Chuyên mục  


vhvn-17-11-3-read-only-17318119694631144556422.jpg

Cảnh trong vở Lưu vong - Khí tiết một trung thần - Ảnh: L.ĐOAN

Trong liên hoan này, chỉ duy nhất có Lê Trung Thảo "3 trong 1" như thế. Và sự "cả gan" này không phải mới đây. Hai năm trước ở cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022, Thảo cũng "3 trong 1" như thế.

Đau đáu 3 năm trời

Thảo kể hồi anh làm đạo diễn chương trình Lễ hội Đống Đa (định kỳ mùng 5 Tết), anh tìm đọc tài liệu và vô tình phát hiện nhân vật Lê Quýnh. Lê Quýnh là trung thần nhà Lê.

Khi vua Lê và các tôn thất, quần thần chạy theo nhà Thanh sống đời lưu vong mười mấy năm trời, vua tôi nhà Lê bị bắt cạo đầu thắt bím tóc, mặc trang phục nhà Thanh.

Lê Quýnh là người kiên quyết không theo, giữ vững khí tiết và nguồn cội của con dân nước Việt khiến nhà Thanh phải kiêng nể.

Thảo thấy nhân vật hay quá nên đã tìm hiểu về Lê Quýnh. Anh may mắn mua được Bắc hành tùng ký, Bắc hành lược ký và đọc thêm tư liệu ở những sách sử như Hoàng Lê nhất thống chí, Bánh xe khứ quốc...

Lê Trung Thảo từng thử sức viết vài bài bản, chặp cải lương ngắn. Năm 2022, vì quá mê nhân vật Lê Quýnh nên anh viết một trích đoạn cải lương Lưu vong dài 25 phút để tham gia cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang.

Nhân vật mới, ít người khai thác nên Thảo khá hồi hộp. Đưa trích đoạn đi thi vì tâm đắc nhưng cũng là để thử xem độ tò mò của khán giả, người làm nghề như thế nào. Không ngờ sau cuộc thi nhiều bạn trẻ tìm đến hỏi thăm, xin trích đoạn để đi thi.

Nhân vật Lê Quýnh tiếp tục ám ảnh Thảo. Vậy là cứ rảnh, anh viết thêm. Anh đọc tài liệu và so sánh, lựa chọn, sắp xếp lại các cột mốc cho hợp lý.

Kịch bản Lưu vong - Khí tiết một trung thần trọn vẹn cho một vở diễn hoàn thành để Thảo tự tin đưa đến liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc của người làm cải lương.

vhvn-17-11-4-read-only-1731811969467761816035.jpg

Cảnh xúc động cuối vở, khi những con người sai lầm trở về cố quốc bằng nắm tro tàn - Ảnh: L. ĐOAN

Lê Trung Thảo muốn tự làm để coi sức mình tới đâu

Lê Trung Thảo gần đây nổi lên là đạo diễn cải lương trẻ với những vở diễn gây chú ý như Hồi đó họ còn trẻ, Câu hò đất mẹ... Anh cũng là người hỗ trợ các diễn viên ca cải lương trong phim Sáng đèn.

Thảo từng là giảng viên khoa kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, tốt nghiệp biên đạo múa. Hiện Thảo là nghệ sĩ thuộc đoàn 2 Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.

Vì có nghề, đặc biệt là vũ đạo đẹp, nên Thảo đắt sô và sống tốt với các chương trình múa, game show truyền hình... Cải lương khó khăn vậy nhưng chưa bao giờ Thảo rời bỏ lựa chọn của mình. Đi làm ở ngoài dành dụm tiền Thảo đem về đầu tư làm cải lương để thỏa sức sáng tạo nghệ thuật.

Với Lưu vong - Khí tiết một trung thần dù là kịch bản cải lương đầu tiên nhưng Thảo âm thầm tự viết không dám nhờ ai.

Thảo nói: "Tôi sợ nhờ lung tung rồi người ý này, người ý kia khiến mình dao động không thể hoàn thành được. Vậy là tôi cứ viết, khi viết xong tôi mới nhờ bạn bè, thầy cô đọc góp ý thêm".

Với Thảo, kịch bản cải lương khó khăn nhất là lời ca. Đặc biệt, vở này anh viết "đo ni đóng giày" cho chính mình nên phải cân nhắc viết sao cho phù hợp hoàn cảnh, nhân vật, chất giọng.

"Hơi người ta hay hát sao cũng được, còn hơi mình ngặt đủ thứ nên phải tìm kiếm bài bản thuận hơi của mình. Những chữ nhấn trong bài ca cũng phải đặt sao cho trúng, cho đắt, lợi cho mình" - Thảo vui vẻ tâm sự.

Lê Trung Thảo chia sẻ dù ôm đồm khi vừa là tác giả, đạo diễn, diễn viên chính của vở nhưng Thảo thích tự thử thách như thế. Cũng chẳng phải chứng tỏ điều gì, mà chỉ muốn xem sau bao nhiêu năm làm nghề, được học hỏi từ những tác giả và đạo diễn đi trước cùng nỗ lực tự thân, giờ khả năng mình tới đâu, có thể làm gì và người làm nghề, khán giả sẽ đón nhận ra sao?

Nhìn vào vở diễn của Thảo, nhiều người đoán anh phải đầu tư bộn tiền. Nhưng Thảo cười lắc đầu khi ai hỏi kinh phí đầu tư. Anh nói mình may mắn được học trò, bạn bè, người làm nghề yêu thương hỗ trợ rất nhiều nên chi phí cũng giảm đi.

Huy chương vàng với người khác có thể dễ, với Thảo rất nhọc nhằn. Đó là chiếc huy chương mồ hôi nước mắt của một diễn viên không có quá nhiều lợi thế nhưng cứ miệt mài nỗ lực vươn lên. Còn tình yêu, đam mê của những người trẻ như thế, sàn diễn cải lương có lẽ sẽ có thêm nguồn lực để tiếp nối.

3 năm trời đeo đuổi một nhân vật cải lương lịch sử, Thảo cho thấy sự cẩn trọng trong từng lớp diễn. Người ta thấy trong vở, chất cải lương, sự cân bằng tiết tấu, bản dựng sáng đẹp có đầu tư.

Để rồi sau những nhân vật của quá khứ, người xem cảm giác xốn xang bởi những sai lầm khiến vương triều ngả nghiêng. Là hình ảnh những con người lưu vong lúc nào cũng đau đáu vọng cố hương, cuối cùng bỏ mạng nơi đất khách đầy chua xót...

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020