Chuyên mục  


Tác phẩm do Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn, nghệ sĩ Ngọc Chi chuyển thể cải lương từ kịch bản văn học của Nguyễn Văn Thịnh, công diễn tối 23/5 ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Khác với nhiều vở diễn lấy hình ảnh anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi làm trung tâm, tác phẩm khắc họa con người bà Nguyễn Thị Lộ - nữ quan đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam dưới thời Lê Sơ.

Qua góc nhìn của êkíp, bà hiện lên với dáng dấp một học sĩ nghiêm khắc, quy củ, trọng nghĩa tình. Đảm nhiệm chức Lễ nghi học sĩ dưới thời vua Lê Thái Tông, bà dành nhiều tâm huyết dạy "học ăn, học nói, học gói, học mở" cho các cung nữ. Giữa thời nội triều nhà Lê lục đục, lũ bề tôi nịnh hót hoành hành, bà và chồng một lòng giữ kỷ cương phép nước nhưng "lực bất tòng tâm".

ben-anh-sao-khue-cai-luong-ve-nguoi-vo-tao-khang-cua-nguyen--1653366199.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Xm7vE4fm2oDBhR7wuXqNhA
Bên ánh sao khuê: Cải lương về người vợ tào khang của Nguyễn Trãi

Nguyễn Thị Lộ chia tay Nguyễn Trãi khi ông từ quan về ở ẩn, trích vở "Bên ánh sao khuê" do Nhà hát Cải lương Việt Nam dựng. Video: Hà Thu

Nhân vật xuất hiện trong hầu hết phân cảnh, giúp vua chăm lo chuyện hậu cung, dạy học cho vua Lê Thái Tông... Khi Nguyễn Trãi bất mãn, từ quan để ở ẩn, bà quyết định ở lại cung, dẫn đến nhiều mâu thuẫn, xung đột cao trào trong vở diễn. Ngoài tài văn thơ, đức độ, Nguyễn Thị Lộ còn được xây dựng là người vợ thủy chung, yêu chồng. Vì không thể có con, bà cậy nhờ hầu gái ở bên chăm lo Nguyễn Trãi. Cảnh chia ly của hai vợ chồng chứa đựng nhiều tình cảm qua các câu vọng cổ.

Êkíp tập trung khai thác vụ án Lệ Chi Viên ở phần cuối. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Thị Lộ bị buộc tội giết vua Lê Thái Tông ở vườn Lệ Chi, khiến vua đột ngột băng hà. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: "Nguyễn Thị Lộ vào hầu vua, dùng chất độc giết vua". Vợ chồng Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ bị xử tử. Tuy nhiên, vụ án còn nhiều điểm chưa rõ ràng, người đời sau vì thế sáng tạo nhiều giai thoại liên quan. Cách lý giải của vở cải lương giống nhiều giả thiết lưu truyền: Nguyễn Thị Lộ không phải người giết vua, kẻ đứng sau án oan của gia đình Nguyễn Trãi là phi tần Thị Anh.

Thùy Dung (vai Nguyễn Thị Lộ) và Mạnh Hùng (vai Nguyễn Trãi). Ảnh: Nhà hát Cải lương Việt Nam

Vở diễn ghi điểm qua diễn xuất của nghệ sĩ Mạnh Hùng (vai Nguyễn Trãi) và Thùy Dung (vai Nguyễn Thị Lộ). Hai người tương tác, đối đáp ăn ý, thể hiện tình cảm đôi phu thê mặn nồng, son sắt. Mỗi lần hai diễn viên kết màn, khán giả đều vỗ tay hưởng ứng. Ngoài ra, các màn hát múa trong bối cảnh cung đình được dàn dựng đẹp mắt.

Sân khấu được trang hoàng với những tấm chiếu lớn, lấy cảm hứng từ lần gặp gỡ đầu tiên giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Tương truyền, ông gặp bà trong một lần tản bộ Tây Hồ, gặp cô bán chiếu trẻ đẹp, quê gốc ở tỉnh Thái Bình ngày nay. Ông xướng mấy câu thơ ghẹo nàng: "Nàng ở nơi nào, bán chiếu gon?/ Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?/ Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?/ Đã có chồng chưa, được mấy con?". Không ngờ, cô bán chiếu họa lại thơ ông: "Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon/ Cớ chi ông hỏi hết hay còn?/ Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ/ Chồng còn chưa có, có chi con!". Cảm mến tài năng Thị Lộ, hai người nên duyên. Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai hạn chế sử dụng bục, bệ đồ sộ, phông bạt trang trí để tăng tính ước lệ cho vở diễn.

Năm 2018, Quỳnh Mai từng dựng vở Bên ánh sao khuê cho đoàn chèo Thái Bình. "So với ngôn ngữ chèo, vở cải lương khắc sâu bi kịch của vợ chồng Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ. Qua đó, êkíp gửi gắm thông điệp lòng tốt có thể đánh thức sự lương thiện trong mọi hoàn cảnh", đạo diễn nói. Quỳnh Mai mong muốn có thể mang vở diễn đến nhiều tỉnh, nhất là quê hương Nguyễn Trãi ở Hải Dương.

Nghệ sĩ cải lương Minh Thành cho biết anh từng xem nhiều vở diễn về Nguyễn Trãi dưới các hình thức khác nhau. "Ba năm trước, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng từng dựng vở Sao khuê lấp lánh, nội dung tương tự. Tuy nhiên, tôi thích Bên ánh sao khuê nhất bởi ngôn ngữ thoại đậm chất cải lương. Dàn diễn viên, từ chính diện đến phản diện, đều thể hiện rõ màu sắc nhân vật. Âm nhạc, ánh sáng, các màn hát múa đều tốt, khiến khán giả thích thú. Tuy nhiên, điểm trừ là Trung Tuấn - diễn viên đóng vai vua Lê Thái Tông - còn chưa 'chín', thiếu kinh nghiệm, giọng hát chưa truyền cảm", NSƯT Minh Thành nói.

Hà Thu

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020