Chuyên mục  


LNG (Liquefied Natural Gas) là khí thiên nhiên được hóa lỏng khi làm lạnh sâu đến âm 162 độ C sau khi đã loại bỏ các tạp chất. Do chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí thiên nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn, LNG là sản phẩm khí thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển từ nơi sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Phương tiện vận chuyển chủ yếu hiện nay là các tàu LNG với tải trọng từ 170,000 m3 đến 260,000 m3.

Sau khi được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, LNG được chuyển trở lại trạng thái khí khi đi qua thiết bị tái hóa khí sau đó được bơm vào đường ống vận chuyển đến các hộ tiêu thụ.

LNG được sử dụng tương tự như khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện, hộ công nghiệp, khu đô thị. Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới LNG còn được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải: tàu biển, tàu hỏa và xe vận tải nặng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kế hoạch định hình – kỷ nguyên mới được mở ra?

Một vườn cây ăn quả nhỏ trên bờ sông Elbe ở miền bắc nước Đức, cỏ mọc um tùm và có đàn mòng biển bay quanh là nơi nắm giữ chìa khóa cho tương lai không phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Vườn cây này sẽ sớm được dọn dẹp để nhường chỗ cho một nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng trị giá 1 tỷ euro, một trong ba nhà máy nằm trong kế hoạch giúp Đức cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Jörg Schmitz, giám đốc dự án LNG cấp cao tại tập đoàn hóa chất Dow Germany, cho biết: "Vị trí này thật hoàn hảo với diện tích rộng rãi của sông Elbe, với Biển Bắc ở phía tây và cảng Hamburg lớn nhất của Đức ở phía Đông".

Cơ sở hạ tầng khí đốt của Đức

Nếu tầm nhìn của Schmitz được hiện thực hóa, Stade sẽ trở thành trung tâm thương mại toàn cầu của LNG, loại khí đã được làm siêu lạnh đến âm 160 độ C để có thể vận chuyển khắp thế giới trên các tàu chở dầu. "Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, chúng tôi sẽ có khoảng 100 chuyến đổ bộ mỗi năm ở đây, lên tới cỡ Q-Max, tàu vận tải LNG lớn nhất thế giới với mỗi tàu dài hơn ba sân bóng đá.

Stade đi đầu trong cuộc cách mạng về năng lượng của Đức. Chỉ vài ngày sau khi quân đội Nga tràn vào Ukraine, Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố kế hoạch giảm triệt để sự phụ thuộc của Đức vào năng lượng của Nga như một sự trừng phạt tới quốc gia này. LNG sẽ rất quan trọng đối với kế hoạch giảm nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga từ 55% xuống còn 10% vào mùa hè năm 2024.

Thách thức không nhỏ

Nhưng việc chuyển đổi sẽ là một thách thức. Bước tiến mới về khí đốt của Đức có thể mâu thuẫn với cam kết đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2045. Nước này cũng có thể gặp khó khăn trong việc cung cấp tất cả LNG mà họ cần.

Frank Harris, chuyên gia về nhiên liệu tại công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cho biết: "Câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu họ có thể tìm thấy đủ lượng LNG mà họ cần hay không. Nguồn cung mới sẽ tương đối ít trong vòng hai hoặc ba năm tới."

Sự thay đổi trong chính sách đang được thực hiện với tốc độ "không bình thường" đối với Đức. Trong vài tuần sau bài phát biểu của ông Scholz vào cuối tháng 2, Chính phủ đã gấp rút thuê 4 tàu chuyên dụng (được gọi là các đơn vị lưu trữ nổi và tái cấp hóa, hay còn gọi là FSRU) - tàu chở dầu có bộ trao đổi nhiệt sử dụng nước biển để biến LNG trở lại thành khí.

FSRU đầu tiên được đưa vào hoạt động tại Wilhelmshaven trên Biển Bắc trong năm nay. Chúng sẽ hoạt động như một điểm dừng cho đến khi các bến cố định đi vào hoạt động. Cho đến nay ba địa điểm tiềm năng đã được xác định dựa trên những điều đó - bao gồm ở Stade, Brunsbüttel gần đó, cũng trên sông Elbe và Wilhelmshaven.

Dow đã làm việc để xây dựng một nhà ga trong khu vực này trong 5 năm qua. Schmitz cho biết: "Ý tưởng của chúng tôi là sẽ đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt của mình và không cho phép bản thân trở nên quá phụ thuộc vào một nguồn cung cấp".

Việc thuê bốn FSRU nhanh chóng là một cuộc cách mạng đối với Đức - hiện chỉ có rất ít tàu phù hợp. Nhưng việc tìm kiếm các con tàu mới chỉ là một nửa của vấn đề. Andreas Gemballa, Giám đốc LNG tại Uniper, Công ty năng lượng của Đức, cho biết: "Thách thức lớn là lấp đầy công suất của những chiếc tàu này bằng LNG và điều đó sẽ rất khó khăn vì nguồn lực trên thị trường quá khan hiếm".

Nguồn cung khí đốt của EU chủ yếu từ Nga

Trớ trêu thay, nguồn cung cấp mới lớn nhất dự kiến ​​trong hai ba năm tới là từ Nga - dự án LNG-2 Bắc Cực trên bán đảo Gydan ở phía bắc Siberia. Tuy nhiên, điều đó có vẻ "rất khó khăn". Ông Harris nói thêm phần lớn là do các lệnh trừng phạt đã hạn chế Nga tiếp cận nguồn tài chính và công nghệ, trong khi một số người mua phương Tây có thể không mua khí đốt từ dự án này.

Qatar có thể là một nguồn cung cấp LNG lớn cho Đức, và sản lượng nhiên liệu của nước này sẽ tăng 60% vào giữa thập kỷ này. Nhưng 90-95% sản lượng hiện tại đã được bán theo hợp đồng dài hạn.

Điều đó phản ánh một vấn đề khác đối với Berlin - các hợp đồng LNG thường dài hạn. Tuy nhiên, chính phủ đã cam kết làm cho nước Đức trở nên trung hòa với carbon vào năm 2045, bởi vậy chính phủ có thể miễn cưỡng cam kết nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch trong 20 năm hoặc lâu hơn nữa.

"Thật trớ trêu thay là Đức vừa muốn có tất cả LNG, nhưng cũng muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi nguồn nhiên liệu hóa thạch bao gồm cả khí đốt, điều này khá phức tạp".

Bên cạnh đó rất nhiều nguồn LNG mà Berlin đang để mắt tới được định giá theo giá dầu hoặc là đến từ Mỹ, nhưng điểm chuẩn khí đốt của Mỹ đôi khi lại cao hơn của Hà Lan, vốn được coi là mốc đánh dấu của châu Âu. Điều đó sẽ khiến người mua gặp phải tổn thất về tài chính. Ông Gemballa cho rằng các hợp đồng như vậy không phù hợp với cách mà họ định giá khí đốt ở châu Âu.

Vì lý do đó, các nhà sản xuất LNG lớn như Qatar có thể muốn đạt được các thỏa thuận với các quốc gia châu Á. Các nước châu Á ít e ngại hơn về việc ký hợp đồng 20 năm và thoải mái hơn với giá dầu được tính theo chỉ số, ông Harris cho biết thêm.

Sản lượng nhập khẩu LNG từ các quốc gia ngoài EU

Ông Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Xanh của Đức đã tới UAE và Qatar để thảo luận về vấn đề hợp tác năng lượng và giám sát việc khởi công xây dựng của nhà ga LNG đầu tiên ở Wilhelmshaven vào đầu tháng Năm, điều này đã mở ra một cơ hội mới trong việc khai thác LNG.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về nguy cơ nước Đức sẽ gặp khó khăn với cơ sở hạ tầng đắt đỏ có thể khiến nước này phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

"Chúng tôi muốn xây dựng nguồn "năng lượng tái tạo gấp ba hoặc bốn lần kWh" như các nguồn khí đốt tự nhiên hiện đang được phát triển để làm dịu cơn khát nhiên liệu ngắn hạn của Đức".

Timm Kehler, Giám đốc điều hành của cơ quan thương mại Zukunft Gas, không coi làn sóng xây dựng cơ sở hạ tầng khí đốt sắp xảy ra là một vấn đề. Các thiết bị đầu cuối mới sẽ được thiết kế để xử lý "hydro xanh", một loại nhiên liệu ít hoặc không carbon. Đây sẽ là cầu nối cho một tương lai không nhập khẩu khí đốt ở dạng LNG mà là hydro ở dạng amoniac.

Đối với Schmitz của Dow, sự nhiệt tình đột ngột của Berlin đối với LNG là một minh chứng. Ông nói: "Kế hoạch cho một nhà ga luôn có ý nghĩa thương mại. Nhưng bây giờ nó cũng có ý nghĩa trong vấn đề địa chính trị".

Theo FT

https://cafef.vn/buoc-chuyen-minh-trong-nganh-lng-con-khat-nhien-lieu-cua-the-gioi-se-duoc-giai-toa-nho-quoc-gia-nay-20220607092231406.chn

Huyền Như

Theo Nhịp sống kinh tế

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020