Khu chợ hàng thùng Đông Tác từ lâu đã "thánh địa" của những người săn đồ secondhand. Hàng thùng là đồ đã qua sử dụng, được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là những người có sở thích ăn mặc cá tính, không thích đụng hàng. Chợ Đông Tác nằm trong khu tập thể Khương Thượng, hay còn gọi là khu trường Y, là khu chợ ngoài trời, đã hình thành hàng chục năm nay, quy tụ nhiều cửa hàng đồ si. Bên cạnh các tiệm quần áo, chợ Đông Tác cũng trở thành tụ điểm ăn uống vì giáp chợ Khương Thượng, gần khu dân cư và các trường học, đại học.
Bánh đa trộn thập cẩm có giá 35.000-40.000 đồng.
Trước khi bước vào công cuộc "đào bới" tìm đồ cũ, nhiều khách hàng có thói quen ăn uống để lấy sức mua sắm. Một trong những địa chỉ ăn uống uy tín với giới săn si ở đây là quán miến trộn và bánh đa trộn Gia Huy ở dưới chân nhà A6 tập thể Khương Thượng. Địa chỉ quán dễ "gây lú" với những người tới đây lần đầu nhưng thực chất cách đi rất đơn giản. Bạn đi vào ngõ 1 Tôn Thất Tùng, sau đó rẽ phải hoặc đi ngõ 1A sau đó rẽ trái, quán nằm ở khoảng giữa đường, có hai mặt tiền nên dễ nhận ra.
Thực đơn của quán chủ yếu gồm miến, bánh đa trộn và nước, ngoài ra còn có mì tôm. Trong đó, được ưa chuộng nhất là các món trộn do thời tiết mùa hè nóng nực, chợ nằm ngoài trời nên khách ưu tiên ăn trộn thanh mát. Một bát full topping gồm có giò tai, đậu rán, thịt bò, chả cá trộn với miến hoặc bánh đa đỏ chần chín. Sợi miến mềm, nóng hổi còn sợi bánh đa dai dai, tùy sở thích mỗi người lựa chọn.
Giò tai sần sật, thịt bò chần chín tới, chả cá là loại mỏng dai, ăn ở mức ổn nhưng phần "đinh" của món ăn là phần nước trộn. Quán không sử dụng xì dầu như nhiều nơi mà sử dụng nước dùng và gạch cua, rất đậm vị cua, không bị tanh hay nguội lạnh như nhiều nơi, trộn chung với các thành phần ăn "rất dính". Rau trộn thường là giá đỗ và rau cần hoặc rau cải, giòn giòn, tươi mát, thích hợp ăn vào ngày hè
Sợi bánh đa đỏ dai dai, trộn với các loại topping.
Địa chỉ này khá nổi tiếng không chỉ với dân săn hàng thùng, còn hút khách văn phòng và học sinh sinh viên khu vực lân cận. Vào giờ nghỉ trưa, quán khá đông. Chỉ có chủ quán đứng bán hàng, thêm một nhân viên, đôi khi có thêm một người trợ giúp nhưng khách hầu như không phải chờ đợi lâu.
Giá một bát từ 35.000 đến 40.000 đồng, nếu ăn ít thành phần hơn, giá từ 20.000 đồng. Nếu chưa "đủ đô", bạn có thể gọi thêm topping ăn riêng như đậu rán, giò, thịt bò, chả cá, rau, mỗi phần chỉ 5.000 đồng. Tuy nhiên, quán không phục vụ kèm nước dùng uống kèm như nhiều nơi mà phải xin thêm. Ngoài miến và bánh đa đỏ, quán còn có thêm mì tôm trộn với giá cả và topping y chang. Sát đó cũng là các quán giải khát bình dân như sữa đậu nành, nước mía đá, rất tiện cho khách gọi.
Khu Khương Thượng không chỉ có chợ Đông Tác, còn có con ngõ bán hàng lưu niệm A8 huyền thoại của học sinh sinh viên Hà Nội, hình thành từ hơn 20 năm trước. Xung quanh đó có nhiều quán ăn vặt như nộm bò khô, cháo, các loại chè, quán ốc, bánh tráng trộn, nước mía, tào phớ... với giá bình dân.
Khu chợ hàng thùng Đông Tác.
Sau khi đánh chén no nê, thực khách mới bắt đầu mua sắm trong khu chợ hàng thùng. Chợ có nhiều dãy hàng nhỏ, bày dọc theo các khu nhà tập thể. Hàng hóa có nhiều phân khúc khác nhau, từ 20.000 đồng tới vài trăm nghìn đồng một sản phẩm, bao gồm quần áo, giày dép, túi xách, xuất xứ từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Âu Mỹ nhưng đôi khi cũng trộn lẫn đồ Trung Quốc, bạn nên xem kỹ chất liệu và trả giá để tránh mua hớ, ngoài ra, nhớ kiểm tra một số lỗi như cũ, ố màu, rách. Trước đây, chợ đồ cũ thường bán hàng trái mùa nhưng hiện tại đã bắt kịp "mùa nào thức ấy".
Khu chợ này thời gian gần đây được nhiều du khách nước ngoài ghé tới mua sắm và xuất hiện trong các video review trên mạng xã hội. Chợ mở cửa gần trưa và đóng cửa khoảng 6h chiều. Cách đó khoảng một km, khu chợ đồ cũ Đặng Văn Ngữ cũng được nhiều người yêu thích nhưng quy mô nhỏ hơn.
Bài và ảnh: Nguyên Chi