Ông Donald Trump đã đe dọa tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại với EU trừ khi họ mua thêm dầu và khí đốt từ Mỹ. Mặc dù Brussels có tín hiệu cởi mở với ý tưởng này, họ gặp không ít khó khăn nếu muốn thay đổi khi vẫn đang nhập khẩu một lượng kỷ lục khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giá rẻ từ Nga.
Câu hỏi về việc liệu EU có đạt được đồng thuận và mua thêm nhiên liệu từ Mỹ hay không vẫn còn bỏ ngỏ. “Mua dầu và khí đốt của chúng tôi trên quy mô lớn. Nếu không, thuế sẽ là thứ để nói chuyện”, ông Trump đã đăng trên mạng xã hội vào tháng trước.
Thực tế, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã ủng hộ ý tưởng này: “tại sao không thay thế khí đốt của Nga bằng LNG của Mỹ”. Nhưng cơ quan điều hành của EU không phải bên mua khí đốt và không thể làm gì hơn ngoài việc ra tín hiệu với ông Trump rằng các công ty châu Âu quan tâm đến LNG của Mỹ.
Khối này đã cam kết vào năm 2022 sẽ mua thêm LNG từ Mỹ. Tuy nhiên, quan chức EU cho biết không có kế hoạch nào ngay lập tức để thực hiện lời hứa đó.
Nhập khẩu LNG của EU từ Mỹ tăng mạnh trong những năm gần đây.
Vấn đề là EU không thể “cai” nhiên liêu hóa thạch giá rẻ từ Nga. Năm ngoái, các công ty từ EU đã nhập khẩu một lượng LNG kỷ lục từ Nga. “Lượng LNG đó phải đến từ Mỹ”, Mike Sommers, CEO của Viện Dầu khí Mỹ cho biết.
Thực tế, EU đã đặt ra mục tiêu là “cai nghiện” hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027 và cho phép chính phủ cấm các nhà xuất khẩu của Nga sử dụng cơ sở hạ tầng khí đốt của EU. Một số bộ trưởng đã phàn nàn rằng điều này vẫn không đủ để họ buộc các công ty phá vỡ hợp đồng hiện có.
Theo các nhà ngoại giao EU, LNG có thể được đưa vào một vòng trừng phạt mới nhưng điều này đòi hỏi sự chấp thuận của tất cả 27 thành viên quốc gia, trong khi Hungary và Slovakia có khả năng sẽ phản đối.
Mỹ tự tin họ có đủ công suất dự phòng để thay thế LNG của Nga tại châu Âu. S&P Global Commodity Insights cho biết tổng cộng 10,3 triệu tấn LNG đã được ký hợp đồng với châu Âu từ các nhà máy đang được xây dựng tại Mỹ. 9,5 triệu tấn bổ sung cũng đã được lên kế hoạch cho các người mua, bao gồm cả châu Âu. Khối lượng này vượt qua 17 triệu tấn LNG mà EU đã nhập từ Nga vào năm ngoái.
Pháp, Tây Ban Nha, BỈ là những quốc gia nhập khẩu nhiều LNG từ Nga nhất của EU.
Giá cả là một vấn đề nhạy cảm khác. “Giá là vấn đề tế nhị và mang tính quyết định”, một quan chức cấp cao của EU cho biết.
Anatol Feygin, giám đốc thương mại của Cheniere Energy, công ty xuất khẩu LNG có trụ sở tại Mỹ, nói với FT rằng các quyết định thương mại và tín hiệu giá sẽ quyết định dòng LNG của Mỹ vào châu Âu chứ không phải các sắc lệnh từ chính phủ. “Mỹ rất khác so với Qatar và các nơi khác trên thế giới. Không có giao dịch trực tiếp nào giữa chính phủ với chính phủ”, ông cho biết.
Một cách để Brussels hoặc các chính phủ EU khác tham gia là thiết lập một kho dự trữ LNG chiến lược, bao gồm các lô hàng của Mỹ, Feygin gợi ý.
Nhu cầu khí đốt tự nhiên của EU dự kiến giảm 25% vào năm 2030 so với năm 2023, theo dự báo của IEA. “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một làn sóng cung cấp LNG mới”, Michael Stoppard, người đứng đầu chiến lược khí đốt toàn cầu tại S&P Global Commodity Insights cho biết. “Mỗi năm trôi qua, châu Âu sẽ dễ dàng hơn trong việc sắp xếp các giải pháp thay thế cho LNG của Nga – đặc biệt là từ năm 2026 trở đi”.
Qatar, Canada đều đang đưa các cơ sở sản xuất LNG mới vào hoạt động.
Nguồn: FT