Chuyên mục  


Noo Phước Thịnh lần đầu thể hiện Khổ quá thì về mẹ nuôi trong chương trình "Gala nhạc Việt 2025" chủ đề "Tết là nguồn cội", ra mắt ngày 7/1. Album audio tổng hợp ca khúc được chia sẻ nhiều trên TikTok, YouTube, Facebook và nền tảng khác.

Dù ra mắt cùng thời điểm 20 bài nhạc xuân trong tháng 1, Khổ quá thì về mẹ nuôi góp mặt trong các bảng xếp hạng âm nhạc, trong đó đứng số một iTunes Vietnam.

Noo Phước Thịnh trình diễn trong Gala nhạc Việt 2025, tối 7/1. Ảnh: NVCC

Theo đạo diễn, nhà sản xuất Trần Thành Trung, thập niên 1990 hay đầu 2000, các bản nhạc xuân dễ trở thành hit vì khi ấy không nhiều ca khúc mới, ca sĩ cũng không cạnh tranh quá gắt gao.

"Từ thập niên 2010 đến nay, không dễ để một nhạc phẩm về Tết và mùa xuân 'viral' (lan truyền, chia sẻ rộng rãi) trên đa nền tảng. 5 năm trước, Noo Phước Thịnh tạo sức hút với Năm qua đã làm gì (2020) và 2025 là Khổ quá thì về mẹ nuôi", đạo diễn Trần Thành Trung nói.

Thay vì nhắc đến hoa mai, hoa đào, sự tưng bừng, náo nhiệt, Khổ quá thì về mẹ nuôi khắc họa nỗi niềm người con tha hương và lời yêu thương mẹ gửi gắm con.

Nhạc sĩ trẻ Phát Huy T4 lý giải nội dung ca khúc: người con cả năm bôn ba xứ người, nỗ lực kiếm tiền và vùi mình trong bộn bề lo toan. Những ngày cuối năm, thanh niên ấy vẫn tất bật chạy deadline (thời hạn công việc), đôi lần cảm nhận sự cô đơn, mệt mỏi. Đáp lại lo lắng của con, người mẹ gửi gắm tâm tình:

"Nếu trên phố thị mệt quá Ϲứ bắt xe về đâу ba mẹ chờ đón Gạt bỏ qua phố xá nơi xa Quaу về đâу nhà ta sum vầу".

"Mẹ chẳng cần tiền con đâu Ϲhẳng cần con phải lo cho gia đình Miễn sao con không đau ốm Thật mạnh khỏe quaу về nhà mình".

Nhạc sĩ Phát Huy T4 cho rằng ai cũng có thể tìm thấy chính mình trong ca khúc. Noo Phước Thịnh nói ngay lần nghe bản demo, anh không thể kìm nước mắt vì xúc động.

Tham gia Gala nhạc Việt hơn 10 năm trước, Noo Phước Thịnh tạo dấu ấn với nhiều bản nhạc xuân, được khán giả ủng hộ mỗi lần ra mắt sản phẩm mới. Ảnh: NVCC

Trên TikTok hay Facebook, khán giả nhận xét ca khúc Tết của Noo Phước Thịnh có câu từ cô đọng, chạm đến trái tim. Fan để lại nhiều bình luận tích cực ở YouTube. Bạn Hồng Ân (TP HCM) bình luận: "Ca từ lắng đọng, sâu sắc. Cảm xúc dâng trào, muốn chạy ngay về nhà với ba mẹ". "Bài hát hợp với người con xa gia đình, sống và học tập ở nước ngoài. Nghe thấm, muốn khóc, rất thích chất giọng của Noo Phước Thịnh", tài khoản Lam Anh viết.

Khán giả Quốc Tuấn cho hay: "Cuộc sống ngày càng nhiều bộn bề, khó khăn, bài hát này 'vuốt ve' tâm hồn tôi. Mong ai cũng có gia đình sẵn sàng dang tay che chở mỗi lúc khó khăn". Tương tự, Facebooker Lê Minh nói: "24 tuổi, chưa bao giờ tôi nghe bản nhạc nào lại khóc như đứa trẻ thế này. Tôi chỉ còn mẹ và lo sợ xa mẹ từng ngày".

"Mẹ mất vì Covid-19 đã 4 năm, rất xúc động với ca khúc mới của Noo Phước Thịnh. Vì cứ nghĩ mẹ vẫn khỏe, Tết năm đó tôi ở lại tăng ca, để mẹ đón Tết một mình. Ngờ đâu đó lại là cái Tết cuối cùng của mẹ", một khán giả cho hay. Chia sẻ của anh nhận sự quan tâm, động viên của nhiều người.

Gala nhạc Việt lên sóng từ đầu năm 2012, được khán giả lẫn nghệ sĩ đánh giá là thương hiệu uy tín. Thậm chí, các sao truyền nhau khẩu hiệu "Thấy Gala nhạc Việt là thấy Tết".

Sau 13 năm, chương trình có lượng khán giả trung thành, ngày càng đông đảo. Tính riêng trên YouTube, kênh Gala nhạc Việt có tới 1,12 triệu người theo dõi. Mỗi ca khúc hút lượt truy cập lớn, Khổ quá thì về mẹ nuôi cũng không ngoại lệ.

Những năm gần đây, phần lớn ca khúc Tết được ra mắt và phát hành bởi Gala nhạc Việt, chiếm lĩnh thị trường nhạc Tết, vang lên ở các quán cà phê, tụ điểm vui chơi.

Noo Phước Thịnh gia nhập làng giải trí từ năm 2009, chất giọng trầm ấm và phong cách trình diễn cảm xúc. Thập niên 2010, anh ghi dấu với loạt hit Chờ ngày mưa tan, Mãi mãi bên nhau, Cause I love you, Chạm khẽ tim anh một chút thôi...

Đông Vệ

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020