Trồng cây dược liệu và tín hiệu khả quan
Là một trong số huyện nghèo của cả nước, Kon Plông có 9 xã, thị trấn đều nằm ở địa bàn vùng sâu vùng xa khó khăn, được hưởng đầu tư từ chương trình 30a và chương trình 135 của Chính phủ.Với đặc thù phần lớn diện tích tự nhiên là rừng, đất rừng và đặc trưng vùng khí hậu ôn đới, nơi đây không chỉ được biết đến là vùng rau hoa xứ lạnh mang sắc thái riêng của khu vực Bắc Tây Nguyên, mà còn tập trung nhiều loại dược liệu truyền thống có giá trị. Có thể kể đến như sơn tra, sim rừng, đảng sâm (sâm dây), chè dây, sâm cau, giảo cổ lam, ngũ vị tử …
Nhờ nguồn vốn chương trình 135 và nguồn vốn 30a, thời gian qua, UBND thị trấn Măng Đen đã hỗ trợ triển khai 3 mô hình trồng cây dược liệu, gồm 2 mô hình sâm đương quy tại thôn Kon Chốt, thôn Kon Leng và mô hình trồng sâm dây ở thôn Kon Pring.
Nhờ nguồn vốn khởi nghiệp 100 triệu đồng được vay qua ủy thác của Tỉnh đoàn, đoàn viên thanh niên tiêu biểu A Nga (Thôn RôSia1, xã Đăk Tăng) đã xây dựng thành công mô hình trồng cây sâm dây. “ Không những thế, tại địa bàn xã vùng sâu Đăk Tăng cũng đã xuất hiện nhiều bạn trẻ đi đầu phát triển cây dược liệu, như A Măng ở thôn Vi Xây, A Hội ở thôn Đăk Sa, Y In ở thôn Đăk Brồ, Y Phar ở thôn Virơngheo...; tạo thành phong trào sôi nổi chuyển hướng phát triển cây dược liệu của địa phương.”, Anh A Hoàn, Bí thư Huyện đoàn Kon Plông ghi nhận.
Theo ông Trần Văn Thiện (Chủ tịch UBND xã Ngọc Tem) cho biết: “Bước đầu, xã mới triển khai mô hình trồng cây nghệ, cây đinh lăng, song cũng đã có một số doanh nghiệp đến khảo sát tình hình để liên kết trồng cây dược liệu, mở ra hướng hình thành vùng nguyên liệu mới trên địa bàn.”.
Định hướng phát triển cây dược liệu thành ngành kinh tế mũi nhọn
Đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông đã có khoảng 150 hecta cây dược liệu được trồng và bước đầu cho thu hoạch. Trong đó, nhờ nguồn vốn hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và hỗ trợ giảm nghèo. Ba năm qua, các xã, thị trấn đã hỗ trợ bà con nông dân trồng gần 110 ha cây dược liệu, chủ yếu là đương quy, sâm dây,cây nghệ, xạ đen, đinh lăng…Không chỉ tận dụng đất hoang, đất trống, hầu hết diện tích trồng cây dược liệu được sử dụng là đất trồng một số loại cây ngắn ngày kém hiệu quả; giúp người dân giải quyết hợp lý bài toán chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Thu nhập bước đầu từ cây dược liệu cũng góp phần thúc đẩy các hộ mạnh dạn tiếp tục đầu tư trồng mới theo định hướng của địa phương.
Định hướng phát triển cây dược liệu thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với triển khai một trong số nội dung đột phá thuộc lĩnh vực nông nghiệp, huyện Kon Plông đã bước đầu tiến hành khoanh vùng bảo tồn các loài dược liệu với tổng diện tích khoảng 2660 ha; đồng thời chỉ đạo xây dựng phương án bảo tồn, phát triển, khai thác dược liệu bền vững để thực hiện.
Song song với tập trung hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích cây dược liệu, nguồn lực khoa học- công nghệ liên quan đến yêu cầu hình thành và phát triển lĩnh vực này được huyện Kon Plông chủ động, tích cực chuẩn bị. Trên cơ sở triển khai thành công đề tài nghiên cứu phát triển cây lan Kim tuyến của Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, dịch vụ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ); Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao thuộc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen đã đưa vào trồng thí điểm một số diện tích loại cây này.Trung tâm cũng phối hợp xây dựng đề tài khoa học phát triển cây lan Kim tuyến dưới tán rừng, dự kiến triển khai tại địa bàn huyện trong năm 2020.
Trên địa bàn huyện hiện có hai cơ sở sản xuất, cung ứng giống cây dược liệu bằng phương pháp nuôi cấy mô. Bước đầu, một số giống cây dược liệu đã được nuôi cấy thành công, có sản phẩm bán ra thị trường như giống cây lan Kim tuyến, cây Ba kích...
Xây dựng vùng cây dược liệu trọng điểm
Huyện Kon Plông đã ký hợp đồng với Viện Nghiên cứu và phát triển dược liệu TP Hồ Chí Minh nghiên cứu chế biến một số sản phẩm từ dược liệu, như nghiên cứu quy trình chế biến các sản phẩm cao đảng sâm (dạng đặc, dạng lỏng), kẹo viên và gói hòa tan đảng sâm, kẹo viên và gói hòa tan đảng sâm mật ong rừng Măng Bút.
Thời gian tới, kết quả chuyển giao quy trình chế biến sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất có nhu cầu chế biến các sản phẩm này sẽ góp phần tiêu thụ nguyên liệu dược liệu do đồng bào địa phương sản xuất, tạo bước chuyển mới trong quá trình xây dựng chuỗi liên kết giá trị cây dược liệu trên địa bàn.
“ Được xác định là một trong những vùng dược liệu trọng điểm của tỉnh Kon Tum, huyện Kon Plông đã và đang tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng diện tích gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trong lĩnh vực này.”- Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Kon Plông Bùi Đoàn Khương khẳng định.
Ngoài nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình 135, 30a, các xã, thị trấn tranh thủ thêm các nguồn vốn khác và động viên, khuyến khích nhân dân tự đầu tư trồng các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện từng tiểu vùng khí hậu của địa phương; chủ lực là cây đảng sâm, đương quy, sa nhân, nghệ đỏ...
Để đảm bảo các điều kiện cần thiết tạo động lực thúc đẩy phát triển cây dược liệu,vấn đề trọng tâm địa phương cần quan tâm tạo bước đột phá trong thời gian tới là tập trung hình thành các chuỗi giá trị bền vững và hiệu quả - từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm từ dược liệu; góp phần xây dựng sản phẩm đặc trưng, thương hiệu hàng hóa đặc thù gắn với “thương hiệu” của vùng du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen.
Nghĩa Hà