Dầu tăng vì có những dấu hiệu về nhu cầu hồi phục
Giá dầu thô Mỹ tăng 7% trong phiên 15/5 lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 do nhu cầu nhiên liệu mạnh lên vì nhiều nước nới lỏng chính sách cách ly/giãn cách xã hội.
Kết thúc phiên, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 1,87 USD (6,8%) lên 29,43 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 29,92 USD/thùng – cao nhất kể từ giữa tháng 3; dầu Brent tăng 1,37 USD (4,4%) lên 32,50 USD/thùng. Tính chung cả tuần, dầu WTI tăng 19,7%; trong khi dầu Brent tăng 5,2%.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và một số nhà sản xuất dầu lớn khác (OPEC+) đã khởi động chiến dịch cắt giảm mạnh sản lượng trong tháng 5 và 6/2020 để giải quyết tình trạng dư cung dầu mỏ. Tồn trữ dầu thô của Mỹ đã đột ngột giảm xuống. Nhu cầu mặt hàng này cũng đang dần cải thiện. Dữ liệu cho thấy tiêu thụ dầu thô hàng ngày ở Trung Quốc trong tháng 4/2020 đã hồi phục khi các nhà máy tăng công suất hoạt động.
Vàng cao nhất 7 năm do lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, các kim loại quý khác cũng tăng
Giá vàng tăng trên 1% trong phiên giao dịch vừa qua lên mức cao nhất kể từ năm 2012 do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lại bùng lên, làm gia tăng nỗi lo tác động đến kinh tế trong bối cảnh Covid-19 đã làm tổn thương sâu sắc kinh tế toàn cầu.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.741,65 USD/ounce, trong phiên có lúc giá đạt 1.751,25 USD/ounce, tính từ đầu năm đến nay giá tăng hơn 2%; vàng kỳ hạn tháng 6/2020 tăng 0,9% lên 1.756,3 USD/ounce.
Số liệu kinh tế Mỹ mới nhất cho thấy bán lẻ trong tháng 4/2020 giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, mối quan hệ về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông không quan tâm đến việc đàm phán với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào lúc này, và thậm chí có thể cắt đứt quan hệ với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Chiến lược gia thị trường của Blue Line Futures ở Chicago, Phil Streible, cho biết: "Mọi người không muốn mạo hiểm khi không chắc chắn về tương lai. Vàng mang lại cho bạn cảm giác an toàn vào lúc này".
Virus SARS-CoV-2 đã lây nhiễm tới hơn 4,46 triệu người trên toàn cầu, gây tử vong 301.445 người; gây cản trở hoạt động kinh tế trên toàn cầu, buộc các ngân hàng trung ương và chính phủ phải tung ra các biện pháp kích thích kinh tế khổng lồ. Và vàng thường được hưởng lợi từ các chương trình kích thích kinh tế vì nó được xem như một "hàng rào" chống lại lạm phát cũng như chống chiến tranh tiền tệ.
Mặc dù nhiều chính phủ bắt đầu nới lỏng các chính sách hạn chế chống Covid-19, nhưng những động thái này lại gây lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ 2. Commerzbank dự báo: "Nếu các nhà đầu cơ lúc này cùng hướng vào vàng thì giá sẽ tăng nhanh lên 1.800 USD/ounce".
SPDR Gold Trust GLD - quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới – nắm giữ lượng vàng tăng thêm 1,2% lên 1.104,72 tấn tính tới ngày 14/5/2020, cao nhất trong vòng 7 năm.
Về những kim loại quý khác, giá palađi tăng 1,9% lên 1.870,28 USD/ounce, song tính chung cả tuần giảm tuần thứ 7 liên tiếp; bạch kim tăng 3,2% lên 792,24 USD/ounce; bạch tăng 4,3% lên 16,55 USD/ounce.
Đồng giảm dù sản xuất ở Trung Quốc tăng
Giá đồng giảm trong phiên cuối tuần, và tính chung cả tuần cũng giảm khi lượng tồn trữ ở Trung Quốc tăng lên và số liệu cho thấy kinh tế toàn cầu bị suy yếu gây lo ngại nhu cầu sẽ vẫn yếu, mặc dù hoạt động sản xuất của Trung Quốc hồi phục.
Sau khi Tổng thống Mỹ dọa ông có thể cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, Mỹ tiếp tục thông báo quy định mới, theo đó bắt buộc các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị của Mỹ để chế tạo chip phải có giấy phép của Mỹ nếu muốn bán chip cho Huawei, hoặc các công ty con của tập đoàn này. Những động thái này gây lo ngại căng thẳng thương mại giữa 2 bên sẽ gia tăng, đồng thời có thể ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục kinh tế của cả 2 nước.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,3% xuống 5.185USD/tấn, và tính chung cả tuần giảm hơn 1,5%.
Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tháng 4/2020 tăng 3,9% so với cùng tháng năm ngoái – lần tăng đầu tiên trong năm nay và nhiều hơn mức dự báo của Reuters (là tăng 1,5%). Sản lượng 10 loại kim loại kim loại màu (trong đó có đồng, nhôm, chì, kẽm và nickel) tăng lên 4,93 triệu tấn trong tháng 4/2020, cao hơn 3,8% so với cùng tháng năm ngoái.
Quặng sắt có tuần tăng giá mạnh nhất 10 tuần
Giá quặng sắt tại Trung Quốc đạt mức cao nhất trong vòng 9,5 tháng do số liệu kinh tế cho thấy Trung Quốc đang hồi phục và nhu cầu từ các nhà sản xuất thép tăng lên. Đầu tư tài sản cố định trong tháng 4/2020 tăng 6,2% so với tháng trước đó, trong khi đầu tư vào bất động sản tăng 7%.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên tăng 3,3% trong phiên vừa qua, lên 668 CNY (94,12 USD)/tấn; tính chung cả tuần tăng 5,5%, nhiều nhất kể từ ngày 6/3.
Trung Quốc đã sản xuất 85,03 triệu tấn thép thô trong tháng 4/2020, tương đương trung bình 2,83 triệu tấn/ngày, cao nhất kể từ tháng 6/2019. Sản xuất của các công ty thép Trung Quốc đã tăng nhanh trở lại kể từ cuối tháng 3 để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mạnh lên. Tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất tại 163 nhà máy đã tăng lên 85,59% vào ngày 15/5/2020, cao nhất kể từ 21/6/2019.
Giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 0,2% lên 3.464 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 0,6% lên 3.365 CNY/tấn. Đó là kết quả của việc nhu cầu đầu tư trong ngành xây dựng tăng mạnh, mặc dù sản xuất ô tô dự báo sẽ yếu trong cả năm 2020 và 2021.
Tuy nhiên, do nhiều dự án sẽ bị chậm hoàn thành do giai đoạn cách ly chống Covid-19, Fitch Solutions đã điều chỉnh giảm dự báo tiêu thụ thép của Trung Quốc năm 2020 từ 5% xuống còn 2%.
Than biến động trái chiều
Giá than cốc trên sàn Đại Liên phiên vừa qua tăng 1,5% lên 1.777 CNY/tấn, trong khi than luyện cốc giảm 0,2% xuống 1.125 CNY/tấn.
Sản lượng than của Trung Quốc tháng 4/2020 tăng 6% so với cùng tháng năm ngoái, đưa sản lượng than trong 4 tháng đầu năm tăng 1,3%, đạt 1,15 triệu tấn. Tuy nhiên trong đó, sản lượng than cốc – dùng trong sản xuất thép – giảm 1,3% trong tháng 4 vừa qua, xuống 38,55 triệu tấn, đưa tổng sản lượng 4 tháng đầu năm giảm 2,9% xuống 148,35 triệu tấn.
Khí gas tăng tuần thứ 2 liên tiếp
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tới thị trường Đông Bắc Á tuần này đạt 2,4 USD/mmBtu (đơn vị nhiệt lượng Anh), tăng 40 US cent so với tuần trước. Nguyên nhân do nguồn cung bị thắt chặt (Mỹ hủy 2 chuyến hàng) và một số khu vực gặp vấn đề trong sản xuất khí.
Malaysia và Australia hạn chế sản xuất đã góp phần làm giảm nguồn cung. Việc giao hàng từ ít nhất 1 nhà máy LNG của Australia bị chậm do vấn đề kỹ thuật. Trong khi đó, nhu cầu trên toàn cầu dần hồi phục khi chính sách nới lỏng giãn cách xã hội dần được dỡ bỏ và các doanh nghiệp trở lại hoạt động, đẩy giá khí tăng lên.
Lúa mì giảm tuần đầu tiên trong 1 tháng, ngô và đậu tương tăng
Giá lúa mì Mỹ giảm trong phiên vừa qua và tính chung cả tuần giảm lần đầu tiên trong vòng 1 tháng do lượng tồn trữ trên toàn cầu tăng và tiến triển vụ mùa ở Châu Âu được cải thiện trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu về sự cạnh tranh mạnh lên trong hoạt động xuất khẩu.
Trên sàn Chicago, lúa mì kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 2 US cent xuống 5-1/4 USD/bushel, tính chung cả tuần giá giảm 21-3/4 US cent (khoảng 4,2%).
Đậu tương và ngô tăng nhẹ trong phiên cuối tuần, theo đó đậu tương kỳ hạn tháng 7 tăng 1-1/2 US cent lên 8,38-1/2 USD/bushel, tuy nhiên tính chung cả tuần giảm 12 US cent, tương đương 1,4%; ngô tăng 1-3/4 US cent trong phiên này, lên 3,19-1/4 USD/bushel, tính chung cả tuần không có sự thay đổi.
Đường biến động mạnh
Giá đường thô tăng mạnh lên gần 10,7 US cent/lb vào đầu phiên (tăng gần 3%), nhưng đảo chiều giảm gần 40 điểm vào cuối phiên mặc dù giá dầu đi lên.
Kết thúc phiên giao dịch, đường thô kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 0,08 US cent (0,8%) xuống 10,38 US cent/lb. Đường trắng kỳ hạn tháng 8/2020 tăng 4 USD (1,1%) lên 359,2 USD/tấn.
Giá đường đang chịu tác động từ nhiều yếu tố. Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất 1,5 tháng do nhu cầu hồi phục. Tuy nhiên, các thị trường tài chính trên toàn cầu có xu hướng giảm do số liệu bán lẻ của Mỹ xấu hơn dự kiến và căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang. Đồng real Brazil biến động tiếp tục tác động lên giá đường thô. Trong khi đó, Ukraine đã giảm diện tích trồng củ cải đường do thời tiết xấu, với diện tích năm 2020 giảm 5% xuống 209.000 ha.
Cà phê tăng
Vụ thu hoạch ở Nam Mỹ bị chậm lại đẩy giá cà phê arabica tăng lên, mặc dù đồng real Brazil gần đây yếu đi và triển vọng sản lượng của Brazil sẽ tăng trong khi nhu cầu thấp.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá arabica kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 0,15 US cent lên 1,0685 USD/lb; robusta giao cùng kỳ hạn tăng 10 USD (0,9%) lên 1.178 USD/tấn.
Cao su tăng do đồng yen yếu
Giá cao su kỳ hạn trên sàn Tokyo tăng trong phiên cuối tuần do đồng yen giảm so với USD, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn đứng ngoài thị trường trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng.
Cao su kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn Tokyo tăng 1,9 JPY lên 153 JPY (1,43 USD)/kg; tính chung cả tuần giá tăng 0,2%, là tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Đồng USD ở mức khoảng 107,06 JPY, so với 106,81 JPY ở phiên liền trước.
Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9 cũng tăng 135 CNY lên 10.295 CNY (1.450 USD)/tấn.
Malaysia ký hợp đồng nhập khẩu gạo kỷ lục với Ấn Độ
Malaysia đã ký hợp đồng nhập khẩu kỷ lục cao, 100.000 tấn, với Ấn Độ, kỳ hạn giao trong tháng 5 và 6/2020.
Khối lượng này cao gần gấp đôi so với mức trung bình Malaysia nhập khẩu của Ấn Độ của 5 năm qua, do một số nhà cung cấp của Malaysia tạm dừng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19.
Sản lượng trái vải Trung Quốc dự báo tăng
Sản lượng trái vải của Trung Quốc năm 2020 dự báo tăng 11,3% so với năm 2019 do diện tích trồng tăng, đạt khoảng 2,55 triệu tấn. Con số này xấp xỉ sản lượng năm 2018. Do yếu tố thời tiết, vụ thu hoạch vải năm nay sớm hơn mọi năm khoảng 2 tuần, bắt đầu vào vụ, dự kiến sẽ kéo dài tới đầu tháng 7/2020. Trong đó, nguồn cung ra thị trường trong tháng 4,5 và 7 ước tính thấp hơn cùng kỳ năm trước, riêng tháng 6 sẽ tăng cao hơn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 16/5
Theo Trí thức trẻ
Minh Quân
Theo Trí thức trẻ