Thưởng thức tranh sơn mài khổ lớn tại triển lãm "Cõi an thường" của họa sĩ Hoài Hương - Ảnh: H.VY
Diễn ra từ nay đến 28-11 tại Bảo tàng mỹ thuật TP.HCM, triển lãm Cõi an thường trưng bày 57 tác phẩm, trong đó có 52 bức tranh sơn mài nhiều kích cỡ, có những bức khổ cực lớn, được họa sĩ Nguyễn Hoài Hương cần mẫn sáng tác suốt hơn 4 năm qua.
Từ 'Giấc mơ' đến 'Cõi an thường'
Bốn năm trước, cũng tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, triển lãm Giấc mơ của họa sĩ Hoài Hương từng gây ấn tượng mạnh khi mang đến một không gian sơn mài hoành tráng, sang trọng và chỉn chu với những sắc màu đẹp lộng lẫy như những giấc mơ.
Họa sĩ Hoài Hương bên tác phẩm "Đường về nhiều hoa đào" tại triển lãm Cõi an thường - Ảnh: H.VY
Bốn năm sau, với Cõi an thường, vẫn là những bức sơn mài đậm chất riêng của họa sĩ Hoài Hương với những mảng màu nhẹ nhàng, tinh tế, nhưng ẩn chứa chiều sâu cảm xúc mãnh liệt.
Họa sĩ cười ví von lần trước mình "mơ xa", nay thì giấc mơ đã về rất gần, cập nhật vào đời sống hàng ngày, thanh bình và thường nhật.
Nhưng bình thường không đồng nghĩa tầm thường, mà trong bình dị vẫn đầy kiêu hãnh, có sự cảm ơn với quá khứ, hạnh phúc với hiện tại, nhiều nhiệt huyết và năng lượng hướng tới tương lai.
Điều khiến họa sĩ Hoài Hương mãn nguyện nhất là ông đã đến giai đoạn có thể buông bỏ mọi lo toan của đời sống để toàn tâm toàn ý vào sáng tác, an lòng ngồi xuống và vẽ, dành nhiều thì giờ cho nhu cầu theo đuổi cái đẹp của chính mình.
Bức sơn mài khổ lớn "Qua cầu" của họa sĩ Hoài Hương
Nói như nhà báo Nguyễn Trọng Chức, dễ nhận thấy ở Cõi an thường vẫn là sự tiếp nối mạch lạc những đề tài họa sĩ Hoài Hương đã theo đuổi nhiều năm qua. Những cổng làng, cổng xóm, những mái nhà nông thôn miền Bắc, nơi tác giả được sinh ra và lớn lên.
Cây cầu đá bắc ngang dòng kênh với các liền chị áo tứ thân dạo bước. Các ca nương mớ ba mớ bảy trên chiếu chèo ngày hội làng.
Và rất nhiều hoa sen với lá sen"Vẫn biết lòng mình là hương cốm/ Chả biết tay ai làm lá sen" - thơ Nguyên Sa.
Cõi an thường không thiếu những thể nghiệm sơn mài trừu tượng, song đậm nét vẫn là những bức tranh đầy nỗi nhung nhớ làng quê.
Như chính họa sĩ thổ lộ: "Tên tôi là Hoài Hương, chữ Hoài Hương là tên cúng cơm chứ không phải bút danh, vì cha mẹ tôi rất nhớ quê...".
Vẽ với ông mãi mãi là một sự trở về, một hành động mang ý nghĩa "quy cố hương" đích thực. Cái cố hương sáng tạo muôn thuở của người nghệ sĩ, và cái cố hương mà ông luôn hoài vọng được sống với nó, điều ông đã thể hiện xuyên suốt trong lĩnh vực thiết kế nhưng chưa đủ.
Ông cứ lặng lẽ đi tìm những gì mình yêu thương, gắn bó, mơ màng, với một chút "điệu đàng" như chính con người ông. Đến giờ, thành đạt hơn xưa rất nhiều, tuổi đã gần "tri thiên mệnh", song Hoài Hương vẫn cứ nhẹ nhàng, từ tốn và vẫn mải miết tìm về... với cõi an thường.
Một góc tranh sơn mài trừu tượng với bảng màu độc đáo của họa sĩ Hoài Hương - Ảnh: H.VY
Tôn trọng di sản và không ngừng sáng tạo
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật chuyên ngành sơn dầu, nhưng họa sĩ Hoài Hương lại mê đắm với sơn mài, chất liệu truyền thống giúp anh tạo nên những không gian "thuần Việt" đầy mỹ cảm.
Với họa sĩ Hoài Hương, sơn mài giống như âm nhạc, nhưng không phải là tiếng hát của một nhạc cụ mà là hòa âm của dàn hợp xướng. Ông trân trọng tính di sản của sơn mài, luôn tôn vinh truyền thống vì đó là tinh hoa, nói như cụ Nguyễn Gia Trí "sơn mài là mài ra kim cương".
Nhưng là người sáng tạo, làm về thị giác, ông tâm niệm cần luôn thay đổi, luôn đi tới, phải làm gì đó khác đi.
Khi đủ sinh lực, tài năng, đủ cống hiến, người ta có thể tạo ra vô vàn sự "khác đi" như thế trên cơ sở truyền thống cha ông để lại, khác biệt nhưng không lập dị, mà mang dấu ấn của riêng mỗi người.
Một góc triển lãm Cõi an thường
Như nhạc sĩ Dương Thụ từng viết: "Tranh sơn mài của Hoài Hương lộng lẫy, rực rỡ nhưng không phải cái lộng lẫy vàng son cổ điển, mà nó tươi mới với bảng màu không thường thấy trong các sơn mài truyền thống.
Một họa sĩ được đào tạo bài bản nhưng không quá quan tâm đến hội họa cổ điển và các trường phái hội họa hiện đại, trung thành với những gì mình thích, đứng ngoài khen chê, im lặng làm việc.
Hoài Hương đã có một gia sản đáng nể về hội họa và thiết kế mang chữ ký của riêng mình, chữ ký của một họa sĩ Việt Nam hiện đại biết tiếp nhận vẻ đẹp của mỹ thuật truyền thống, để tạo ra vẻ đẹp riêng mà không quá lạ lẫm với công chúng".
Một góc triển lãm Cõi an thường
Còn theo họa sĩ Trần Thanh Bình, giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Hoài Hương là một nghệ sĩ đầy nhiệt huyết, kết hợp tinh tế giữa kỹ thuật hội họa điêu luyện và cái nhìn sâu sắc về cuộc sống.
Họa sĩ đã xây dựng cho mình một phong cách riêng vừa trữ tình, vừa triết lý và đậm nét Á Đông. Anh luôn khát khao đưa người xem vượt ra khỏi những giới hạn thông thường để chạm đến những giá trị sâu thẳm bên trong tâm hồn.
Mỗi tác phẩm là một cảnh cửa mở ra không gian tĩnh lặng, nơi chúng ta có thể tạm gác lại những lo toan thường nhật để cảm nhận sự an nhiên, cân bằng.
Cõi an thường chính là trạng thái lý tưởng mà Hoài Hương muốn mời gọi mọi người cùng chiêm nghiệm, nơi cái đẹp không nằm ở sự cầu kỳ, phô trương mà trong những điều giản dị, tự nhiên nhất.