Chưa từng đụng nhau ở chung kết Cup C1 châu Âu từ khi giải đấu được đổi tên thành Champions League, nhưng Real và Bayern luôn đứng đầu châu Âu về sức mạnh tài chính. Trong thế kỷ 21 nhiều biến động, hai gã khổng lồ của bóng đá châu Âu này không chỉ xoay sở để thoát khỏi những tình huống ngặt nghèo. Họ còn đồng thời liên tục tăng cường lực lượng và luôn là ứng viên hàng đầu tại giải quốc nội cũng như Champions League.
Benzema đi bóng trước sự truy cản của cầu thủ Bayern trong trận bán kết Champions League năm 2018. Ảnh: fcbayern.com
Florentino Perez lần đầu thắng cử Chủ tịch Real bằng lời hứa tuyển mộ Luis Figo - đội trưởng của đại kình địch Barca - năm 2000. Ông sau đó có thêm năm lần chiến thắng trong các kỳ bầu cử năm 2004, 2009, 2013, 2017 và 2021. Trong hơn 22 năm qua, trừ 1.190 ngày (ba năm, ba tháng và ba ngày) tính từ 27/2/2006 đến 1/6/2009, Perez luôn ngồi ở ghế lãnh đạo tối cao Real.
Sự góp mặt của doanh nhân 75 tuổi được xem là bước ngoặt, giúp Real trở thành một trong những CLB ổn định và thành công bậc nhất thế giới từ đầu thế kỷ 21, với 32 danh hiệu, trong đó có tám La Liga và sáu Champions League. Bên cạnh các chức vô địch, kỷ nguyên Perez quản trị Real còn in đậm dấu ấn với kế hoạch xây dựng "Dải ngân hà", bằng cách tuyển mộ những ngôi sao với mức phí lớn như Zinedine Zidane, Ronaldo de Lima, David Beckham, Cristiano Ronaldo, Kaka, Karim Benzema, Xabi Alonso hay Gareth Bale. Những ngôi sao này mang lại nguồn thu khổng lồ qua qua các hoạt động tiếp thị, thương mại, vừa đảm bảo thành công trên sân cỏ cho Real.
Từ khoảng bốn năm qua, Real dần điều chỉnh chiến lược. Đội vẫn sẵn sàng vung tiền vào các tên tuổi lớn nhưng theo tần suất ít đi, như khi chi 110 triệu USD mua Eden Hazard hè 2019, hay đề nghị trả hơn 220 triệu USD để mua Kylian Mbappe hè năm ngoái. Nhưng bên cạnh đó, Real còn chú trọng đầu tư vào các sao trẻ tiềm năng như Rodrygo, Vinicius, Camavinga và gần nhất là Tchouameni. Họ đồng thời săn đón các ngôi sao miễn phí vì hết hợp đồng với CLB cũ như David Alaba và Antonio Rudiger. Cú ăn ba mùa vừa qua - gồm Siêu Cup Tây Ban Nha, La Liga, Champions League - là minh chứng cho thành công của sách lược này khi Real vẫn đảm bảo nền tảng tài chính ổn định, song song với chinh phục các danh hiệu.
Tại Đức, tài chính của Bayern vững mạnh đến mức có thể cho Dortmund vay hơn 2 triệu USD mà không cần thế chấp từ kho bạc xứ Bavaria vào năm 2003. Khi đó, Dortmund không có đủ tiền trả lương cho cầu thủ và đối mặt nguy cơ phá sản. Xa hơn, Bayern cũng từng giúp đỡ tài chính cho nhiều đối thủ, như 1860 Munich hay St Pauli. "Hùm Xám" quan niệm cách tốt nhất để đảm bảo tương lai của chính họ là "hà hơi tiếp sức" giúp các đối thủ cạnh tranh ở trong nước vững mạnh.
Dù vậy, Bayern là đội bóng nổi tiếng với cách chi tiêu "thắt lưng buộc bụng", khi hiếm chi bỏ ra khoản phí chuyển nhượng lớn để mua một cầu thủ. Đồng thời, họ còn kiểm soát quỹ lương bằng cách chia bảng lương thành bốn nhóm, với mức cao nhất là 23,5 triệu USD thuộc về tiền đạo Robert Lewandowski.
Trong khi đó, nhiều CLB lớn khác ở châu Âu nhiều phen biến động tài chính từ năm 2000. Đại kình địch của Real - Barca là CLB làm ăn thua lỗ nhất khi đang gánh khoản nợ lên tới 1,5 tỷ USD, hậu quả để lại từ thời cựu Chủ tịch Josep Bartomeu. Nợ lớn khiến họ phải chia tay đội trưởng Lionel Messi theo dạng miễn phí hè 2021, và chỉ có thể mang về những tân binh nếu đào thải bớt cầu thủ để giải phóng quỹ lương hè này.
Atletico cũng không thể tăng cường lực lượng bởi mức phương phình to, và đang tìm cách bán Saul Niguez và Alvaro Morata - bộ đôi lần lượt chơi cho Chelsea và Juventus theo dạng cho mượn mùa trước. Nhiều năm qua, Valencia cũng ưu tiên việc bán đi những ngôi sao để thu về khoản phí lớn, thay vì mua sắm rầm rộ để cải thiện thành tích.
Ba ông lớn Italy - gồm Juventus, Inter và Milan - cũng như đi trên dây. Juventus ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 247 triệu USD ở năm tài khóa 2020-2021, cao hơn 134% so với năm tài chính trước đó. "Lão bà" vì thế phải đẩy Cristiano Ronaldo sang Man Utd hè 2021, chia tay Paulo Dybala hè này để giảm tải quỹ lương, đồng thời chỉ đang nhắm Paul Pogba và Angel Di Maria theo dạng tự do.
Dưới quyền sở hữu của tập đoàn Trung Quốc Suning, Inter luôn trong tình trạng kinh tế bất ổn. Ngay sau khi vô địch Serie A mùa 2021-2022, họ đã bán bộ đôi trụ cột Romelu Lukaku đã Achraf Hakimi. HLV Antonio Conte không hài lòng với chính sách này, và đã thôi hợp đồng sớm một năm.
CLB cùng thành phố của Inter, Milan đang trở lại khi về nhì Serie A mùa 2020-2021 và đoạt Scudetto mùa trước. Đầu tháng Sáu, họ xác nhận nhà đầu tư Mỹ RedBird Capital Partners đã ký hợp đồng để mua đứt CLB với giá 1,3 tỷ USD từ quỹ đầu tư Elliott. Dù vậy, mọi quyết định của Milan đều được tính toán đến từng xu, nên cũng không dám mạnh tay trên sàn chuyển nhượng.
Tại Anh, Roman Abramovich không còn là chủ sở hữu của Chelsea sau loạt lệnh trừng phạt nhắm vào các nhà tài phiệt Nga. Tương lai của Chelsea dưới triều đại tỷ phú Todd Boehly vẫn đang là dấu hiệu, khi CLB đã chia tay giám đốc điều hành Marina Granovskaia, chủ tịch Bruce Buck, cố vấn kỹ thuật và hiệu suất Petr Cech, và chưa chiêu mộ tân binh nào.
Liverpool đang trong thời kỳ hoàng kim cả về kinh tế lẫn chuyên môn. Nhưng người hâm mộ chưa quên việc Liverpool trên bờ vực của sự sụp đổ với những khoản nợ khổng lồ từ năm 2008. Điều kỳ diệu đã đến vào năm 2010 khi Tập đoàn Fenway Sports Group của tỷ phú John W. Henry đã quyết định đầu tư hơn 360 triệu USD để mua lại Liverpool từ George Gillett và Tom Hicks.
Trong khi đó, nhiều CĐV Man Utd đã chỉ trích và nhiều lần biểu tình bên ngoài sân Old Trafford để phản đối nhà Glazers, vì thành tích sa sút. Arsenal thì không thể mạnh tay trên sàn chuyển nhượng vì khoản chi hơn 500 triệu USD để xây sân Emirates năm 2006, ở cuối triều đại Arsene Wenger. "Pháo thủ" vì thế không còn giữ được vị thế hàng đầu Ngoại hạng Anh, và vắng mặt tại Champions League năm mùa gần nhất.
Man City và PSG là hai CLB hiếm hoi có kinh tế bền vững, nhưng là nhờ túi tiền không đáy từ giới chủ giàu có UAE và Qatar. Chủ tịch La Liga Javier Tebas gọi Man City và PSG là những "CLB thuộc sở hữu nhà nước", và đã gửi đơn khiếu nại lên UEFA cho rằng hai CLB không tuân thủ Luật công bằng tài chính.
Tại Bồ Đào Nha, Benfica và Porto hốt bạc trên sàn chuyển nhượng nhờ công tác đào tạo trẻ và khâu tuyển trạch tốt. Theo Marca, hai CLB này thực tế có nhiều khoản nợ lớn, nhưng nhờ công tác chuyển nhượng, gồm việc bán những ngôi sao với mức phí lớn như Joao Felix, Darwin Nunez, Luis Diaz, Eder Militao, Ruben Dias hay Fabio Silva những mùa qua, giúp họ luôn vượt qua các buổi kiểm tra sức khỏe tài chính của UEFA.
Hồng Duy (theo Marca)