Chuyên mục  


Dầu giảm

Giá dầu quay đầu giảm sau một báo cáo rằng một số nhà sản xuất đang thăm dò ý tưởng về việc loại bỏ Nga khỏi thành viên thỏa thuận sản lượng OPEC+.

Trong khi đó không có động lực chính thức nào để OPEC bơm thêm dầu nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt của Nga, một số thành viên vùng Vịnh bắt đầu lên kế hoạch cho việc tăng sản lượng trong vài tháng tới, theo tin từ Wall Street Journal.

Chốt phiên 31/5, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 2 USD hay 1,7% xuống 115,6 USD/thùng. Hợp đồng kỳ hạn tháng 7 hết hạn trong phiên này, tăng 1,17 USD hay 1% lên 122,84 USD/thùng. Dầu thô WTI đóng cửa giảm 40 US cent hay 0,4% so với đóng cửa ngày 27/5, xuống 114,67 USD/thùng. Trong phiên có lúc WTI đã chạm 119,98 USD/thùng, cao nhất kể từ 9/3.

Tổ chức OPEC+ đã cắt giảm sản lượng kỷ lục kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra trong năm 2020. Theo một thỏa thuận đạt được trong tháng 7/2021, tổ chức này thiết lập mục tiêu tăng sản lượng 432.000 thùng/ngày mỗi tháng cho tới hết tháng 9/2022. Tuy nhiên, sản lượng dầu thô của Nga trong tháng 4 giảm gần 9% so với tháng trước đó, theo một báo cáo nội bộ của OPEC+.

Mặc dù đảo chiều trong cuối phiên nhưng cả hai loại dầu đều tăng trong tháng 5, đánh dấu tháng tăng thứ 6 liên tiếp. Giá dầu đã tăng hơn 70% trong giai đoạn này.

Giá dầu được hỗ trợ chủ yếu trong phiên này sau khi EU đồng ý cấm vận một phần và theo từng giai đoạn đối với dầu của Nga, Trung Quốc quyết định dỡ bỏ những hạn chế Covid-19 và mùa hè đi lại nhiều của Mỹ bắt đầu.

Các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý về nguyên tắc cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga, biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất của khối sau hơn 3 tháng xung đột Nga – Ukraine.

Sau khi được thông qua hoàn toàn, các biện pháp trừng phạt dầu thô sẽ được thực hiện dần trong 6 tháng và sản phẩm tinh chế trong 8 tháng. Lệnh cấm này miễn trừ với đường ống dầu từ Nga là một nhượng bộ cho Hungary.

Sản lượng dầu thô của Mỹ tăng hơn 3% trong tháng 3 lên 11,7 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 11/2021. Tuy nhiên, sản lượng phục hồi chậm do ảnh hưởng của đại dịch và vẫn thấp hơn nhiều mức cao kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày trong năm 2019.

Giá xăng bán lẻ của Mỹ cũng chạm mức trung bình kỷ lục 4,622 USD/gallon, khi ngày nghỉ lễ cuối tuần đánh dấu chính thức bắt đầu vào mùa hè đi lại nhiều.

Khí tự nhiên của Mỹ giảm 7%

Giá khí tự nhiên của Mỹ giảm 7% xuống mức thấp nhất một tuần do dự báo nhu cầu ít hơn trong hai tuần tới so với dự báo trước đó.

Khí tự nhiên giao tháng 7 giảm 58,2 US cent hay 6,7% đóng cửa tại 8,145 USD/mmBtu, đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 20/5. Khí đốt của Mỹ tăng khoảng 119% từ đầu năm tới nay.

Khí đốt ở Châu Âu giao dịch quanh 27 USD/mmBtu, ở Châu Á là 24 USD/mmBtu.

Vàng giảm tháng thứ hai liên tiếp

Giá vàng giảm gần 1% và có tháng thứ hai giảm liên tiếp, bởi USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.

Vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.842,5 USD/ounce, giá đã giảm gần 1% trong phiên này xuống 1.837,99 USD/ounce. Tính chung cả tháng giảm 2,9%, giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2021. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 0,5% xuống 1.848,4 USD/ounce.

Chỉ số USD ổn định và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng, làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

Thành viên hội đồng thống đốc Cục dự trữ liên bang Mỹ Christopher Waller ngày 30/5 đã ủng hộ ngân hàng trung ương tăng lãi suất tại mỗi cuộc họp cho đến khi lạm phát được kiềm chế, đẩy lùi dự đoán việc tạm dừng tăng lãi suất sau tháng 6 và tháng 7.

Đồng giảm

Giá đồng giảm từ mức cao nhất trong hơn ba tuần, bởi USD mạnh và lo lắng về khả năng suy thoái gây bởi việc tăng lãi suất để chống lại lạm phát.

Đồng gần đây bị kẹt giữa lúc tăng và giảm, giá trước đó tăng do nhà đầu tư hy vọng việc dỡ bỏ những hạn chế phong tỏa sẽ thúc đẩy nhu cầu.

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 0,8% xuống 9.468,5 USD/tấn, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 5/5 tại 9.591,5 USD/tấn.

Đồng Comex của Mỹ giảm 0,1% xuống 4,3 USD/lb.

Ole Hansen, người phụ trách bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo cho biết những tin tức từ Trung Quốc vừa đủ để tạo ra sự tập trung lại trên thị trường hướng tới khả năng nhu cầu phục hồi.

Giá dầu tăng cũng dấy lên lo ngại lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng tốc, điều đó khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác duy trì việc tăng lãi suất.

Giá đồng giảm khoảng 18% trong hai tháng sau khi chạm mức cao kỷ lục 10.845 USD/tấn hồi đầu tháng 3 do lo sợ suy thoái ở Trung Quốc và lạm phát làm gián đoạn các nền kinh tế khác.

Đồng LME đã giảm 3,1% trong tháng 5, giảm tháng thứ hai liên tiếp. Nhưng dự trữ kim loại thấp là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh tiềm ẩn trong thị trường này.

Sản lượng đồng tại Chile, nhà sản xuất kim loại này lớn nhất thế giới, trong tháng 4 giảm 9,8% so với cùng tháng năm trước xuống 421.742 tấn.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm ở tốc độ chậm hơn trong tháng 5 do những hạn chế đối với một số nhà máy được dỡ bỏ.

Quặng sắt tăng

Giá quặng sắt Trung Quốc chạm 900 CNY (135 USD)/tấn lần đầu tiên trong gần 6 tuần và ghi nhận một tháng tăng, do hy vọng nhu cầu phục hồi sau khi Thượng Hải mở cửa trở lại từ phong tỏa.

Thượng Hải sẽ chuyển sang một giai đoạn kiểm soát dịch bệnh bình thường từ ngày 1/6, cho phép các cửa hàng mở cửa lại và người dân ở khu vực nguy cơ thấp trở lại làm việc.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 5 giảm chậm lại so với tháng trước đó mặc dù tăng trưởng kinh tế trong quý 2 vẫn bị nghi ngờ.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng khoảng 3,8% lên 908 CNY/tấn vào buổi sáng, nhưng kết thúc phiên chỉ tăng 2,1% lên 893 CNY/tấn và tăng 2,6% trong tháng 5.

Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe xuất sang Trung Quốc trong ngày 30/5 không đổi so với phiên trước đó tại 136,5 USD/tấn.

Giá thép tại Thượng Hải trái chiều, với thép thanh giao tháng 10 tăng 1,5% lên 4.684 CNY/tấn và thép cuộn cán nóng tăng 1,3% lên 4.789 CNY/tấn.

Hợp đồng thép không gỉ kỳ hạn tháng 7 giảm 1,2% xuống 18.290 CNY/tấn.

Cao su Nhật Bản tăng

Giá cao su Nhật Bản tăng do đồng JPY đi xuống khiến các tài sản định giá bằng đồng này giá phải chăng so với các đồng tiền khác, trong khi giá dầu mạnh khuyến khích chuyển từ cao su nhân tạo sang cao su tự nhiên.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 1,8 JPY hay 0,7% lên 250 JPY (1,96 USD)/kg.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Nhật Bản tăng trong tháng 5, tăng tháng thứ hai liên tiếp, do các hộ gia đình tận hưởng kỳ nghỉ xuân không bị hạn chế lần đầu tiên kể từ trước đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, đà tăng giá cao su bị hạn chế bởi lượng nguyên liệu thô đang cải thiện tại Thái Lan do mưa và ngập lụt ít đi.

Giá cao su tại sàn giao dịch Thượng Hải kỳ hạn tháng 9 giảm 10 CNY xuống 13.230 CNY (1.986,19 USD)/tấn.

Đường giảm

Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 trên sàn giao dịch ICE đóng cửa giảm 2,4 USD hay 0,4% xuống 572,3 USD/tấn.

Các đại lý cho biết lo ngại về tình trạng nguồn cung khan hiếm trong ngắn hạn đã tăng mức cộng của hợp đồng kỳ hạn tháng 8 so với kỳ hạn tháng 10 lên hơn 23 USD/tấn, tăng từ khoảng 17,6 USD khi đóng cửa phiên đầu tuần.

Triển vọng mùa vụ của Ấn Độ thuận lợi trong niên vụ 2022/23 đã gây sức ép lên giá trong tương lai.

Ấn Độ dường như có mùa mưa bình thường trong năm 2022, năm thứ 4 liên tiếp có những trận mưa mùa hè bình thường hoặc cao hơn bình thường.

Đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,21 US cent hay 1,1% xuống 19,4 USD/lb.

Cà phê tăng

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 1,8 US cent hay 0,8% lên 2,3125 USD/lb.

Thị trường được hỗ trợ một phần bởi đồng nội tệ của Brazil mạnh lên.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 tăng 1 USD lên 2.106 USD/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 01/6

https://cafef.vn/thi-truong-ngay-01-6-gia-dau-tang-thang-thu-6-vang-giam-thang-thu-hai-lien-tiep-20220601062652921.chn

Minh Quân

Theo Nhịp sống kinh tế

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020