Thầy Lê Hồng Thái, hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Văn Trị, trong một buổi tập huấn giáo viên - Ảnh: fanpage nhà trường
Cận kề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nhiều cha mẹ, kể cả các em học sinh đang khá ưu tư, bận rộn với việc chuẩn bị những bó hoa, món quà như thế nào cho tinh tế, ý nghĩa nhằm nói lên lời tri ân thầy cô giáo.
Đổi hoa 20-11 thành vật phẩm thiết thực
Trái ngược với mối bận tâm đó, hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Văn Trị (quận 1, TP.HCM) đã có lá thư ngỏ với nội dung thay vì tặng hoa nhân ngày 20-11 thì xin quý phụ huynh, nhà hảo tâm, doanh nghiệp đổi bằng tập vở, sữa và trang thiết bị thể dục thể thao để nhà trường khen thưởng cho học sinh.
Đầu thư thầy Lê Hồng Thái viết: "Hằng năm cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nhà trường nhận được rất nhiều lẵng hoa chúc mừng. Tuy nhiên số hoa này chỉ dùng có vài ngày thì lại bỏ, rất phí phạm.
Trường rất mong nhận được sự ủng hộ và chia sẻ thiết thực, hỗ trợ trực tiếp cho các em trong việc rèn luyện trí-thể-mỹ, động viên các em tự tin tham gia vào các sân chơi bổ ích.
Mọi đóng góp dù lớn hay nhỏ đều là nguồn động lực cho trường và học sinh trong hành trình phát triển tri thức và nhân cách".
Xin đổi những bó hoa chúc mừng thành những vật phẩm thiết thực như sữa, tập vở là minh chứng cho tình yêu, sự quan tâm đối với học sinh.
Bằng cách từ chối những món quà lãng phí, thầy đã đặt quyền lợi các em lên trên hết khi ưu tiên những món quà có thể sử dụng trực tiếp, hỗ trợ cho quá trình học tập và phát triển thể chất của học sinh.
Thầy Thái thể hiện ước muốn có những món quà tri ân bền vững hơn.
Xin đổi hoa thành vật phẩm, học cụ không chỉ nhắc nhở học sinh ý thức tiết kiệm mà còn gửi đến các đồng nghiệp thông điệp giá trị về việc cần sử dụng nguồn lực hợp lý, tránh lãng phí.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, nhu cầu vật chất ngày càng tăng, việc gợi ý cho mọi người, nhất là học sinh biết trân trọng điều giản dị nhưng thiết thực là vô cùng cần thiết.
Những lẵng hoa rực rỡ rồi sẽ nhanh chóng tàn phai sau ngày kỷ niệm.
Trang thiết bị, sách vở mới trở thành động lực giúp học sinh cảm nhận được sự đùm bọc từ cộng đồng và sự sẻ chia bởi người xung quanh.
Nếu được nhiệt liệt hưởng ứng, ngoài các vật phẩm hữu ích, việc làm của thầy Thái chắc chắn sẽ còn nhận về tinh thần mong muốn xây dựng một trường học hạnh phúc - nơi học sinh được nuôi dưỡng, phát triển toàn diện cả về mặt thể chất, trí tuệ lẫn tinh thần bằng tấm lòng của người thầy và cả cộng đồng.
Quyển tập hay hộp sữa sẽ trở thành phần thưởng động viên cho nỗ lực của các em trong học tập, tạo nên "niềm vui đến trường".
Dám bỏ đi "thói quen" hay truyền thống hoa quà trong ngày 20-11, thầy Lê Hồng Thái cũng đã nhắc về ý nghĩa hiến chương của nghề giáo.
Một trong các ý nghĩa thường được nhắc tới là sự đổi mới. Như ai đó từng nói: "Mục đích của giáo dục là thay thế một tâm trí trống rỗng bằng một tâm trí cởi mở".
Tri ân thầy cô không cần phải là những món quà cao sang. Đơn giản là sự đóng góp thiết thực để cùng nhà trường hỗ trợ học sinh trên con đường học tập.
Vệt sáng lấp lánh
Thế nhưng liệu hành động của thầy Lê Hồng Thái rồi sẽ trôi đi như một hành động tự phát?
Chúng ta hẳn chưa quên câu chuyện tươi mới có được vào đầu năm học này. Trong lúc dư luận "nóng ran" với tiền trường, quỹ lớp thì nhận được làn gió mát từ thầy Nguyễn Văn Công - hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Phú (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Ông ra thông báo không thu bất kỳ khoản phí nào ngoài mức phí vệ sinh bắt buộc đối với học sinh của trường.
Làn gió mát đó từ Bình Dương đã ngay lập tức "thổi" đến TP.HCM.
Nhiều người đã rời cuộc họp phụ huynh học sinh Trường tiểu học Võ Trường Toản (quận 10) với gương mặt vui vẻ vì lần đầu tiên trường thông báo không thu các khoản quỹ.
Tương tự, chuyện đổi hoa 20-11 thành học cụ là một cách mời gọi những ai đang gánh vác trọng trách giáo dục, từ các nhà quản lý đến từng thầy cô giáo, ngày càng hướng đến tinh thần vì học sinh.
Để không chỉ dừng lại ở một hành động đơn lẻ, các cơ quan, tổ chức giáo dục cần có những động thái cụ thể nhằm khuyến khích các cá nhân, tập thể trong ngành lan tỏa tinh thần của thầy Thái, thầy Công.
Những hành động như vậy không chỉ làm đẹp thêm hình ảnh nhà giáo mà còn truyền cảm hứng để xã hội cùng chung tay, hỗ trợ xây dựng một nền giáo dục hạnh phúc, tiết kiệm và bền vững.
Hơn nữa, nếu câu chuyện này được nhắc đến nhiều lần, không chỉ trong ngành giáo dục mà còn ở các lĩnh vực khác, thì hành động của thầy Công, thầy Thái sẽ không chỉ là một ngọn lửa lóe sáng trong chốc lát.
Nó sẽ trở thành vệt sáng truyền cảm hứng bền bỉ cho những ai mang trong mình trách nhiệm và lòng yêu thương đối với thế hệ trẻ.