Chuyên mục  


Theo Paper, Giáo sư Lý Hải Tăng công tác tại Viện Năng lượng và Kỹ thuật điện thuộc Đại học Sơn Đông (Trung Quốc), đã qua đời ở Thanh Đảo ngày 29/8, sau cơn nhồi máu cơ tim đột ngột, hưởng dương 34 tuổi.

Sự ra đi đột ngột của GS Tăng, khiến nhà khoa học chế tạo robot Cảnh Đào không khỏi bàng hoàng: "Tôi nhận thức rõ sự cạnh tranh khốc liệt của cộng đồng học thuật trong nước, ngày càng có nhiều học giả trẻ qua đời. Chỉ trong vài năm, GS Tăng đã xuất bản hàng chục bài báo trên các tạp chí hàng đầu thế giới. Phải nỗ lực thế nào mới làm được điều này".

GS Lý Hải Tăng sinh ngày 4/3/1990 ở Sơn Đông (Trung Quốc). Tháng 9/2007, ông đỗ Đại học Khoa học và Công nghệ Thanh Đảo, chuyên ngành Kỹ thuật Vật liệu Vô cơ Phi kim loại. Tốt nghiệp đại học năm 2011, ông tiếp tục con đường học vấn tại Đại học Đông Hoa, chuyên ngành Vật liệu học.

Dưới sự hướng dẫn của GS Vương Hồng Chí - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điện sắc (electrochromism), từ năm 2011, nghiên cứu của ông tập trung vào vấn đề này.

Trong quá trình học tiến sĩ, ông có cơ hội làm việc tại Phòng thí nghiệm của GS Pooi See Lee - thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ kiêm Phó Tổng biên tập của tạp chí ACS Energy Letters khi đó.

Từ tháng 12/2014 đến tháng 6/2015, ông nhận được học bổng trao đổi tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Tốt nghiệp tiến sĩ tháng 6/2016, ông làm việc tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) với vai trò trợ lý nghiên cứu. Tháng 2/2017 đến tháng 10/2020, ông tiến hành nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Alberta, Canada.

Sau khi về nước, tháng 3/2021, ông gia nhập Đại học Sơn Đông (Trung Quốc). Ở tuổi 31, ông được bổ nhiệm trở thành GS Viện Năng lượng và Kỹ thuật điện thuộc Đại học Sơn Đông. Quá trình làm việc tại đây, ông chủ yếu hướng dẫn nghiên cứu sinh và tiến hành các nghiên cứu về Vật liệu và Thiết bị điện sắc đa chức năng. Đồng thời, ông còn chủ trì nhiều dự án của Quỹ Khoa học Tự nhiên quốc gia.

Khi nhắc về GS Tăng, Tiến sĩ Tạ Tĩnh - giảng viên Đại học Tài chính và Kinh tế Chiết Giang, cho hay: "GS Tăng đã lên những nấc thang sự nghiệp với tốc độ rất nhanh. Trung bình để thăng tiến từ trợ lý nghiên cứu lên GS đại học danh tiếng Trung Quốc phải mất 13 năm. Tài năng và sự nỗ lực không chỉ mang đến cho GS Tăng cơ hội thăng tiến còn cả địa vị trong giới nghiên cứu".

1.jpegGiáo sư Khoa học Vật liệu Lý Hải Tăng qua đời tuổi 34. Ảnh: Baidu

Do tính chất liên ngành của lĩnh vực Điện sắc, nhóm nghiên cứu của GS Tăng thường hoạt động tại ba đơn vị trực thuộc Đại học Sơn Đông (Viện Nghiên cứu Khoa học Tiên tiến Thanh Đảo, Viện Năng lượng và Kỹ thuật Điện, Viện Hóa học công nghiệp).

Hướng nghiên cứu chính của nhóm bao gồm: Thiết bị điện sắc có khả năng phát xạ hồng ngoại; Công nghệ hiển thị điện sắc giá rẻ; Phim điện sắc biến màu linh hoạt có thể cắt dán cho cửa sổ thông minh; Vải năng lượng có khả năng quản lý nhiệt bức xạ cơ thể người.

Theo thống kê, trong 5 năm GS Tăng đã xuất bản hơn 30 bài báo trên các tạp chí uy tín về Khoa học Vật liệu như: Joule, Advanced Materials, Light: Science & Applications, Materials Today, Advanced Functional Materials, ACS Energy Letters, Advanced Energy Materials, Advanced Optical Materials, Nano-Micro Letters, Nano Energy, Nanophotonics, Nanoscale Horizons và ACS Applied Materials & Interfaces… Trong đó nhiều bài được xác định dựa trên cơ sở chỉ số khoa học cốt lõi (Essential Science Indicators - ESI) có hệ số trích dẫn cao từ năm 2021 đến năm 2024.

Đi đầu trong nghiên cứu Thiết bị điều chỉnh nhiệt quang điện sắc, GS Tăng từng nhận được 3 bằng độc quyền sáng chế ở Trung Quốc, 1 bằng độc quyền sáng chế ở Canada và Mỹ. Năm 2022, GS Tăng được Hiệp hội Hiển thị Thông tin thế giới (SID) công nhận là 1 trong 4 nhà khoa học trẻ.

Ngoài ra, GS Lý Hải Tăng còn nhận được một số giải thưởng sau: Nhà khoa học trẻ do tạp chí Nanoscale bình chọn; Nhà khoa học trẻ xuất sắc nghiên cứu Hệ thống vi mô & Kỹ thuật nano (Microsystems & Nanoengineering) và Giải thưởng Wiley ở Trung Quốc dành cho nhà khoa học trẻ nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học mở (năm 2022).

Không chỉ công tác tại Đại học Sơn Đông, GS Tăng còn là biên tập viên của các tạp chí khoa học trong nước như: Nano-Micro Letters (IF: 26.6), Energy & Environmental Materials (IF: 15), Materials Research Letters (IF: 8.3), Nano Materials Science (IF: 9.9), Advanced Powder Materials (IF>10) và Frontiers of Physics (tạp chí do Bộ Giáo dục Trung Quốc là đơn vị chủ quản, IF: 7.5).

GS Lý Hải Tăng qua đời để lại mất mát lớn trong cộng đồng học thuật ở Trung Quốc. Một đồng nghiệp của ông cho biết: "Các giảng viên trẻ ở trong nước hiện nay phải đối mặt với áp lực lớn phát triển sự nghiệp.

Trong môi trường này, các nhà nghiên cứu hàng đầu Trung Quốc luôn sợ tụt hậu. Điều này đã thúc đẩy họ phải làm việc chăm chỉ, thậm chí đánh đổi cả sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của bản thân".

giao-su.jpg?width=150Yolo
Giáo sư soạn quy tắc ứng xử dí dỏm cho sinh viên khiến cộng đồng mạng thích thú

Theo VietNamNet

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020