Chuyên mục  


Chất liệu dân gian là kho tư liệu bất tận cho những nhà sáng tạo, nhà thiết kế mong muốn làm đặc sắc thêm sản phẩm của mình. Nhưng vận dụng chất liệu ấy để sáng tạo ra những sản phẩm hiện đại, tạo dấu ấn trong lòng người tiêu dùng đôi khi lại là thử thách lớn.

Vấn đề này vừa được bàn luận trong tọa đàm Sử dụng chất liệu dân gian trong sáng tạo trong khuôn khổ của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024.

Xu hướng trở về với truyền thống

Không gian một nhà hàng do KTS Lại Thành Tín thiết kế có sử dụng những bức tranh từ cuốn sách Technique du peuple Annamite của tác giả người Pháp Henri Oger. Ảnh: Lại Thành Tín

"Thẩm mỹ của người tiêu dùng trong thời điểm hiện tại có xu hướng muốn quay về với những giá trị truyền thống". Quan niệm này đã được ThS-KTS Lại Thành Tín (giảng viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) chỉ ra và cho rằng nó có liên quan tới dịch Covid-19. Theo anh, trận đại dịch đã làm tổn thương tâm lý đám đông trên quy mô toàn cầu. Sau khi chịu tổn thương, trong quá trình hồi phục, người tiêu dùng thường có tâm lý lựa chọn thứ tạo khiến họ cảm thấy được vỗ về, tránh gây áp lực lên tâm lý thị giác. Giống như sau một chuyến đi xa, người ta muốn quay trở về nhà, để tìm kiếm cảm giác an toàn.

Một thương hiệu Việt Nam rất nhạy bén khi nắm bắt được tâm lý chung, theo anh Tín là chuỗi cửa hàng đồ uống Phê La. Mẫu cốc giấy của hãng đã lựa chọn tông màu vàng đất, gần gũi với màu sắc của những kiến trúc bản địa của đồng bằng Bắc Bộ. Gam màu này đem đến cho người trải nghiệm ẩm thực cảm giác trở về với một miền quê thanh bình, tránh xa những ồn ào, tấp nập thường nhật. Trong khi rõ ràng, họ đang thưởng thức ở quán có địa điểm giữa phố.

Anh Trần Đức Minh (Giám đốc sáng tạo Công ty Direction) nhìn nhận, sau đại dịch Covid-19, kinh tế nước ta ngày càng có nhiều khởi sắc. Thương hiệu Việt Nam dần định hình được chỗ đứng không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn cả ngoài nước. Chú trọng đến sản phẩm cốt lõi mang xuất xứ Việt Nam là một phần. Nhiều người để tâm hơn tới hình thức thể hiện ngoài vỏ sản phẩm cũng cần mang dấu ấn Việt Nam giống với sản phẩm bên trong. Đây chính là cơ hội rộng mở cho những nhà thiết kế trẻ muốn khai thác vốn văn hóa và đưa vào sản phẩm của mình.

nhatbinh-17316354994711492851066.jpg

Mẫu nhật bình được cách tân với tà áo và tay áo ngắn hơn hiện vật gốc, do thương hiệu Thủy Trung Nguyệt thực hiện. Ảnh: Thủy Trung Nguyệt

Sáng tạo từ dân gian, thay vì sao chép

Dù người tiêu dùng luôn hào hứng với những sản phẩm chứa đựng những yếu tố văn hóa truyền thống. Nhưng đôi khi việc khai thác những yếu tố dân gian không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi đối với những người làm sáng tạo. KTS Lại Thành Tín nhận thấy, không ít lần "trình làng" sản phẩm dựa trên yếu tố truyền thống, nhà thiết kế nhận về không ít ý kiến trái chiều từ dư luận. Nghi vấn mà dư luận đưa ra về sản phẩm đó là có mang chất liệu thuần Việt hay không. Cùng với đó, sự sáng tạo ấy có phải phá hoại truyền thống hay không.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga (người sáng lập thương hiệu trang phục cổ Thủy Trung Nguyệt) cũng thú nhận, bản thân chị trước đây khi "dấn thân" vào ngành thời trang, từng có suy nghĩ cứng nhắc trong việc phải giữ nguyên mẫu văn hóa trong thiết kế. Song, sau một thời gian vận hành doanh nghiệp, chị đã đưa ra những thiết kế mới cho trang phục cổ truyền. Tiêu biểu là thiết kế mới của nhật bình - trang phục phổ biến cho nữ giới hoàng tộc, quý tộc dưới triều Nguyễn. Những cách tân của Thủy Trung Nguyệt thể hiện qua tay áo, tà áo được điều chỉnh ngắn hơn, để dễ dàng kết hợp với những bộ đồ hiện đại. Đồng thời, màu sắc cũng được điều chỉnh  sang tông màu pastel, để thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của các bạn nữ hiện nay.

diengia-1731635499124616895839.jpg

3 diễn giả gồm anh Trần Đức Minh, chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga và KTS Lại Thành Tín chia sẻ trong tọa đàm. Ảnh: Phúc Nam

Từ kinh nghiệm của mình, anh Trần Đức Minh cho rằng, việc khai thác chất liệu truyền thống chỉ nên tập trung vào một góc cạnh, để kể đúng một câu chuyện. Không nên lan man với nhiều thông điệp, ý tưởng. Nhờ vậy, tạo điều kiện nhà thiết kế tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về yếu tố văn hóa mình muốn sử dụng, để tránh những sai lệch không đáng có trong thiết kế.

Đứng dưới góc độ của người mua hàng, anh Minh cho biết, bản thân mỗi người cũng chỉ ghi nhớ được một thứ trong sản phẩm đấy. Dĩ nhiên, thật khó thu nạp được quá nhiều kiến thức mới. Nhất là kiến thức về văn hóa truyền thống - thứ vốn không gần gũi với họ trong đời sống hiện đại. Khi thiết kế, anh Minh cùng các cộng sự luôn nghiên cứu tâm lý khách hàng, và đặt câu hỏi những thứ đưa ra đã đủ dễ hiểu để tiếp cận công chúng hay chưa.

Tiếp nối quan điểm trên, KTS Lại Thành Tín nhận định, nên đơn giản hóa những câu chuyện về mặt tạo hình truyền thống sao cho người dùng đủ nhận ra, đủ liên tưởng đến thành tố văn hóa gốc. Đây là cách dễ nhất để truyền tải truyền thống vào hiện đại. Hướng đi này được anh Tín gọi là tiếp cận công chúng bằng cách "chẻ nhỏ".

Giữ nguyên truyền thống trong phương pháp tạo hình, về ý nghĩa, theo đánh giá anh Tín, có thể nói là bảo lưu được đầy đủ văn hóa truyền thống. Nhưng anh cho rằng, sản phẩm ấy dễ bị thị trường từ chối. Bởi nó khiến cho khách hàng bị ngộp thở trong không gian của truyền thống. Đồng thời, chưa thể hiện được cá tính của nhà thiết kế.

Tuy nhiên, không nên đánh đồng các sản phẩm. Anh Tín dẫn ra ví dụ, đối với các sản phẩm văn hóa, như áo ngũ thân hay áo nhật bình mà Thủy Trung Nguyệt thiết kế, là một dạng sản phẩm lưu trữ thông tin. Tức là trên trang phục ấy, những hoa văn, đường nét được ông cha gửi gắm vào nhiều thông điệp có ý nghĩa. Điều này buộc người thực hiện phải đưa vào đầy đủ, chính xác những yếu tố ấy.

Không khó hiểu khi một sản phẩm có thiết kế tận dụng yếu tố dân gian thường bị khách hàng soi xét nhiều hơn. Đó là bởi không ít mẫu thiết kế đã sử dụng những yếu tố chưa chính xác. Từ đó, hình thành trong tâm lý thị trường những nghi kị đối với sản phẩm. Lời khuyên từ anh Trần Đức Minh (Giám đốc sáng tạo Công ty Direction) là nhà thiết kế không nên lệ thuộc quá nhiều vào những tư liệu tìm kiếm được trên Google hay trên mạng xã hội. Bởi đôi khi những tư liệu ấy thiếu tính kiểm chứng, xác thực.

"Gen Z kể chuyện văn hóa dân gian"

Nối tiếp thành công của tọa đàm này, Công ty Direction tiếp tục tổ chức tọa đàm Gen Z kể chuyện văn hóa dân gian vào 13h45 ngày 16/11, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ở đó, những nhà thiết kế, nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội sẽ tiếp tục chia sẻ sâu hơn những câu chuyện truyền cảm hứng của cá nhân về hành trình quảng bá văn hóa đến gần hơn với các bạn trẻ đồng trang lứa.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020