Chuyên mục  


Trong bài phát biểu gần hai giờ tại Đại học Sorbonne ở Paris ngày 25/4, Tổng thống Pháp Emmanuel cảnh báo châu Âu có thể "lụi tàn" nếu không trở nên tự lực hơn, xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc cho riêng mình, cũng như không thực hiện cải cách kinh tế và thương mại lớn để cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ.

Ông Macron cho rằng châu lục "quá chậm chạp và thiếu tham vọng" vào thời điểm Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 thành viên cần trở thành một siêu cường, bảo vệ vững chắc biên giới của chính mình và có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn.

Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy châu Âu không có đủ vũ khí để tự vệ nếu đối đầu với một cường quốc như Nga, theo Tổng thống Pháp. Ông tuyên bố Nga không được phép thắng trong cuộc xung đột, đồng thời nhấn mạnh quân đội mạnh, chương trình và lực lượng can thiệp nhanh, cùng các trang thiết bị quân sự tự sản xuất là những điều cần thiết với châu Âu.

"Những ý tưởng này nhìn chung không mới mẻ, song nó mang lại cảm giác cấp bách hơn so với phát biểu năm 2017 của ông Macron", Georgina Wright, người đứng đầu Chương trình châu Âu tại Viện Montaigne ở Pháp, nói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Đại học Sorbonne, Paris ngày 25/4. Ảnh: AP

Trong bài phát biểu đầu tiên ở Đại học Sorbonne năm 2017, ông Macron đã đề ra khái niệm về "chủ quyền châu Âu", sau khi Anh rời khỏi EU và ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

Châu Âu đã chứng kiến những thay đổi đáng kể từ sau lời kêu gọi đó của ông Macron. Đại dịch Covid-19 khiến Đức phá vỡ điều cấm kỵ lâu nay và ủng hộ phát hành nợ chung của châu Âu. Xung đột Nga - Ukraine thúc đẩy châu Âu tăng ngân sách quốc phòng, điều mà ông Macron từ lâu kêu gọi nhằm giảm phụ thuộc vào sức mạnh quân sự Mỹ.

Tổng thống Pháp năm 2019 thậm chí mô tả NATO đang bị "chết não" vì không thích nghi với thế giới đang thay đổi. Bình luận của ông Macron khi đó khiến một số đối tác phương Tây khó chịu và không phải tất cả người châu Âu tin rằng Tổng thống Pháp là người dẫn dắt liên minh đến một tương lai mới.

"Tầm nhìn của ông Macron đã đạt được sức hút vì lịch sử đang đi theo hướng đó. Khái niệm chủ quyền châu Âu ông đưa ra năm 2017 là ý tưởng có tầm nhìn xa, đi trước thời đại vài năm", Celia Belin, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nói.

Viễn cảnh ông Trump, người luôn hoài nghi chủ nghĩa đa phương, trở lại Nhà Trắng cũng khiến các cuộc thảo luận về tăng cường sức mạnh quốc phòng châu Âu chuyển từ "có nên thực hiện hay không" thành "nên làm như thế nào".

Bất chấp những bất đồng gần đây liên quan tới ý tưởng triển khai lực lượng châu Âu tới Ukraine, phản ứng đầu tiên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz với phát biểu của ông Macron khá tích cực.

"Pháp và Đức muốn châu Âu mạnh mẽ", ông Scholz viết trên X, nói rằng bài phát biểu của Tổng thống Pháp "chứa đựng những ý tưởng hay".

David Cadier, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Groningen, đồng tình rằng xung đột Ukraine và kịch bản ông Trump tái đắc cử đã cho thấy lời kêu gọi của ông Macron về tăng năng lực quốc phòng và chủ quyền châu Âu là đúng đắn.

Cadier thêm rằng một số quốc gia vốn nghi ngờ những ý tưởng này đang dần bị thuyết phục. Tổng thống CH Czech Petr Pavel vài tháng trước cũng đã lặp lại những lời kêu gọi của ông Macron.

"Tôi tin tầm nhìn của ông Macron cuối cùng sẽ có sức hút. Ông Macron là một trong số ít lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược về quốc phòng - an ninh quốc gia và châu Âu. Phần còn lại chỉ nghĩ đến lợi ích quốc gia riêng hoặc vẫn phủ nhận những ý tưởng đó", Caroline De Gruyther, phóng viên chuyên mảng đối ngoại châu Âu của NRC ở Hà Lan, nói.

Tổng thống Macron ủng hộ thành lập lực lượng "phản ứng nhanh" của châu Âu gồm khoảng 5.000 quân nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng và dự kiến chính thức hoạt động vào năm 2025. Ông cũng kêu gọi thành lập học viện quân sự châu Âu để cải thiện khả năng phối hợp giữa quân đội các nước trong khu vực.

De Gruyter cho rằng lãnh đạo Pháp cuối cùng đã không còn "ảo tưởng về chiếc ô an ninh" của Mỹ dành cho châu Âu. "Ông ấy không muốn chờ đợi tới khi Washington cắt giảm những cam kết của họ và tin rằng châu Âu nên tự chuẩn bị", nhà bình luận cho hay.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác không đánh giá cao bài phát biểu của lãnh đạo Pháp. John R. Deni, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Chiến tranh Quân đội Mỹ, cho rằng tầm nhìn của ông Macron về quốc phòng châu Âu khó có thể có sức hút vì ba lý do.

Đầu tiên, dù ông Macron đã chuyển lập trường từ ủng hộ Nga sang ủng hộ Ukraine, Deni cho rằng vẫn cần cân nhắc liệu Tổng thống Pháp đã có hành động trên thực tế hay chỉ dừng lại ở lời hùng biện. Ông đặt câu hỏi tại sao Pháp cản trở mua sắm đạn dược bên ngoài châu Âu, trong khi rõ ràng khối không đáp ứng được cam kết với Ukraine trong nhiều tháng qua.

"Tại sao Pháp dường như vẫn tụt hậu quá xa so với các nước khác trong khu vực về viện trợ cho Ukraine?", Deni nói.

Thống kê tháng trước trên website của Bộ Quốc phòng Pháp cho thấy tổng giá trị trang thiết bị quân sự nước này chuyển cho Ukraine là hơn 2,6 tỷ euro (khoảng 2,8 tỷ USD). Pháp cũng đóng góp gần 1,3 tỷ USD cho Quỹ Hòa bình châu Âu. Pháp cũng giúp huấn luyện khoảng 10.000 lính Ukraine ở Ba Lan và Pháp.

Trong khi đó, Đức đã hỗ trợ hơn 22 tỷ euro (23,5 tỷ USD) cho Ukraine trong lĩnh vực nhân đạo, tài chính và quân sự. Anh cũng đã cam kết viện trợ ít nhất 12 tỷ euro cho Ukraine.

Ông Macron đã cải thiện quan hệ với các nước Trung Âu, song Pháp vẫn chưa cam kết tăng cường sức răn đe cho sườn đông của NATO, nơi giáp biên giới với Ukraine và Nga. Đây được xem là lý do thứ hai khiến giáo sư Deni cho rằng những khái niệm mà ông Macron đưa ra "nói dễ hơn làm".

Chuyên gia này nhấn mạnh xung đột Ukraine đã phơi bày những lỗ hổng trong ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu sau nhiều năm thiếu đầu tư. Ngành này vẫn bị quốc hữu hóa và chia nhỏ quá mức, cản trở tham vọng tăng cường vũ khí tự sản xuất và nỗ lực phát triển năng lực quốc phòng của châu Âu.

Binh sĩ Pháp tham gia nhiệm vụ của NATO ở Rukla, Litva năm 2018. Ảnh: AFP

Martin Ehl, giám đốc phân tích tại Hospodarske Noviny ở Slovakia, cũng không quá lạc quan về những ý tưởng xây dựng châu Âu tự cường của lãnh đạo Pháp. Ehl cho rằng các nước như Hungary có thể cản trở tầm nhìn đó vì mối quan hệ thân thiết với Nga, trong khi một số quốc gia sẽ ưu tiên cho lợi ích kinh tế riêng, khó bị thuyết phục thay đổi lập trường.

Phòng thủ chung là thách thức lớn nhất trong tất cả thách thức mà EU đối mặt hiện nay, theo Federico Fabbrini, giáo sư luật châu Âu tại Đại học Thành phố Dublin ở Ireland.

"Cuộc chiến ở Ukraine đã phơi bày những điểm yếu của EU trong lĩnh vực này và sự phụ thuộc của những nước thành viên vào Mỹ", giáo sư Fabbrini nói.

Là chính trị gia có tầm nhìn rõ ràng về tương lai hội nhập châu Âu, Tổng thống Macron đã lường trước thách thức, thúc đẩy hợp tác quân sự. Tuy nhiên, những ý tưởng chính sách quốc phòng của Pháp thường bị coi là mang tính "bá quyền", khiến các đối tác EU ngần ngại.

Một số chuyên gia khác cho rằng bài phát biểu "thức tỉnh" châu Âu của ông Macron là nỗ lực củng cố đảng Phục hưng ôn hòa của ông, hiện đứng thứ hai trong cuộc thăm dò dư luận mới nhất và đứng sau đảng Mặt trận Quốc gia do Jordan Bardella lãnh đạo.

Rào cản lâu năm nhằm ngăn cản phe cực hữu nắm quyền, được xây dựng với niềm tin rằng đó là mối nguy hiểm cho nền cộng hòa, đã sụp đổ sau khi Mặt trận Quốc gia trở thành lực lượng đối lập lớn nhất trong quốc hội Pháp. Các chủ đề của ông Bardella, gồm chống nhập cư, nhu cầu an ninh lớn và chống lạm phát, đã nhận được hưởng ứng của đông đảo cử tri Pháp.

"Chưa bao giờ công dân bị loại bỏ khỏi các quyết định có tác động hữu hình đến cuộc sống hàng ngày của họ như vậy", ông Bardella nói trong cuộc họp báo 25/4, mô tả bài phát biểu của ông Macron chỉ là "những lời tự vuốt ve".

Thanh Tâm (Theo AP, AFP, Carnegie Europe)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020