Lễ hội cầu mưa (hay còn gọi là Xến Xó Phốn) là một trong những lễ hội quan trọng, linh thiêng của đồng bào dân tộc Thái, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
Nhằm lưu giữ và bảo tồn lễ hội này, các câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn huyện đã tổ chức phục dựng, tái hiện một cách chân thực lễ hội với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân làm ăn phát đạt, mọi người trong gia đình luôn dồi dào sức khỏe, bình an.
Lễ hội có các nghi thức, tín ngưỡng gắn với phong tục tập quán và quá trình lao động sản xuất của nhân dân, thường được tổ chức vào tháng 4 Âm lịch hằng năm, gồm 2 phần Lễ và Hội. Phần Lễ để cúng thần linh cai quản mưa nắng không mang yếu tố dị đoan mà chỉ mượn yếu tố tâm linh để dạy bảo con người. Phần hội với những lời ca tiếng hát, tiếng trống, chiêng vui nhộn, những tiếng cười, nói vui vẻ, sảng khoái nhằm giáo dục nhân cách, đạo đức, phẩm hạnh để con người vươn tới cái đẹp.
Nghi lễ cầu mưa tại Sơn La. Ảnh tư liệu: Nguyễn Cường - TTXVN
Trong phần Lễ, người đóng vai trò chính là bà Me mải (người phụ nữ góa chồng). Đoàn người cùng đi với Me mải đến khoảng 2-3 gia đình trong bản để xin lễ vật như: Hạt giống, cơm, muối, rau, măng, nước. Khi đủ lễ vật, đoàn người rước “Tô Ngựa” (linh vật hình con rồng) đến địa điểm cúng lễ. Mâm lễ cúng gồm: Xôi, thịt lợn, gà, măng, trầu, cau, vải trắng, vải đỏ...
Me mải bắt đầu bằng bài cúng cầu mưa với nội dung mời chủ nước, chủ sông về ăn lễ vật và lắng nghe nguyện vọng của dân bản, cầu xin trời làm mưa cho đến khi sấm sét nổi lên và trời mưa xuống. Tiếp đến, Me mải thả “Tô Ngựa” trôi theo dòng sông với ý nghĩa phóng sinh nhằm cảm ơn thần linh đã ban mưa xuống, rồi hạ mâm cúng cùng nhau thụ lộc. Ăn, uống xong, đoàn người chia ra thành 2 tốp nam, nữ lội xuống suối, đứng mặt đối diện để té nước vào nhau. Khi ai nấy đều đã ướt, họ mới lên bờ. Sau đó, đoàn người trở về bản thay quần, áo, váy, khăn mới, cùng nhau chơi ném còn, uống rượu cần, đánh cồng, múa xòe và hát các bài hát về tình yêu đôi lứa…
Em Lò Thị Diệu Huyền, bản Búng Mo, xã Chiềng Sàng, chia sẻ: Em cảm thấy rất vui khi được xem các ông, các bà tổ chức Lễ hội cầu mưa. Em cũng đang theo học để tiếp thu những nét văn hóa đặc sắc để có thể giới thiệu cho bạn bè biết về Lễ hội của dân tộc mình. Diệu Huyền mong muốn những Lễ hội như thế này sẽ tiếp tục được gìn giữ và phát huy, không bị mai một theo thời gian.
Ảnh tư liệu: Nguyễn Cường - TTXVN
Lễ hội cầu mưa của đồng bào dân tộc Thái, huyện Yên Châu là một nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng dân tộc nơi đây. Lễ hội có liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh, mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của người dân hằng năm. Do đó, lễ hội được tổ chức trang trọng, vui vẻ, thu hút sự tham gia của đông đảo đồng bào dân tộc ở khắp các bản.
Ông Quàng Văn Bưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiềng Sàng, huyện yên Châu thông tin: Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội và một số nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái, xã đã tổ chức thành lập Câu lạc bộ Văn hóa Thái ở bản Đán. Các thành viên của Câu lạc bộ đều có nguyện vọng và rất tích cực tham gia để truyền đạt cho các thế hệ con, cháu.
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân xã đã xây dựng quy chế hoạt động và chế độ nhằm hỗ trợ, khuyến khích các thành viên. Tuy nhiên, hiện nay kinh phí hoạt động vẫn còn hạn hẹp, do đó, xã mong muốn các cấp có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, đầu tư cho Câu lạc bộ ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động và có nhiều chương trình, tiết mục để nhân dân thường xuyên được giao lưu, thưởng thức nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Bà Hoàng Thị Thoát, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Thái, bản Đán, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu, cho hay: Để bảo tồn và phát triển Lễ hội cầu mưa, thời gian tới các thành viên trong Câu lạc bộ sẽ tập trung truyền dạy, rèn giũa cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, năm nay tổ chức ở bản này, sang năm sẽ tổ chức tại bản khác, để nhân dân, các con, cháu biết đến nét văn hóa tâm linh, một nét đẹp truyền thống của nguồn cội dân tộc Thái đen. Đặc biệt, Lễ hội cầu mưa đang ngày bị mai một, do dó, các thành viên trong Câu lạc bộ sẽ nỗ lực hết mình để truyền đạt lại cho các thế hệ mai sau.