Cô Huyền và những học sinh trên đảo Thổ Châu - Ảnh: AN VI
Chúng tôi đến Thổ Châu (Kiên Giang) trong những ngày biển lặng, hòn đảo hiện ra như một viên ngọc long lanh giữa biển trời Tây Nam của Tổ quốc.
Thổ Châu biển đẹp, sóng xanh, hệt như câu chuyện của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Ngọc Huyền và trung úy Cao Xuân Tuấn.
Vừa cập bến tàu, tụi con nít ở xóm chài ùa ra mừng người lạ. Những đứa trẻ chỉ vừa lên 4, lên 5 lễ phép: "Dạ con chào cô chú"; "Dạ cô chú đi chơi ở đâu dạ cô chú?"…
Mở lời là dạ, ngớt lời các em lại gật đầu chào rồi ùa vào sân trường với cô giáo của mình.
Quê Quảng Bình, cô Huyền cùng chồng đến hòn đảo xinh đẹp này khi vừa cưới nhau vào năm 2022. Thổ Châu cũng được xem là nơi mà đôi vợ chồng trẻ bắt đầu tuần trăng mật... đặc biệt của mình.
"Anh Tuấn làm nhiệm vụ ở trạm ra đa trên đảo. Cưới xong là tụi em chuyển ra đây công tác luôn. Vậy cũng vui, ngày nào hai vợ chồng cũng được gặp nhau", cô Huyền chia sẻ.
Ngoài câu chuyện tình yêu đôi lứa, tình yêu biển đảo cũng là động lực lớn thôi thúc cô giáo trẻ quyết tâm ra Thổ Châu dạy học.
Ngoài tình yêu đôi lứa, tình yêu biển đảo và yêu nghề là động lực khiến cô giáo trẻ gắn bỏ với xã đảo Thổ Châu - Ảnh: AN VI
"Ba mẹ tôi sợ con đi xa, đặc biệt là ở nơi biển khơi sóng gió này. Nhưng tôi đã rất quyết tâm.
Thứ nhất tôi đi để san sẻ cùng chồng. Thứ hai tôi hiểu là người giáo viên, dạy ở đâu cũng như nhau cả. Đặc biệt là trẻ em ở những vùng tiền tiêu Tổ quốc lại cần những giáo viên như mình hơn.
Vì thế tôi xem đây là một cơ hội để được cống hiến", cô Huyền tâm sự.
Từ Trường tiểu học Thổ Châu nơi cô Huyền dạy, phóng tầm mắt ra là màu xanh óng ánh của biển trời Tây Nam. Nơi chân đảo là các nhà bè nuôi cá, cũng là nơi các em học sinh ở đây đang sinh sống.
Trường tiểu học nhưng vẫn có thêm ba lớp: mầm, chồi, lá để trẻ em trên đảo được tiếp xúc với con chữ từ sớm, cũng là một cách để ba mẹ các em an tâm làm việc khi gửi con đến trường mỗi ngày.
Cô Huyền phụ trách lớp mầm, lứa tuổi trẻ con rất hiếu động. Song theo cô, trẻ em trên đảo rất ngoan và được thầy cô chú trọng rèn luyện sự lễ phép.
Dáng người nhỏ nhắn, chẳng cần phải nghiêm nghị, cô giáo trẻ chỉ cần cười và nói là cả lớp nghe theo răm rắp.
"Tôi và chồng cũng được một cháu năm nay lên 2 tuổi. Nuôi con ở nơi đảo xa nên tôi hiểu được những khó khăn của trẻ em nơi đây. Thực tế đó càng khiến mình yêu mến các con hơn", cô Huyền nói.
Ngôi trường này cũng còn thiếu thốn so với nhiều ngôi trường trên đất liền.
"Buổi sáng ở đây chúng tôi dùng máy nổ để cấp điện cho lớp học. Còn buổi chiều không có điện phải đưa tụi nhỏ ra ngoài để học các môn ngoại khóa.
Nhiều khi nắng nóng thấy thương tụi nhỏ lắm", cô Huyền bày tỏ.
Buổi chiều không có điện, cô trò sẽ ra ngoài sân để học - Ảnh: AN VI
Nhìn cô chăm bẵm cả đám trẻ ngoài hành lang lớp học khi cúp điện, rồi khẽ lau những giọt mồ hôi mặn chát bởi gió biển trên gương mặt học sinh vùng tiền tiêu mới thấy được tình yêu của cô giáo trẻ dành cho các con.
Cô Huyền thừa nhận lúc đầu mới về đây rất bỡ ngỡ, nhất là còn xa lạ với mọi người trên đảo. Nhưng theo cô, tình yêu biển đảo quê hương đã kết nối những giáo viên nơi đảo xa như cô trở nên bền chặt hơn.
Hỏi về gia đình, cô giáo trẻ đỏ hoe mắt: "Nhớ chứ sao mà không nhớ được, nhưng ở đây riết cũng quen. Với lại trên đảo cũng có mạng, tôi có thể gọi về hỏi thăm gia đình bất kỳ lúc nào".
Chỉ vào tấm ảnh gia đình trong điện thoại, cô Huyền nói mỗi năm mình chỉ về thăm nhà một lần vào dịp hè vì từ Thổ Châu về quê rất xa.
"Tết tôi không về vì thời gian nghỉ khá ngắn, hai vợ chồng quyết định ở lại đón Tết cùng bà con xã đảo luôn", cô Huyền chia sẻ.
Và cô giáo trẻ lại càng thêm gắn bó với những học trò còn nhiều khó khăn ở Thổ Châu.