Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức ngày 20/1/2025. Ông đã nêu hàng loạt chính sách muốn triển khai, trong đó có những đề xuất gây tranh cãi như chấm dứt luật "sinh ở Mỹ là công dân Mỹ", khôi phục quy định giúp dễ sa thải công chức hàng loạt. Ông có thể hành động ngay ngày nhậm chức hoặc trong tháng đầu tiên của chính quyền mới.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã dành nhiều thời gian cùng các luật sư đánh giá tính khả thi trước khi triển khai một số chính sách, nhưng vẫn vướng vào các trận chiến pháp lý kéo dài. Do đó, chính quyền Trump lần này sẵn sàng "đốt cháy giai đoạn", ký các sắc lệnh hành pháp để ban hành chính sách trước bất chấp nguy cơ bị kiện và để việc phân định đúng sai cho tòa án quyết.
"Ông Trump sẽ tìm mọi cách khả thi để thực hiện cam kết đã đưa ra cho người dân Mỹ trong khuôn khổ pháp luật", Karoline Leavitt, phát ngôn viên của ông Trump, nói. "Những người muốn trì hoãn hoặc cản trở nghị trình bằng cách đệ đơn kiện đồng nghĩa họ đi ngược kỳ vọng của cử tri đã bầu cho ông ấy".
Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Paris, Pháp ngày 7/12. Ảnh: AP
Một trong những chính sách ông Trump sẽ thực thi đầu tiên là chấm dứt quy định "sinh ra ở Mỹ là công dân Mỹ", điều ông đã nhiều lần tuyên bố, dù nó trái với cách hiểu lâu này về Tu chính án thứ 14 trong hiến pháp Mỹ.
Tu chính án thứ 14 được quốc hội phê chuẩn năm 1868 nêu rõ "tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch vào Mỹ, chịu sự quản lý của Mỹ, đều là công dân Mỹ và bang nơi họ cư trú", được hiểu là không áp dụng cho nhà ngoại giao nước ngoài và cộng đồng người bản địa. Cộng đồng người bản địa được cấp quốc tịch khi sinh ra tại Mỹ trong một luật năm 1924.
Một số người bảo thủ cho rằng ngôn từ trong Tu chính án thứ 14 có thể diễn giải để áp dụng với con của người nhập cư không giấy tờ.
Cách đơn giản nhất để ông Trump thay đổi quy định là ký sắc lệnh ban hành biểu mẫu liên bang yêu cầu kê khai thông tin về quốc tịch hoặc tình trạng cư trú của cha mẹ khi sinh con hoặc bổ sung thông tin này vào mẫu đơn xin số an sinh xã hội, theo Eric Ruark, giám đốc nghiên cứu tổ chức ủng hộ hạn chế nhập cư NumbersUSA.
Jeremy Beck, phó chủ tịch của NumbersUSA, nói chính quyền ông Trump sẽ bị kiện nếu thay đổi quy định này và vấn đề sẽ do Tòa án Tối cao phân xử.
Giới chuyên gia nhận định ông Trump có thể không gặp trở ngại nếu muốn áp thuế cao ngay lập tức với Trung Quốc. Nhưng áp thuế Mexico và Canada, hoặc với mọi đối tác thương mại của Mỹ, sẽ vượt xa những gì ông từng theo đuổi trong nhiệm kỳ một và có căn cứ pháp lý yếu hơn.
Để vượt rào cản này, trợ lý của ông Trump đang xem xét các chiến lược chưa từng thử nghiệm, như áp dụng một điều khoản mơ hồ trong luật thương mại năm 1974. Họ còn nghiên cứu một luật về quyền lực khẩn cấp vốn là cơ sở để Mỹ áp trừng phạt tài chính với nước khác.
"Luật các quyền lực khẩn cấp không nhằm mục đích áp thuế lên Canada, có thể coi là đồng minh thân cận nhất của chúng ta", Scott Lincicome, giám đốc kinh tế tại Viện Cato, viện chính sách ủng hộ tự do thương mại, lưu ý.
Giới học giả pháp lý cũng chia rẽ về việc Tòa án Tối cao có bác bỏ sắc lệnh hành pháp này hay không, bởi chắc chắn các quốc gia và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng sẽ khởi kiện.
Lincicome cho rằng luật có cách diễn đạt đủ rộng để giúp ông Trump có cơ hội thắng kiện. Ông cũng hoài nghi khả năng Tòa án Tối cao muốn can thiệp, bởi lập trường tư pháp từ lâu của cơ quan này là tôn trọng quyền hạn tổng thống về an ninh quốc gia.
Ông Donald Trump cầm biểu đồ về tình trạng nhập cư trái phép vào Mỹ khi vận động tranh cử ở Howell, bang Michigan ngày 20/8. Ảnh: AFP
Nhóm Trump còn lên kế hoạch đẩy lùi ranh giới pháp lý trong quyền lực của nhánh hành pháp liên quan chi tiêu liên bang và ban hành quy định. Russ Vought, ứng viên lãnh đạo Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB), đã kêu gọi khôi phục "quyền ngăn chặn", cho phép tổng thống đơn phương hủy kế hoạch chi tiêu đã được quốc hội duyệt.
Các quan chức đã trao đổi với giới học giả bảo thủ nhằm tìm một ví dụ phù hợp để tòa án sẽ chấp thuận quyết định của tổng thống "chặn" một số quỹ liên bang, theo hai nguồn thạo tin. Chiến thắng trong một vụ kiện sẽ mở đường cho ông Trump cắt giảm thêm nhiều chương trình liên bang khác.
Cách ông Trump thiết lập Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE), không thuộc chính phủ Mỹ, cũng có thể đối mặt thách thức pháp lý. Đạo luật Ủy ban Cố vấn Liên bang năm 1972 yêu cầu nhóm bên ngoài tư vấn cho nhánh hành pháp phải họp mở và bao gồm nhiều quan điểm. DOGE hiện do tỷ phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy phụ trách. Hai người đều có quan điểm ủng hộ ông Trump.
Ông Musk và Ramaswamy nói ông Trump sẽ lập tức đảo ngược hàng nghìn quy định do các cơ quan liên bang ban hành, có thể bằng một sắc lệnh. Tuy nhiên, động thái này sẽ bị thách thức theo Đạo luật về Thủ tục hành chính, đòi hỏi một quá trình dài và công khai để triển khai hoặc hủy bỏ các quy định.
Chính quyền Trump nhiệm kỳ đầu từng ban hành nhưng không kịp thực thi sắc lệnh hành pháp Kế hoạch F để loại bỏ trạng thái bảo vệ việc làm với hàng nghìn công chức tại nhiều cơ quan.
Tổng thống Joe Biden thu hồi sắc lệnh ngay khi nhậm chức năm 2021, và đầu năm nay đã ban thêm quy định nhằm cản trở mọi nỗ lực tương tự của chính quyền Cộng hòa trong tương lai. Các luật sư trong nhóm chuyển giao quyền lực đang cân nhắc ý tưởng nhanh chóng đưa ra quy định mới để đảo ngược quy định của ông Biden trong lúc hồi sinh Kế hoạch F.
"Nhìn chung, bạn có thể đi vòng hoặc lao thẳng qua một trở ngại pháp lý. Tôi nghĩ câu trả lời ở đây sẽ là tất cả phương án trên", Paul Dans, người phụ trách Phòng Quản lý Nhân sự trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump và triển khai Kế hoạch F, nói.
Tòa án Tối cao Mỹ ở thủ đô Washington tháng 6/2021. Ảnh: Reuters
Chính quyền Trump nhiệm kỳ hai đang đặt cược rằng những luật sư phe Dân chủ, nhóm vì môi trường và tự do dân sự ít nguồn lực tài chính hơn và không còn muốn tham gia kiện tụng tại tòa so với những ngày đầu "đối kháng Trump".
Chính quyền Trump cũng sẽ đối mặt các thẩm phán thân thiện hơn. Thẩm phán bảo thủ đã chiếm đa số tại Tòa án Tối cao và 6 trong số 13 tòa phúc thẩm liên bang. Thượng viện, cơ quan phê chuẩn các đề cử thẩm phán, nhiệm kỳ tới sẽ do đảng Cộng hòa kiểm soát.
"Tôi cho rằng họ hiểu mình sẽ bị kiện vì mọi thứ", Lee Gelernt, luật sư cấp cao về nhập cư tại tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), nói. Gelernt từng phản đối chính sách chia tách các gia đình nhập cư ở biên giới của ông Trump trong nhiệm kỳ một. "Ban đầu sẽ có một số cuộc đấu diễn ra chóng vánh, nhưng sau đó sẽ là cuộc đua marathon dài hơi".
Như Tâm (Theo Washington Post, Reuters, AFP)