Tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk gần đây tăng cường sử dụng nền tảng mạng xã hội X để công kích và phát tán thông tin gây tranh cãi về Thủ tướng Anh Keir Starmer cùng các thành viên khác trong chính phủ Công đảng.
Trong loạt bài đăng trên tài khoản X với 211 triệu người theo dõi, Musk cáo buộc Thủ tướng Starmer cùng một số nghị sĩ Công đảng đã tạo điều kiện cho các "băng nhóm gạ gẫm" hoành hành ở Anh nhiều năm trước.
Cụm từ "băng nhóm gạ gẫm", hay vụ bê bối bóc lột tình dục trẻ em Rotherham, được dùng để chỉ loạt vụ lạm dụng tình dục trẻ em tại các khu vực Rotherham, Nam Yorkshire, Bắc England xảy ra từ cuối thập niên 1980 đến năm 2013. Hàng nghìn trẻ em 11-16 tuổi là nạn nhân trong bê bối này, hầu hết kẻ phạm tội là người Anh gốc Pakistan.
Theo báo cáo chính thức năm 2014, chỉ riêng tại Rotherham, hơn 1.400 trẻ em đã bị lạm dụng tình dục trong hơn 16 năm từ 1997 đến 2013. Nhiều nạn nhân bị bắt cóc, cưỡng hiếp, buôn bán và phải chịu đựng tình trạng bạo lực không thể tưởng tượng nổi, thường là với rất ít hoặc không có bất kỳ can thiệp nào từ chính quyền do lo sợ bị gắn mác phân biệt chủng tộc.
Musk ngày 8/1 đăng lại thông tin cho rằng Thủ tướng Starmer đã ra lệnh cho các nghị sĩ Công đảng ngăn một cuộc điều tra về các "băng đảng gạ gẫm". "Vì sao Thủ tướng Anh lại yêu cầu đảng của mình chặn cuộc điều tra đó? Vì ông ấy đang che giấu những thứ tồi tệ", Musk viết.
Tỷ phú Elon Musk tham dự một hội nghị công nghệ ở Pháp hồi năm 2023. Ảnh: Reuters
Musk kêu gọi Starmer từ chức vì những gì ông cho là thất bại của Thủ tướng Anh trong việc giải quyết vụ bê bối khi ông còn là giám đốc cơ quan công tố (DPP) từ năm 2008 đến 2013, cáo buộc ông "đồng lõa trong vụ hãm hiếp nước Anh".
Mặc dù không nêu đích danh Musk, Thủ tướng Anh hôm 6/1 lên án mạnh mẽ hành động "lan truyền thông tin sai lệch".
"Những kẻ này muốn phát tán thông tin sai lệch và những lời dối trá càng xa càng tốt mà không thèm quan tâm đến nạn nhân. Họ chỉ quan tâm đến chính họ", Starmer phát biểu với các phóng viên tại một cuộc họp báo, đồng thời bảo vệ cách ông điều tra cũng như truy tố vụ án "băng nhóm gạ gẫm".
"Tôi đã thực hiện vụ truy tố lớn đầu tiên đối với một băng nhóm gạ gẫm gốc Á trong vụ án này", Thủ tướng Anh nói. "Chúng tôi đã thay đổi, hoặc tôi đã thay đổi, toàn bộ cách truy tố, vì tôi muốn thách thức, và đã thách thức, những điều hoang đường và định kiến ngăn nạn nhân lên tiếng".
Dù động cơ là gì, Musk đã khơi lại một vụ bê bối bóc lột tình dục trẻ em đau đớn, vốn gây rắc rối cho nước Anh và thổi bùng cuộc tranh luận gay gắt lâu nay về các vấn đề chủng tộc, nhập cư cũng như lạm dụng.
Từ đầu thập niên 1990, quản lý một số trại tế bần ở Anh đã vào cuộc điều tra sau khi nhận được nhiều thông tin cho biết một số trẻ em gái trong cơ sở của họ thường xuyên được các tài xế taxi đưa rước, dường như là nạn nhân của các băng nhóm chuyên gạ gẫm trẻ em gái. Năm 2001, nhiều đơn tố cáo đã được gửi tới sở cảnh sát và hội đồng thành phố Rotherham.
Vào mùa hè năm 2003, Ann Cryer, nghị sĩ của Yorkshire, được 7 bà mẹ từ Keighley, thị trấn bên ngoài Bradford, tìm gặp. Họ cho hay đã cầu cứu chính quyền khi con gái họ bị những "bạn trai" gốc Pakistan gạ gẫm, nhưng bị phớt lờ.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Cryer đã bắt đầu một cuộc đấu tranh chống lại các nhân viên dịch vụ xã hội và cảnh sát địa phương, những người mà theo bà không coi hành vi lạm dụng các trẻ em gái giống như tội ác và "sợ bị gọi là phân biệt chủng tộc".
Nhưng đổi lại, nữ nghị sĩ, người cũng vận động chống lại nạn tảo hôn, đã bị quy kết là "kẻ phân biệt chủng tộc" và bị công kích.
Dù vậy, các "băng nhóm gạ gẫm" bắt đầu được dư luận chú ý.
Năm 2004, một bộ phim tài liệu của Channel 4 đã theo chân những nhân viên xã hội làm việc tại Bradford và ghi lại cảnh các bậc phụ huynh cố gắng ngăn chặn những nhóm thanh niên gốc Á gạ gẫm các bé gái mới 11 tuổi để quan hệ tình dục.
Bộ phim tài liệu đã bị hoãn chiếu ba tháng sau khi cảnh sát cho biết nó sẽ làm gia tăng căng thẳng chủng tộc trong các cuộc bầu cử địa phương.
Vào tháng 8/2007, tờ Times đưa tin "một thế giới ẩn giấu mà đàn ông châu Á 'gạ gẫm' các cô gái da trắng trẻ tuổi để quan hệ tình dục đã bị phơi bày" với việc hai bị cáo bị kết án tù vì tội xâm hại trẻ em.
Trong bối cảnh này, Starmer, cựu luật sư nhân quyền, được chọn làm giám đốc DPP.
Ngay sau khi ông đảm nhận vai trò mới, một vụ án gạ gẫm trẻ em nghiêm trọng ở Rochdale đã bị Cơ quan Công tố Hoàng gia Anh (CPS) hủy bỏ trước khi xét xử vào tháng 7/2009. Họ kết luận rằng lời khai của nạn nhân không đáng tin cậy, mặc dù ADN của một trong những kẻ tấn công được tìm thấy trên đồ lót của cô bé.
Tình trạng lạm dụng vẫn tiếp diễn và phải 4 năm sau, vào năm 2012, những kẻ phạm tội đầu tiên mới bị kết án.
Có những dấu hiệu khác cho thấy CPS, quan chức hội đồng địa phương và lực lượng cảnh sát đã bỏ rơi nạn nhân. Một đánh giá các vụ án nghiêm trọng, được công bố vào năm 2010, đã phát hiện ra "những cơ hội bị bỏ lỡ" để giúp đỡ hai nạn nhân bị gạ gẫm và lạm dụng trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2009.
Các bé gái, đến từ thành phố Derby, thay vì được chăm sóc thì lại bị đối xử như những thiếu niên nổi loạn, báo cáo cho biết. 13 người đàn ông sau đó bị kết án vì những gì các nhà điều tra mô tả là "một chiến dịch hiếp dâm trẻ em".
Các phiên tòa khác cũng làm bật lên vấn đề này. 9 người đàn ông đã bị kết án vào tháng 8/2010 vì ép một bé gái 14 tuổi hành nghề mại dâm và sử dụng cô bé "như một món hàng" ở vùng Đại Manchester.
Nhưng bê bối nằm ở hàng loạt vụ án không được đưa ra xét xử. Nhóm Starmer tuyên bố những vụ án này chưa bao giờ đến được văn phòng của DPP.
Vào năm 2010, Andrew Norfolk, phóng viên phụ trách khu vực phía bắc của tờ Times, bắt đầu điều tra các băng nhóm gạ gẫm trẻ em ở vùng Manchester.
Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu tại hạt Surrey, đông bắc đất nước, hôm 6/1. Ảnh: AP
Trong kho lưu trữ tin tức, ông phát hiện 53 trong 56 bị cáo liên quan đến một số vụ truy tố về hành vi gạ gẫm trên đường phố từ năm 1997 là người gốc Á, chủ yếu là người gốc Pakistan.
Tiết lộ đáng lên án nhất chính là hành vi im lặng của các hội đồng, tổ chức từ thiện và lực lượng cảnh sát, những người công khai phủ nhận mối liên quan của yếu tố sắc tộc đến những vụ phạm tội này.
Năm 2011, Norfolk công bố thông tin chi tiết từ 200 tài liệu cho thấy cảnh sát và các cơ quan bảo vệ trẻ em ở Rotherham đã nắm rõ về hoạt động gạ gẫm trẻ em gái của một băng nhóm, nhưng 5 người đàn ông này đã không bị truy tố cho đến năm 2010.
Những thông tin của Norfolk đã đến được với công tố viên Nazir Afzal, lúc bấy giờ là quan chức cấp cao CPS. Afzal cho biết ông đã ngay lập tức nói với Starmer rằng đây là vấn đề cần được tập trung nhiều hơn.
Ngay sau đó, vào tháng 5/2011, Afzal chuyển sang đảm nhận nhiệm vụ công tố viên trưởng khu vực phía tây bắc. "Họ đưa vụ án Rochdale đến cho tôi, tôi đã xem xét lại và quyết định nên truy tố. Tôi đã nói với Keir và ông ấy nói ổn thôi", Afzal nhớ lại.
Afzal cho hay vụ án không đáp ứng tiêu chuẩn để mở lại hồ sơ, nhưng Starmer đã đồng ý thay đổi chính sách nội bộ để có thể tiếp tục quá trình tố tụng.
Vào tháng 5/2012, 12 người đàn ông đã bị kết án, dẫn đến hàng loạt cuộc điều tra và truy tố của cảnh sát tại Rochdale, Telford, Newcastle, Nottingham cùng hàng chục thị trấn, thành phố khác trên khắp nước Anh.
"Chúng tôi đã đưa ra những hướng dẫn quốc gia đầu tiên về việc truy tố tội lạm dụng tình dục trẻ em", Afzal nói. "Tôi đã chỉ đạo họ, nhưng Starmer đã đồng hành cùng tôi trong suốt hành trình đó".
"Mỗi lực lượng cảnh sát đều có hướng dẫn riêng, vì vậy chúng tôi đã thuyết phục họ áp dụng một chính sách chung toàn quốc khi giải quyết những vụ án kiểu này. Keir đã trao đổi với bộ trưởng nội vụ và vào năm 2013, xử lý tội lạm dụng tình dục trẻ em đã trở thành ưu tiên của cảnh sát quốc gia", ông cho hay.
"Ông ấy đồng ý để tôi lãnh đạo một nhóm công tố viên chuyên trách quốc gia, điều chưa từng tồn tại trước đây, và giao nhiệm vụ thành lập hội đồng xem xét các vụ án lạm dụng tình dục trẻ em đầu tiên, do ông đồng chủ trì", Afzal nói thêm. "Chúng tôi đã phân tích các trường hợp mà người tố cáo không hài lòng với quyết định ban đầu. Hàng chục vụ đã được lật lại và thủ phạm bị truy tố".
Tháng 10/2012, Starmer cho biết những kẻ gạ gẫm trẻ vị thành niên quan hệ tình dục đã thoát khỏi công lý trong nhiều thập kỷ vì cảnh sát, công tố viên và tòa án không hiểu được bản chất của hành vi lạm dụng này.
Sau những phát ngôn từ Elon Musk, vụ bê bối "băng đảng gạ gẫm" đang gây xáo trộn trở lại trên chính trường Anh. Áp lực đè nặng lên Thủ tướng sau khi truyền thông đưa tin Bộ trưởng An toàn Jess Phillips từ chối yêu cầu từ Hội đồng thị trấn Oldham về việc chính phủ cần điều tra công khai tình trạng băng nhóm bóc lột và gạ gẫm trẻ em ở địa phương này. Thay vào đó, bà Phillips khuyến nghị hội đồng thị trấn tự mở cuộc điều tra riêng.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Musk cho rằng Phillips "xứng đáng phải ngồi tù" vì quyết định trên.
Trong lúc ông chủ Tesla đăng tải những cáo buộc của mình trên X, một số chính trị gia cấp cao, trong đó có cả lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh Kemi Badenoch, cũng lên tiếng kêu gọi mở cuộc điều tra toàn diện về các vụ lạm dụng tình dục.
"Đã đến lúc phải tiến hành một cuộc điều tra toàn quốc về vụ bê bối băng đảng hiếp dâm. Các phiên tòa đã diễn ra trên khắp đất nước trong những năm gần đây nhưng không có ai có thẩm quyền vào cuộc", Badenoch nói. "2025 phải là năm mà các nạn nhân đòi được công lý".
Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper đã bảo vệ quyết định không mở cuộc điều tra toàn quốc về lạm dụng tình dục trẻ em. Điều trần tại Hạ viện, bà cho hay những người làm công việc chăm sóc trẻ em sẽ bị xử lý hình sự nếu không báo cáo tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em.
Bà nhấn mạnh biện pháp này là một phần trong "nỗ lực rộng hơn của chính phủ xung quanh vấn đề lạm dụng và bóc lột tình dục trẻ em", đồng thời chỉ trích việc đảng Bảo thủ gây áp lực lên chính quyền vì vấn đề này.
Bộ trưởng An toàn Anh Jess Phillips phụ trách về bảo vệ trẻ em. Ảnh: Telegraph
Khi được hỏi về những bình luận của tỷ phú Musk cho rằng chính phủ Anh phớt lờ những bê bối lạm dụng trẻ em, Bộ trưởng Y tế Wes Streeting trả lời ITV News rằng họ luôn coi vấn đề bóc lột trẻ em là "cực kỳ nghiêm trọng".
"Tôi nghĩ một số lời chỉ trích mà Elon Musk đưa ra là sai lầm và chắc chắn thiếu thông tin, nhưng chúng tôi sẵn sàng hợp tác với ông ấy, người mà tôi nghĩ có vai trò lớn trong nền tảng truyền thông xã hội của mình để giúp chúng tôi và các quốc gia khác giải quyết vấn đề nghiêm trọng này. Vì vậy, nếu ông ấy muốn hợp tác với chúng tôi và xắn tay áo lên, chúng tôi rất hoan nghênh điều đó", Streeting nói.
Andrew Gwynne, quan chức làm việc trong nhóm y tế của Bộ trưởng Streeting, trước đó thể hiện lập trường cứng rắn hơn khi cho rằng Musk nên hành động trên chính trường Mỹ, thay vì can thiệp công việc nội bộ quốc gia khác.
"Elon Musk là công dân Mỹ và có lẽ nên tập trung vào các vấn đề ở bên kia Đại Tây Dương", ông nhấn mạnh. "Sẽ đến lúc chúng ta không cần thêm bất kỳ cuộc điều tra nào nữa, và nếu Elon Musk thực sự chú ý đến những gì đang diễn ra ở đất nước này, ông ấy có thể nhận ra rằng đã có những cuộc điều tra được tiến hành rồi".
Vũ Hoàng (Theo Independent, BBC, Sky News, Deccan Herald, CBS News)