Vẫn có những điều không thể thay đổi. Ấy là ngày 20-11, nhắc nhở mỗi người truyền thống tôn sư trọng đạo, nhắc nhở xã hội những giá trị vô giá của giáo dục. Trong ảnh: Giáo viên Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP. Thủ Đức và học sinh trong lễ khai giảng đầu năm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dù lớn dù nhỏ, dù ở Hà Nội hay TP.HCM, hay Pháp, Mỹ, Anh, Nhật, châu Á hay châu Mỹ, châu Phi, nhiều thế hệ người Việt chợt tìm thấy một điểm chung và là một điểm chung thật ấm áp, thật mát lành.
Những cảm xúc đẹp đẽ và bền bỉ của tuổi học trò, của thời sinh viên vốn ngủ yên trong lòng mỗi người những ngày này gặp cơ hội thức dậy, trở thành những lời gọi, lời hẹn lao xao.
Thăm nhớ thầy cô giáo cũ, không mấy ai còn nhớ những bài học, bài giảng thấm mồ hôi năm nào. Môn văn đã thấm vào lòng, môn toán đã in vào trí để mỗi người trưởng thành theo cách riêng mình.
Chỉ còn đó trong ký ức tuổi thơ ánh mắt rưng rưng của cô giáo khi học trò mắc lỗi, giọng cô tha thiết mong học trò nên người.
Chỉ còn đó trong ký ức thanh xuân dáng thầy kiên nhẫn bên tấm bảng chi chít công thức, tận tình giúp học trò từng bước, từng bước tìm cách giải quyết đề bài, học cách bình tĩnh, định tâm trước gian khó.
Ngày đi học trọng thầy cô giáo vì kiến thức, xa trường rồi nhớ thầy cô giáo vì phong thái, vì nhân cách. Mỗi thế hệ học trò trưởng thành, sự học lại có biết bao nhiêu thay đổi.
Thời bảng đen, phấn trắng, sách giáo khoa là cả bầu kiến thức, cứ tưởng như miên viễn vậy mà đã nhanh chóng bị thời đại lướt qua.
Với những thế hệ học trò ngày nay, trời kiến thức mở mênh mông trên Internet; trí tuệ nhân tạo (AI) biến thành những giáo viên tận tụy nhất đời, sẵn sàng cho mọi câu hỏi, mọi lúc, mọi nơi, không bao giờ từ chối, không bao giờ mất kiên nhẫn.
Cách học thay đổi, cách dạy thay đổi, có nhiều người đã nhận Internet là ngôi trường rộng lớn nhất, người thầy vĩ đại nhất của mình.
Thế nhưng vẫn có những điều không thể thay đổi. Ấy là ngày 20-11, nhắc nhở mỗi người truyền thống tôn sư trọng đạo, nhắc nhở xã hội những giá trị vô giá của giáo dục.
20-11 - thời mà AI có thể giảng dạy - còn nhắc nhở nhiều hơn nữa. Nhắc người học phải tìm cách học từ thầy cô giáo bằng xương bằng thịt của mình những điều mà AI không thể dạy - là sự phân biệt phải trái đúng sai, là cách thưởng thức cái đẹp và cách tránh thoát cái xấu, là nơi nên đặt lòng yêu thương, là cách nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, là những phương cách để trưởng thành chính trực và tử tế, biết những giá trị để chia sẻ để đóng góp, biết những sự nghiệp để dấn thân, để cống hiến.
20-11 - thời mà AI có thể giảng dạy - càng đặt nặng thêm trọng trách của thầy cô giáo. Điều trao truyền trên bục giảng không thể chỉ còn là kiến thức trong giáo án mà đòi hỏi nhiều hơn là những bài học làm người trong cuộc đời.
Sứ mệnh của thầy cô giáo vốn đã lớn càng phải lớn hơn nữa, hình ảnh thầy cô vốn đã đẹp càng phải đẹp hơn nữa.
Những bài học nhân sinh buộc các thầy các cô giáo phải chấp nhận những khuôn mẫu để làm nên những hình tượng đẹp, thật đẹp, sống đẹp mãi trong những ký ức thanh xuân.
Đòi hỏi như vậy là có nhiều quá không? Nhiều, nhiều lắm, nhưng là mong mỏi tự nhiên của những học trò luôn ước được sống trong cơn xôn xao mát lành ấm áp chung của cả xã hội những ngày của tháng 11.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà những ngày này báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài "Nhà giáo vì cộng đồng" để kể những câu chuyện đẹp đến không tưởng của những thầy cô giáo.
Thầy cô giáo dĩ nhiên phải đẹp hơn AI.