Đi xe máy để chân chống va quẹt xuống đường có thể bị phạt đến 10 triệu đồng
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều (Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Việc cố ý không gạt chân chống xe hoặc để vật khác quệt xuống đường khi tham gia giao thông là hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nghị định 168 mới đây cũng đã nâng mức phạt của hành vi này.
Cụ thể, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025, tại điểm a, khoản 9, Điều 7 có quy định:
Từ ngày 1/1/2025, người có hành vi đi xe máy mà để chân chống va quệt xuống đường sẽ bị phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng. Ảnh minh họa
Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy;
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt trên, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng theo điểm b, khoản 12, Điều 7 Nghị định 168 .
Trước đó, Nghị định 100/2019 quy định người sử dụng chân chống quệt xuống đường khi xe đang chạy, người điểu khiển xe máy (kể cả xe máy điện) sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Trên thực tế, lỗi không gạt chân chống xe này thường được áp dụng với hành vi cố ý sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi đua xe, lạng lách, đánh võng để phát ra âm thanh, tia lửa…
Trường hợp người dân quên gạt chân chống, CSGT sẽ nhắc nhở. Tuy nhiên, người dân cần phải gạt chân chống khi lưu thông trên đường để đảm bảo an toàn và tuân thủ quy định pháp luật.
10 lộ trình từ TPHCM về quê ăn Tết tránh kẹt xe
Để tránh kẹt xe khi người dân từ TPHCM về quê nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, Sở GTVT TPHCM gợi ý 10 lộ trình đi các tỉnh miền Bắc, Tây Nguyên và miền Tây. Lao Động hôm nay đưa tin.
Lộ trình lưu thông từ TPHCM đi các tỉnh phía Bắc:
Lộ trình 1 (dành cho các loại xe): Bến xe Miền Đông mới → Quốc lộ 1 → cầu Đồng Nai → ngã ba Vũng Tàu → Quốc lộ 51 → đường Võ Nguyên Giáp (đường tránh thành phố Biên Hòa) → Quốc lộ 1 (ngã ba Dầu Giây) → các tỉnh phía Bắc.
Hoặc: Bến xe Miền Đông mới → Quốc lộ 1 → cầu Đồng Nai → cầu vượt ngã ba Vũng Tàu → Quốc lộ 1 (ngã ba Dầu Giây) → các tỉnh phía Bắc.
Lộ trình 2 (dành cho các loại xe ôtô): Bến xe Miền Đông mới → Quốc lộ 1 → cầu Đồng Nai → ngã ba Vũng Tàu → Quốc lộ 51 → đường cao tốc Long Thành – Phan Thiết → các tỉnh phía Bắc.
Lộ trình từ TPHCM đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên:
Lộ trình 1 (dành cho các loại xe): Bến xe Miền Đông → Quốc lộ 13 → Quốc lộ 14 (hoặc ĐT 741).
Lộ trình 2 (dành cho các loại xe): Trục tuyến Quốc lộ 13 → đường Phạm Văn Đồng → Quốc lộ 1, thành phố Thủ Đức (đường Lê Khả Phiêu) → Quốc lộ 1 → cầu Đồng Nai → cầu vượt ngã ba Vũng Tàu → Quốc lộ 1 (ngã ba Dầu Giây) → Quốc lộ 20.
Hoặc: Bến xe Miền Đông mới → Quốc lộ 1 → cầu Đồng Nai → cầu vượt ngã ba Vũng Tàu → Quốc lộ 1 (ngã ba Dầu Giây) → Quốc lộ 20.
Lộ trình 3 (dành cho các loại xe ô tô): Trục tuyến Quốc lộ 13→ đường Phạm Văn Đồng → đường Đinh Bộ Lĩnh → đường Bạch Đằng → đường Xô Viết Nghệ Tĩnh → đường Điện Biên Phủ → cầu Sài Gòn → đường Võ Nguyên Giáp → đường Mai Chí Thọ → đường dẫn cao tốc → đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây → Quốc lộ 1 (ngã ba Dầu Giây) → Quốc lộ 20.
Lộ trình lưu thông từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây:
Lộ trình 1 (dành cho các loại xe ôtô): Bến xe Miền Tây → đường Kinh Dương Vương → Quốc lộ 1, huyện Bình Chánh (đường Lê Khả Phiêu) → đường dẫn cao tốc → đường cao tốc TPHCM - Trung Lương → Quốc lộ 1 → các tỉnh miền Tây.
Lộ trình 2 (dành cho các loại xe): Bến xe Miền Tây → đường Kinh Dương Vương → Quốc lộ 1, huyện Bình Chánh (đường Lê Khả Phiêu) → các tỉnh miền Tây.
Lộ trình 3 (dành cho các loại xe): Bến xe Miền Tây → đường Kinh Dương Vương → Quốc lộ 1, huyện Bình Chánh (đường Lê Khả Phiêu) → đường Nguyễn Văn Linh → Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh (đường Văn Tiến Dũng) → các tỉnh miền Tây.
Lộ trình 4 (dành cho các loại xe): Đường Trường Chinh → Quốc lộ 22, huyện Hóc Môn (đường Lê Quang Đạo) → Quốc lộ 22, huyện Củ Chi (đường Phan Văn Khải) → Tỉnh lộ 8 → Tuyến N2 → các tỉnh miền Tây.
Hoặc: Trục đường Trường Chinh → Quốc lộ 22, huyện Hóc Môn (đường Lê Quang Đạo) → Nguyễn Văn Bứa → ĐT 824 (tỉnh Long An) → Tuyến N2 → các tỉnh miền Tây.
Lộ trình 5 (dành cho các loại xe ô tô): Quốc lộ 1, huyện Bình Chánh (đường Lê Khả Phiêu) → đường cao tốc Bến Lức – Long Thành → đường cao tốc TPHCM – Trung Lương.
Cẩn trọng bẫy 'việc nhẹ lương cao' mùa Tết
Tràn lan những quảng cáo đường mật 'không cần bằng cấp, công việc nhàn hạ, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày'… Hãy chậm lại một chút để kiểm chứng thông tin vì rất có thể, 'việc nhẹ lương cao' chỉ là chiêu trò của những kẻ lừa đảo. Thông tin trên VOV.
Vậy làm thế nào để tránh "sập bẫy" lừa đảo "việc nhẹ lương cao"? Những yếu tố nào để nhận diện các hình thức lừa đảo tinh vi này?
Là một người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, TS Nguyễn Tuấn Anh, Viện nghiên cứu Thanh niên, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam cho rằng: "Một điểm dễ nhận diện là "những chiêu lừa này thường có đặc điểm là thông tin gần như không được công khai minh bạch. Vị trí làm việc hoặc công việc cần làm cũng không được mô tả cụ thể. Thêm nữa, những công việc mà quá đơn giản nhẹ nhàng nhưng lương, thu nhập lại cao một cách bất thường thì cũng là một tình huống đáng nghi ngờ".
Một điều chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, để có một công việc tốt thì thứ đầu tiên cần phải có là học thức và kinh nghiệm. Mỗi vị trí ứng tuyển luôn có những đòi hỏi nhất định về chuyên môn, kiến thức và sẽ không có công việc vừa nhẹ nhàng lại vừa lương cao.
Để nhận diện và phòng tránh bị lừa đảo với chiêu thức "việc nhẹ lương cao" các chuyên gia khuyến cáo: Nguyên tắc cơ bản nhất là giao dịch trực tiếp, không nên cung cấp bất kể thông tin cá nhân hay mật khẩu về thông tin cá nhân. Không đưa lên không gian mạng ví dụ như căn cước công dân, ảnh căn cước công dân, số tài khoản, email, số điện thoại…
Cần phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng, cảnh giác trước các lời mời chào hấp dẫn rồi hứa hẹn thu nhập cao mà không cần phải đòi hỏi kinh nghiệm kỹ năng công việc. Khi tìm kiếm những vị trí việc làm những công việc cụ thể thì các bạn cũng nên tìm hiểu thật kỹ doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động, nhu cầu tuyển dụng, đánh giá vị trí việc làm, các yêu cầu của việc làm. Qua đó tham gia phỏng vấn trao đổi thật kỹ với nhà tuyển dụng. Không nên đặt cọc.
Người dân hãy tự mình nâng cao nhận thức để nhận diện những bất thường cũng như cảnh báo cho những người khác. Không "ngó lơ" các dấu hiệu lừa đảo là chúng ta đã góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh và an toàn.
Cục CSGT yêu cầu rà soát tổng thể đèn tín hiệu giao thông
Sáng 13/1, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, lực lượng CSGT toàn quốc đang kiểm tra, rà soát tổng thể hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Từ đó có cơ sở kiến nghị thay thế, sửa chữa những cụm đèn hư hỏng, lỗi. VietnamNet đưa tin.
Trong quá trình vận hành, cảnh sát cũng sẽ điều chỉnh chu kỳ đèn phù hợp với tình hình từng địa bàn. Mục tiêu là đảm bảo cho người dân đi lại thông suốt; công tác xử lý vi phạm chính xác, đúng hành vi, người vi phạm "tâm phục khẩu phục".
Trước đó, Cục CSGT (Bộ Công an) và Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã bàn giao một số nhiệm vụ thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Nhiều người đi xe máy cố tình vượt đèn đỏ trên đường Xã Đàn, Hà Nội. Ảnh: Đình Hiếu
Về nguyên tắc, CSGT sẽ có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền vận hành, khai thác, sử dụng, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông nhằm phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa giải quyết ùn tắc.
Đối với cơ sở vật chất, hạ tầng hệ thống đèn tín hiệu giao thông, trung tâm đèn tín hiệu giao thông, công tác quản lý, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, chia sẻ dữ liệu hệ thống đèn tín hiệu giao thông, tiếp tục được quản lý bởi các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ của UBND cấp tỉnh và Bộ Giao thông vận tải.
Lực lượng CSGT sẽ theo dõi, kiểm tra tình hình hoạt động của đèn tín hiệu giao thông để báo cáo, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền bảo dưỡng, thay thế kịp thời khi phát hiện hư hỏng. Từ đó, bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, liên tục, tránh gây oan sai khi xử phạt liên quan đến việc chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu; không xử phạt các tình huống không rõ ràng hoặc có sự cố trong hệ thống đèn tín hiệu.
Đối với phạt trực tiếp, lực lượng phụ trách đèn sẽ phối hợp với CSGT tại chốt, thông báo vi phạm vượt đèn đỏ để dừng, xử lý. Đồng thời hình ảnh, clip của người vi phạm từ trung tâm sẽ được gửi tới lực lượng tại chốt, từ đó thông báo cho người vi phạm.
Với trường hợp phạt nguội, lực lượng chức năng sẽ cho người vi phạm xem lại clip diễn biến toàn trình của vi phạm vượt đèn đỏ trước khi lập biên bản.
Ngăn chặn việc đánh cắp dữ liệu từ hệ thống camera giám sát
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư về "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị camera giám sát sử dụng giao thức Internet - Các yêu cầu an toàn thông tin cơ bản" (QCVN 135:2024/BTTTT). Thông tin trên TTXVN.
Quy chuẩn quy định các yêu cầu kỹ thuật an toàn thông tin mạng cơ bản cho thiết bị camera giám sát sử dụng giao thức Internet. Thiết bị camera giám sát sử dụng giao thức Internet là camera kỹ thuật số, có thể kết nối qua giao thức Internet, thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc giám sát, ghi hình. Mã số HS của thiết bị camera giám sát sử dụng giao thức Internet áp dụng theo phụ lục.
Đối tượng áp dụng Quy chuẩn là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trên toàn lãnh thổ Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh (bao gồm hoạt động nhập khẩu), khai thác các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn này.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 135:2024/BTTTT được xây dựng và ban hành về yêu cầu an toàn thông tin cơ bản cho camera giám sát sử dụng giao thức internet được xây dựng và ban hành nhằm mục đích quản lý, tăng cường bảo đảm an toàn cho hệ thống IP camera, đây là điều cấp thiết.
Quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo các biện pháp an ninh như quản lý mật khẩu an toàn, cập nhật phần mềm định kỳ, và bảo vệ giao tiếp dữ liệu để ngăn chặn tấn công từ chối dịch vụ (DoS) và các mối đe dọa bảo mật khác. Thiết lập các quy tắc mã hóa dữ liệu và quản lý quyền truy cập để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân. Quy chuẩn này giúp ngăn chặn việc đánh cắp dữ liệu và lạm dụng thông tin cá nhân từ hệ thống camera giám sát qua đó bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư…
Quy chuẩn quy định rõ về các quy định kỹ thuật đối với việc khởi tạo mật khẩu duy nhất; lưu trữ các tham số an toàn nhạy cảm; quản lý kênh giao tiếp an toàn; phòng chống tấn công thông qua các giao diện của thiết bị; bảo vệ dữ liệu người sử dụng; khả năng tự khôi phục lại hoạt động bình thường sau sự cố; xóa dữ liệu trên thiết bị camera; bảo vệ dữ liệu trên thiết bị camera…
Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, camera giám sát trở thành một công cụ không thể thiếu trong việc đảm bảo an ninh, quản lý và giám sát nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, sự phát triển của thiết bị này cũng đồng thời mở ra những nguy cơ về an toàn thông tin, khi hàng triệu camera giám sát trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng, gây rò rỉ dữ liệu nhạy cảm và xâm phạm quyền riêng tư. Việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin cho camera giám sát không chỉ là cần thiết còn cấp bách, nhằm bảo vệ hệ thống thông tin quốc gia, cá nhân và tổ chức khỏi các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng phức tạp.
Theo hệ thống giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có hơn 800.000 camera giám sát tại Việt Nam đang công khai chia sẻ hình ảnh trên mạng, trong đó 360.000 camera (chiếm 45%) có lỗ hổng dễ bị khai thác và chiếm quyền điều khiển. Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm đang rao bán công khai hình ảnh và video bị rò rỉ từ camera giám sát, với mức giá từ 200.000 đến 1 triệu đồng. Trong năm 2021, mỗi tháng có khoảng 1 triệu địa chỉ IP từ Việt Nam nằm trong các mạng botnet, và 48.690 địa chỉ trong số đó liên quan trực tiếp đến mã độc từ camera giám sát (chiếm 5%).
Ngoài ra, một nguy cơ khác đến từ việc phần lớn các hệ thống thông tin sử dụng camera giám sát tại Việt Nam chưa được thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng theo quy định tại Nghị định 85/2016/NĐ-CP. Khoảng 90% các hệ thống này chưa được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng trước khi đưa vào vận hành, cũng như chưa được kiểm tra định kỳ hàng năm.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2025. Kể từ ngày 1/1/2026, thiết bị camera giám sát sử dụng giao thức Internet nhập khẩu và sản xuất trong nước phải đáp ứng các quy định tại QCVN 135:2024/BTTTT. Kể từ ngày 15/2/ 2025, QCVN 135:2024/BTTTT được áp dụng trong thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy.
Tuần tới miền Bắc đón không khí lạnh tăng cường, trời rét kéo dài
Miền Bắc đang trải qua những ngày rét đậm diện rộng, vùng núi cao có nơi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất trong 2 ngày cuối tuần có nơi xuống -3 độ C, băng giá phủ trắng nhiều khu vực núi cao như Sa Pa, Lảo Thần, Y Tý (Lào Cai), Phja Oắc (Cao Bằng)... VTC đưa tin.
Tuần tới, miền Bắc trời rét, vùng núi cao rét đậm rét hại. (Ảnh minh hoạ: Đắc Huy)
Đêm 13/1 và ngày 14/1, nhiệt độ trung bình ngày ở Bắc Bộ, Thanh Hoá và Nghệ An trong ngưỡng trời rét, vùng núi rét đậm, rét hại. Bắc Bộ, Thanh Hoá và Nghệ An mưa vài nơi, sáng sớm sương mù và sương mù nhẹ rải rác.
Ngoài ra, ngày 15/1, không khí lạnh được tăng cường trở lại miền Bắc nước ta. Khu vực này rét kéo dài, thời tiết phổ biến nắng hanh, nhiệt độ giảm sâu về đêm và sáng.
Trong 24 đến 48 giờ tới, Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi mưa vài nơi. Trời rét.
Các khu vực khác mưa rào vài nơi.
Dự báo thời tiết các vùng trên cả nước trong đêm 13, rạng sáng 14/1/2025
Hà Nội đêm không mưa, sáng sớm có nơi sương mù, ngày nắng. Gió đông bắc cấp 2-3. Trời rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất 8-10 độ C. Nhiệt độ cao nhất 20-22 độ C.
Phía Tây Bắc Bộ đêm không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng. Gió nhẹ. Trời rét đậm, rét hại. Vùng núi cao khả năng xảy ra băng giá và sương muối. Nhiệt độ thấp nhất 5-8 độ C, có nơi dưới 5 độ C. Nhiệt độ cao nhất 19-22 độ C, có nơi dưới 18 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ đêm không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng. Gió đông bắc cấp 2-3. Trời rét đậm, vùng núi và trung du rét đậm, rét hại. Vùng núi cao có thể xảy ra băng giá và sương muối. Nhiệt độ thấp nhất 8-11 độ C, vùng núi 4-7 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C. Nhiệt độ cao nhất 19-22 độ C.
Thanh Hóa đến Huế phía Bắc đêm không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù, ngày nắng. Phía Nam mưa vài nơi. Gió bắc đến tây bắc cấp 2-3. Trời rét, phía Bắc có nơi rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất 10-13 độ C, phía Nam 13-16 độ C. Nhiệt độ cao nhất 19-22 độ C.
Đà Nẵng đến Bình Thuận phía Bắc mưa vài nơi. Phía Nam đêm không mưa, ngày nắng. Gió đông bắc cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4, có nơi gió giật cấp 6-7. Phía Bắc trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 18-20 độ C, phía Nam 20-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 20-23 độ C, phía Nam 25-28 độ C, có nơi trên 28 độ C.
Tây Nguyên đêm không mưa, ngày nắng. Gió đông bắc cấp 3. Đêm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 12-15 độ C. Nhiệt độ cao nhất 23-26 độ C.
Nam Bộ đêm không mưa, ngày nắng. Gió đông bắc cấp 3. Đêm và sáng sớm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 28-31 độ C, có nơi trên 31 độ C.