Về người con trai trưởng của vua Thiệu Trị, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn cung cấp nhiều thông tin chính thống: “Ông Hồng Bảo sinh ngày 12.3 năm Ất Dậu (29.4.1825). Trong thế phả họ Nguyễn Phúc (Phước) cho hay: 'Hồng Bảo là người khỏe mạnh, có học nhưng tính tình phóng túng, ít chịu gò bó vào khuôn phép nên thường bị vua cha quở trách. Năm Canh Tí (1840) ông được phong là An Phong Đình hầu, rồi năm Qúi Mão (1843) được phong An Phong công”.
Lầu Đức Hinh tại lăng vua Thiệu Trị Ảnh: Wikipedia |
Cuộc đời của ông Hồng Bảo có nhiều câu chuyện hấp dẫn để kể, giai thoại đậm tính cách ngang tàng của ông được ghi lại trong cuốn Huế triều Nguyễn - Một cái nhìn của nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn (Omega và NXB Thế giới ấn hành). Sách đã dẫn viết: “Nhân một dịp lễ trọng, vua Thiệu Trị cùng dự yến tiệc với các hoàng tử và đình thần cao cấp. Trong khi đang giữa cuộc vui thì nhà vua Thiệu Trị nhận được tin báo có sứ bộ Trung Hoa vừa đến kinh đô Huế. Nhân chuyện ấy, vua Thiệu Trị liền ra vế đối: “Bắc sứ lai triều” (Sứ phương Bắc đến triều đình) và bảo những hoàng tử đang dự tiệc hôm ấy nếu ai đối hay thì vua sẽ nhường cho ngai vàng. Hồng Bảo tức thì ứng đối: “Tây Sơn phục quốc” (Nhà Tây Sơn giành lại nước). Đây là về đối rất chỉnh nhưng cực kỳ “mất lập trường”, bởi ai cũng biết nhà Nguyễn coi nhà Tây Sơn là kẻ thù không đội trời chung...”
Tuy không vừa lòng con trai trưởng, nhưng vua Thiệu Trị rất thương cháu nội đích tôn. Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn kể tiếp: “Khi Hồng Bảo có con trai đầu lòng là Ưng Đạo, vua Thiệu Trị rất vui mừng. Ông tự thân bồng cháu qua trình với Thuận Thiên Thái hoàng thái hậu, vợ vua Gia Long và là bà nội của vua Thiệu Trị”.
Di chiếu vua Thiệu Trị đã lựa chọn Phước Tuy công Hồng Nhậm (vua Tự Đức, ảnh) nối ngôi Ảnh: T.L |
Từ việc làm đầy cảm xúc của vua cha, Hồng Bảo nuôi hy vọng rằng chắc chắn mình sẽ được kế thừa ngôi báu sau này nhưng thật bất ngờ, trước khi băng hà, vua Thiệu Trị lại đột ngột phế truất Hồng Bảo và chọn Hồng Nhậm (vua Tự Đức) làm người kế vị. Tại sao vậy?
Quốc sử triều Nguyễn là Quốc triều chánh biên toát yếu (bản dịch đời Khải Định, xuất bản ở Sài Gòn năm 1962) có tường thuật rõ chuyện này, như sau: “Ngài đòi Cố mạng lương thần Trương Đăng Quế và các đại thần Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Thiếp vào chầu. Ngài truyền đuổi mấy người tả hữu rồi ban rằng: Ta nối nghiệp lớn đã 7 năm nay, ngày đêm lo lắng, không dám thong thả vui chơi. Hôm nay mệt lắm. Trong mấy người con ta, Hồng Bảo tuy lớn nhưng vì thứ xuất (con của vợ thứ), mà lại đần độn ít học, chỉ ham vui chơi, nối nghiệp không đặng. Con thứ hai là Phước Tuy công thông minh ham học giống ta, đáng nối ngôi làm vua. Hôm trước ta đã phê vào tờ di chiếu để tại trong long đồng. Các người phải kính noi nó, đừng trái mạng ta”.
Toàn cảnh lăng mộ Thiệu Trị Ảnh: Wikipedia |
Mặc dù ý nguyện của vua Thiệu Trị nói rõ ràng như thế nhưng khi đình thần tuyên đọc di chiếu của vua quyết định chọn Phước Tuy công Hồng Nhậm (vua Tự Đức) lên nối ngôi, đã khiến con trai trưởng Hồng Bảo khi ấy uất ức, thổ huyết ngay tại sân chầu, mọi người phải vội vàng đưa vào hậu điện chạy chữa mới không ảnh hưởng đến tính mạng.
Rồi nhờ thoát chết gang tấc trong vụ “tức hộc máu” này mà sau khi vua cha Thiệu Trị mất, con trai trưởng Hồng Bảo lại có cơ hội sống, tiếp tục gây nên nhiều chuyện tày đình nhằm chiếm lại ngai vàng của vua Tự Đức, để rồi Hồng Bảo phải chết thảm khi tuổi đời còn rất trẻ. (Còn tiếp)