Phân tích từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) được công bố hôm nay cho thấy hai hộp đen của máy bay Jeju Air gặp nạn, gồm thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay và thiết bị ghi âm buồng lái, đã ngừng hoạt động khoảng 4 phút trước khi máy bay đâm vào bức tường bê tông cuối đường băng sân bay quốc tế Muan hôm 29/12/2024.
Ủy ban Điều tra Tai nạn Hàng không và Đường sắt Hàn Quốc (ARAIB), cơ quan chịu trách nhiệm điều tra nguyên nhân thảm kịch, cho biết hai hộp đen không ghi được bất kỳ dữ liệu nào kể từ khi cơ trưởng phát tín hiệu khẩn cấp đến lúc máy bay vỡ vụn do va chạm. Cơ quan này chưa công bố giả thuyết lý giải, nhưng cam kết sẽ làm rõ nguyên nhân dẫn tới sự việc.
Thiết bị ghi âm buồng lái của máy bay Jeju Air được khám nghiệm hôm 1/1. Ảnh: Yonhap
Bản ghi âm liên lạc được giới chức Hàn Quốc công bố tuần trước cho thấy đài không lưu Muan cảnh báo nguy cơ đâm phải chim lúc 8h57, sau khi phi cơ Jeju Air được phép vào hạ cánh. Phi công phát tín hiệu khẩn cấp lúc 8h59 và hủy hạ cánh, quay đầu để đáp bằng bụng ở phía đối diện rồi đâm vào tường bê tông lúc 9h03.
Một số chuyên gia hàng không ở Hàn Quốc nhận định cả hai động cơ máy bay đã bị hỏng sau khi đâm phải chim, khiến hệ thống điện bị ngắt hoàn toàn và dẫn tới gián đoạn quá trình ghi dữ liệu của hai hộp đen.
"Hộp đen máy bay thường chỉ ngừng hoạt động nếu nguồn điện bị ngắt. Cả hai hộp đen đồng loạt tê liệt cho thấy khả năng đây là sự cố hệ thống điện. Tổ lái dường như không kịp kích hoạt những hệ thống phát điện dự phòng để duy trì hoạt động cho các thiết bị trên phi cơ", Jeong Yun-sik, giáo sư ngành quản lý hàng không tại Đại học Công giáo Kwandong, nhận định.
Thiết bị ghi âm buồng lái của máy bay Jeju Air gặp nạn được tìm thấy trong tình trạng nguyên vẹn, trong khi bộ ghi dữ liệu chuyến bay bị hư hại nhưng vẫn có thể trích xuất dữ liệu. Điều này loại bỏ khả năng hai hộp đen bị mất dữ liệu khi xảy ra tai nạn.
Phi cơ của Jeju Air cháy rụi sau tai nạn ở Muan, Hàn Quốc ngày 29/12. Ảnh: Yonhap
Kim Gwang-il, giáo sư ngành hàng không tại Đại học Silla, chỉ ra rằng thiết bị phát sóng giám sát tự động (ADS-B) của chiếc Boeing 737-800 gặp nạn cũng ngừng truyền dữ liệu lúc 8h58, càng củng cố giả thuyết hệ thống điện bị ngắt hoàn toàn.
"Cả hai động cơ có khả năng đã ngừng hoạt động hoàn toàn, kéo theo hệ thống cấp điện. Chuỗi diễn biến này làm hai hộp đen và bộ thu phát ADS-B bị ngắt gần như cùng lúc. Đây có vẻ là vấn đề kỹ thuật hơn là lỗi con người", ông Kim nói.
Theo chuyên gia Jeong, các điều tra viên sẽ cần thêm thời gian để xác định nguyên nhân tai nạn, vì phải đối chiếu dữ liệu từ nhiều nguồn. Những cuộc điều tra tai nạn hàng không tại Hàn Quốc trong quá khứ có thể kéo dài từ 11 tháng đến vài năm.
"Quá trình điều tra sẽ không chỉ dựa trên dữ liệu từ hộp đen, mà còn phải phân tích nhiều nguồn khác như bản ghi âm liên lạc ở đài kiểm soát không lưu, hình ảnh sự việc và các mảnh vỡ. Chúng tôi sẽ làm rõ thảm kịch bắt nguồn do máy bay mất lực đẩy động cơ hay lỗi hệ thống cáp truyền dữ liệu", một quan chức ARAIB nói.
Đường hạ cánh của máy bay Jeju Air trước thảm họa. Đồ họa: Yonhap
Mỗi hộp đen có khối lượng khoảng 4,5 kg và gồm 4 phần chính: Khung bên ngoài bao bọc thiết bị, bộ phát tín hiệu định vị dưới nước, phần lõi làm bằng thép không gỉ hoặc titan có khả năng chịu va đập cao, phía trong chứa những chip nhớ gắn trên các bảng mạch có kích cỡ bằng ngón tay để lưu dữ liệu.
Các hộp đen chịu được gia tốc quá tải gấp 3.400 lần khối lượng của chúng, nghĩa là có thể gần như "sống sót" trong mọi trường hợp máy bay bị phá hủy.
Dung lượng lưu trữ dữ liệu của hộp đen tùy thuộc vào từng mẫu thiết bị. Máy bay Boeing 737-800 được trang bị bộ ghi âm buồng lái có khả năng lưu trữ âm thanh kỹ thuật số trong vòng 120 phút trước khi bị ngắt điện, còn thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay có thể chứa lượng thông tin kéo dài hàng chục giờ.
Thanh Danh (Theo Yonhap, AP)