Với nhu cầu ngày càng tăng của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu, nhiều quốc gia phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trữ lượng tài nguyên khoáng sản. Để ứng phó với tình trạng này, nhiều quốc gia đã chuyển hướng tập trung sang lục địa châu Phi. Nhưng đó đã là chuyện của quá khứ.
Trong khoảng một năm trở lại đây, Ả Rập Xê Út đã có những bước tiến lớn, vượt ra ngoài lĩnh vực dầu mỏ truyền thống của mình, đầu tư mạnh vào việc thăm dò, phát triển các nguồn tài nguyên khoáng sản rộng lớn trong nước.
Nỗ lực này thể hiện qua 2 cách tiếp cận. Một mặt, họ muốn phát triển nguồn tài nguyên khoáng sản của riêng mình trong dài hạn. Mặt khác, họ hy vọng sẽ đạt được quan hệ đối tác với một số quốc gia như Mỹ, các quốc gia châu Phi và Ấn Độ để trở thành trung tâm khoáng sản toàn cầu.
Mục tiêu chung của quốc gia thuộc BRICS là dần thoát khỏi nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ, tận dụng nhu cầu đang tăng của toàn cầu đối với các khoáng sản như lithium, coban và niken. Những khoáng sản này cực kỳ quan trọng đối với các nền kinh tế vốn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch muốn chuyển đổi sang các hệ thống trung hòa carbon bền vững hơn.
Các báo cáo chỉ ra khai khoáng hiện đóng vai trò trung tâm trong chiến lược của Riyadh nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, tập vào việc khai thác các loại khoáng sản mà quốc gia của họ có trữ lượng lớn như phospate, vàng, đồng hay bô-xít. Ả Rập Xê Út cũng nắm giữ một lượng lớn các khoáng sản cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng như nhôm, đồng và các nguyên tố đất hiếm.
Ả Rập Xê Út hiện là quốc gia có trữ lượng dầu thô được phát hiện lớn thứ 2 thế giới với 267 tỷ thùng, chỉ xếp sau Venezuela (khoảng 296 tỷ thùng).
Theo trang Arab News, báo cáo do công ty tư vấn MineHutte có trụ sở tại Anh công bố năm 2023 chỉ ra, ngành khai khoáng của Ả Rập Xê Út có thể trở thành môi trường đầu tư thân thiện, phát triển nhanh nhất thế giới trong 5 năm tới. Báo cáo cho biết thêm, khi Luật đầu tư khai khoáng được thông qua vào năm 2021, số lượng giấy phép khai thác được cấp đã tăng 138%.
Vương quốc này quyết tâm thực hiện sáng kiến "Tầm nhìn 2030", nhằm đa dạng hóa nền kinh tế khỏi tình trạng phụ thuộc quá mức vào dầu mỏ.
Ả Rập Xê Út gần đây đã điều chỉnh ước tính về trữ lượng tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trong nước, nâng giá trị từ mức 1,3 nghìn tỷ USD (Mỹ dự báo cách đây 8 năm) lên 2,5 nghìn tỷ USD.
Theo Reuters, Bộ trưởng khai khoáng Ả Rập Xê út, Bandar Al-Khorayef, tuyên bố tiềm năng dự trữ của vương quốc đã tăng gần 90%. Mức tăng 1,2 nghìn tỷ USD này là do phát hiện ra trữ lượng lớn hơn, đồng thời có thêm các khoáng sản mới như đất hiếm.
Nhiều khoản đầu tư đã lập tức đổ vào Ả Rập Xê Út. Vào cuối tháng 11, Vương quốc này công bố 9 thỏa thuận đầu tư trong lĩnh vực kim loại và khai khoáng, trị giá hơn 9 tỷ USD. Các thỏa thuận liên quan đến các công ty như Vedanta của Ấn Độ, Zijin Group của Trung Quốc đã được công bố tại Hội nghị đầu tư thế giới diễn ra ở Riyadh.
Hiện tại, Ả Rập Xê út nhập khẩu khoảng 365.000 tấn đồng mỗi năm để đáp ứng nhu cầu trong nước. Lượng nhập khẩu này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035. Vendanta, đế chế kim loại do tỷ phú Ấn Độ Anil Agarwal đứng đầu, đã công bố kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD vào Ả Rập Xê Út để thành lập các cơ sở chế biến đồng.
Cơ sở này sẽ gồm một nhà máy luyện kim và lọc dầu với công suất hàng năm là 400.000 tấn, cùng 1 nhà máy có khả năng sản xuất 300.000 tấn thanh đồng, là nguyên liệu thiết yếu cho cáp điện..
Trữ lượng khoáng sản của Ả Rập Xê Út có thể trị giá lên đến 2,5 nghìn tỷ USD.
Ả Rập Xê Út cũng đang đầu tư mạnh vào thăm dò và khảo sát địa chất, sử dụng các công nghệ tiên tiến để phát hiện các mỏ khoáng sản mới. Chính phủ mới đây đã công bố đấu giá 6 giấy phép khai khoáng gồm các mỏ chì, kẽm, đồng và sắt.
Vài năm trước, Vương quốc này cũng thành lập Manara Minerals, một quỹ đầu tư với mục nhắm vào các đế chế khai khoáng toàn cầu. Năm 2023, quỹ này thực hiện khoản đầu tư lớn đầu tiên ra nước ngoài, mua lại 10% cổ phần của Vale Base Metals, một công ty về đồng và niken trị giá 16 tỷ USD của Vale S.A.
Bằng cách tập trung vào khai thác trữ lượng khoáng sản trị giá 2,5 nghìn tỷ USD trong nước và xây dựng quan hệ đối tác nước ngoài mạnh mẽ, Ả Rập Xê Út đang muốn định vị mình là nhà cung cấp chính cho các khoáng sản quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.