhắc đến hoàn cảnh của gia đình. “Tuấn ham học lắm, nhà chật, không có một góc học tập riêng, cứ bò ra trên sàn để làm bài tập, ôn thi, có khi tới 2 giờ sáng mình thức giấc, vẫn thấy con ôn bài. Thấy con học tốt, người mẹ như tôi cũng xót xa, là không lo được cho con. Tôi từng bàn với chồng, con là vào Bệnh viện Chợ Rẫy để bán một quả thận, ít nhất cũng lo được hết nợ nần, có tiền cho con ăn học đàng hoàng, nhưng mà không ai cho tôi làm cả”, bà khóc.
Bên cạnh bà Mai, cậu con trai út mới học lớp 4 giật áo mẹ kêu đói bụng, bà Mai nói để mẹ nấu mì gói cho con, cậu bé giãy nảy “không, con không ăn mì gói đâu, sao mẹ bắt con ăn mì hoài vậy”. Bà Mai lấy tay lau nước mắt, vừa nói thật khẽ với con trai “nhà không còn gì ăn cả”. Tuấn lặng lẽ quay đi, mắt em đỏ hoe, khi nhìn hình ảnh đau lòng ấy.

Tuấn (hàng đầu, bìa trái) cùng các bạn trong lễ khai giảng đầu năm học

N.T

Biết tin đậu đại học, đáng lẽ ra ai cũng mừng vui, riêng Tuấn những ngày này triền miên âu lo. Mỗi năm học phí ở Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm từ 18-20 triệu đồng, chưa kể các khoản đóng góp đầu năm cũng không nhỏ, em sẽ không biết xoay ở đâu. Gần một tháng nay, trên chiếc xe máy mua trả góp, tài sản gần như có giá trị nhất trong nhà, nam sinh làm nghề giao hàng, mỗi ngày kiếm được hơn 100.000 đồng, đủ chi phí đổ xăng, ăn 3 bữa, ít nhất để cha mẹ vơi bớt nỗi lo về một miệng ăn trong nhà. Tuấn bộc bạch, làm chân tay có thể kiếm được tiền trong chốc lát nhưng con đường ấy không bền vững, chỉ có học, lao động chất xám mới giúp em khẳng định được bản thân, mang lại nhiều hơn những giá trị cho mình và mọi người.
“Chỉ cần được nhập học, em sẽ cố gắng học thật giỏi để có được học bổng của nhà trường. Em có một người anh họ, cũng hoàn cảnh khó khăn như em, nhưng đang là sinh viên ngành hàng không rất xuất sắc, đã có nơi mời làm việc với lương rất cao, em tự động viên mình là mình có đủ chân tay, trí óc minh mẫn, tại sao mọi người làm được mà mình lại không làm được?”, Tuấn kiên định.
Cô Trịnh Thị Hạnh, giáo viên Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Q.Tân Phú, TP.HCM không thể quên Ngô Minh Tuấn, nam sinh chuyên về các môn tự nhiên nhưng lắng nghe rất chăm chú các bài giảng lịch sử của mình. Cô Hạnh bộc bạch: “Tuấn từng rất thích trở thành một thầy giáo dạy sinh học, để trở thành đồng nghiệp với các thầy cô, em hỏi tôi, em nên chọn con đường nào, biết hoàn cảnh của Tuấn, tôi đã ngồi cả buổi, cùng trò chuyện với em, phân tích cho em các cơ hội, khó khăn. Tuấn thật sự là một em học sinh có ý chí, khát vọng, dù hoàn cảnh ngặt nghèo, nhưng luôn luôn khao khát học để thành công, tôi luôn mong em nhận được những hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng để giấc mơ của em thành hiện thực”.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020