Gói nem chua tại cơ sở nem Hoàng Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Nem Lai Vung là món ngon đặc sản của tỉnh Đồng Tháp. Mỗi dịp du khách ngang qua miền Tây thường ghé mua nem tại các điểm dừng chân, bến phà ngang sông, các quầy hàng ven quốc lộ.
Ngày nay với sự thuận tiện của đường giao thông, nem Lai Vung được chuyển đi xa hơn ra khỏi miền Tây, có mặt khắp các tỉnh thành cả nước. Đặc biệt, nem thành phẩm có thể để ngăn mát tủ lạnh dùng dần trong một tháng.
Chị Đặng Thị Ngọc Thùy có trên 20 năm làm nghề nem Lai Vung - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Làm nem Lai Vung chọn da heo như thế nào?
Chị Đặng Thị Ngọc Thùy, chủ cơ sở nem Hoàng Khánh (xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), là một trong những nghệ nhân của làng nghề làm nem Lai Vung - di sản phi vật thể quốc gia.
Với hơn 20 năm gắn bó, ăn ngủ với nghề làm nem từ người thợ đi làm thuê đến khi làm chủ một xưởng sản xuất nem danh tiếng, chị Thùy tự hào vì là một trong những người góp phần đưa danh tiếng của nghề đặc trưng địa phương vang xa.
Máy định lượng cắt nem thành những phần bằng nhau - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Hỏi về bí quyết làm nem Lai Vung, chị Thùy cho biết khâu chọn nguyên liệu là quan trọng nhất trong việc làm nem chua. Nên chọn thịt nạc đùi hoặc thịt nạc mông vì chúng vừa mềm vừa ít gân mỡ. Ðặc biệt, thịt heo phải tươi, nóng ngay khi mới ra lò.
Ðối với da heo, phải chọn da trên thân mới đảm bảo độ giòn. Không chọn da heo nái vì sẽ bị cứng.
Bao gói nem bước một bằng màng bọc ni lông - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Nguyên liệu làm nem chua gồm: Thành phần chính là thịt nạc xay nhuyễn và da heo; gia vị (đường, muối, hạt tiêu, nước mắm); tỏi, ớt, lá vông hoặc lá chùm ruột; một số phụ gia khác.
Cách chế biến khá đơn giản: đem phần thịt lọc bỏ gân mỡ và xay nhuyễn, sau đó ướp gia vị; luộc chín da heo, làm sạch, tách mỡ, xay thành sợi.
Gói nem bước hai bằng lá chuối, rồi buộc thành chùm 10 chiếc - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Tiếp đến trộn đều thịt đã xay nhuyễn với da heo đã xắt sợi. Trong quá trình này còn bổ sung thêm tỏi phi, ớt khô, hạt tiêu để tạo độ cay thơm cho món ăn.
Ðịnh lượng và bao gói nem: dùng máy định lượng để cắt nem thành những phần bằng nhau để sau đó gói những chiếc nem đều và đẹp.
Khi gói nem kèm thêm lát tỏi, lá chùm ruột hoặc lá vông, một trái ớt hiểm xanh, có tác dụng làm tăng hương vị nem.
Nem chua, nem bì, chả lụa, pate thường dùng ăn kèm với bún, bánh ướt, bánh cuốn, bánh mì hoặc làm món khai vị trong các bữa tiệc - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Ðể bảo quản được dài ngày, nem sẽ được bọc thêm lớp giấy bóng bên trong, lớp lá chuối bên ngoài. Nem chua gói lá chuối xong buộc thành chùm 10 chiếc hoặc đóng hộp 10 chiếc gọn hơn và dễ bảo quản.
Nem thành phẩm sau khoảng 3-4 ngày thì nem chín, có thể ăn được. Tỏi, ớt, lá chùm ruột được gói kèm giúp gia tăng hương vị, khi ăn vị cay nồng của tỏi ớt, vị chua của lá chùm ruột là một phần không thể thiếu của nem chua.
Đóng hộp nem chua và nem bì - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Ngoài nem chua đặc sản, ngày nay các cơ sở đã chế biến thêm hàng chục loại như: nem quế, bì dai, bì sỏi, chả lụa, pate, nem nướng... với nhiều kích cỡ đáp ứng đa dạng thị hiếu của người dùng.
Nem chua ngoài ăn trực tiếp còn có thể kết hợp với chả trong các món ăn: bánh ướt, bánh cuốn, bún nem nướng, gỏi nem, bánh mì nem.
Hiện nay, toàn huyện Lai Vung có trên 20 cơ sở sản xuất nem, nổi tiếng như Giáo Thơ, Út Thẳng, Cô Hiệp, Hoàng Khánh... Mỗi ngày sản xuất hàng chục ngàn chiếc nem cung cấp ra thị trường, dịp lễ Tết tăng sản lượng gấp 3-4 lần.