Chuyên mục  


Tàu ngầm USS Connecticut của hải quân Mỹ bất ngờ va chạm với núi ngầm không có trên hải đồ khi làm nhiệm vụ ở Biển Đông vào ngày 2/10/2021, khiến 11 thủy thủ bị thương và tàu ngầm bị vỡ nát phần mũi, phải di chuyển trong trạng thái nổi suốt một tuần tới căn cứ Guam, trước khi thực hiện "hành trình ác mộng" khoảng 10.000 km về cảng nhà ở bang Washington của Mỹ.

Hình ảnh được công bố khi đó cho thấy phần mũi tàu bị hở toác sau cú va chạm mạnh, làm lộ rõ khoang chứa hệ thống định vị thủy âm (sonar) cùng nhiều thiết bị khác. Hệ thống lò phản ứng hạt nhân trên tàu không bị ảnh hưởng trong sự cố.

Vụ va chạm xảy ra ở địa điểm rất gần một căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc trên đảo Hải Nam. Đây được cho là cơ sở hải quân hiện đại nhất của Trung Quốc và là một trong những căn cứ tinh vi nhất thế giới, làm dấy lên nhiều đồn đoán về hoạt động của USS Connecticut khi nó gặp nạn.

"Tiếp cận và theo dõi cơ sở bí mật này sẽ mang lại cho Mỹ các thông tin tình báo giá trị. Đó có thể là điều mà USS Connecticut đang làm khi gặp tai nạn", nhà phân tích địa chính trị Brandon J. Weichert của National Interest nhận định.

USS Connecticut là tàu ngầm lớp Seawolf được Mỹ thiết kế từ những năm 1980 và triển khai sau đó khoảng 10 năm, nhằm thay thế cho tàu ngầm lớp Los Angeles già cỗi. Đây là lớp tàu ngầm tấn công đắt nhất của hải quân Mỹ, có giá 3,5 tỷ USD mỗi chiếc vào thời điểm được chế tạo, tương đương 8,5 tỷ USD hiện nay.

Sau khi Liên Xô tan rã và Chiến tranh Lạnh kết thúc, quốc hội Mỹ nhận thấy không còn cần phải chi nhiều tiền cho chương trình tàu ngầm lớp Seawolf như dự tính và hải quân nước này cuối cùng chỉ nhận được ba chiếc, thay vì 29 chiếc theo kế hoạch ban đầu.

Dù có tuổi đời khá cao, đây vẫn là một trong những mẫu tàu ngầm hiện đại nhất thế giới. Được tích hợp một trong những công nghệ giám sát tiên tiến nhất hiện nay, tàu lớp Seawolf sở hữu những đặc tính vượt trội so với các tàu ngầm tấn công thông thường.

USS Connecticut rời khỏi nhà máy đóng tàu tại thành phố Bremerton, Mỹ tháng 12/2016. Ảnh: Hải quân Mỹ

Mẫu tàu này hoạt động đặc biệt hiệu quả ở các khu vực xa xôi, dễ xảy ra xung đột như Bắc Cực và có tỷ lệ thực hiện thành công nhiệm vụ rất ấn tượng.

"Bất cứ khi nào tàu ngầm lớp Seawolf được triển khai, nó sẽ giúp Mỹ nắm lợi thế trong các cuộc giao tranh", Weichert cho hay. "Việc một trong ba tàu ngầm lớp Seawolf không thể làm nhiệm vụ sẽ tạo ra khoảng trống đáng kể về năng lực đối với hải quân Mỹ".

Đó là lý do lực lượng này gặp khủng hoảng khi USS Connecticut phải ngừng hoạt động ít nhất đến năm 2026 sau cú va chạm ở Biển Đông.

Báo cáo điều tra sơ bộ được hải quân Mỹ công bố hồi tháng 5/2022 cho hay USS Connecticut đang di chuyển trên vùng biển quốc tế khi gặp sự cố và "không làm điều gì đáng nghi vấn". Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc USS Connecticut đã có hành vi "vô trách nhiệm" và ám chỉ con tàu đã làm rò rỉ chất phóng xạ ra Biển Đông, song không đưa ra bằng chứng.

Theo giới quan sát, ngay cả khi hải quân Mỹ đã điều tra xong sự cố, thông tin sẽ không được tiết lộ cho công chúng, ít nhất là sau vài thập kỷ. Tuy nhiên, Weichert nhận định phản ứng của các bên và vị trí xảy ra vụ đâm núi ngầm cho thấy Trung Quốc nhiều khả năng liên quan đến sự cố của USS Connecticut.

USS Connecticut với phần mũi bị vỡ sau vụ đâm núi ngầm. Ảnh: USNI

Chuyên gia này cho biết Trung Quốc đã phát triển năng lực chống xâm nhập - chống tiếp cận (A2/AD) để hạn chế hải quân Mỹ hoạt động ở các khu vực như Biển Đông và biển Hoa Đông. Điều này sẽ khiến Washington phải phụ thuộc nhiều hơn vào hạm đội tàu ngầm để triển khai các hoạt động thăm dò, do thám bí mật tại các vùng biển trên.

Hải quân Trung Quốc hiểu điều đó và đang cố gắng phát triển thêm năng lực nhằm ứng phó mối đe dọa từ tàu ngầm Mỹ. Mục tiêu của Bắc Kinh là sở hữu các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến có khả năng phát hiện loại khí tài này của Washington.

Năm ngoái, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu về Cấu trúc Vật chất Phúc Kiến thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc thông báo đã phát triển "một hệ thống phát hiện tàu ngầm siêu nhạy, có khả năng nhận thấy các dấu vết mờ nhạt nhất của tàu ngầm hiện đại từ khoảng cách rất xa".

Đại học Công nghệ Quốc phòng của Trung Quốc cùng năm cũng tuyên bố đã tìm được cách sử dụng tần số terahertz, dải tần giữa bức xạ vi sóng và hồng ngoại, để phát hiện tàu ngầm. Bắc Kinh sau đó tuyên bố công nghệ này đã có thể được ứng dụng trên thực tế.

Tích hợp các công nghệ trên với phương tiện không người lái dưới mặt nước (UUV) sẽ giúp Trung Quốc ứng phó hiệu quả hơn mối đe dọa từ tàu ngầm Mỹ, theo Weichert.

Bắc Kinh đã phát triển thành công các mẫu UUV ngoại cỡ (XLUUV), trong đó có ít nhất hai chiếc được bố trí ở căn cứ hải quân tại thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam, Asia Times tháng 9/2023 dẫn ảnh vệ tinh cho biết.

Một chiếc được cho là phát triển từ dòng UUV HSU-001, mẫu tàu có khả năng mang theo các UUV cỡ nhỏ và rải thủy lôi. Theo Asia Times, chiếc XLUUV có thể chủ động tìm kiếm và bám bắt "tàu ngầm đối phương mà không gây nguy hiểm cho tàu mặt nước hoặc tàu ngầm Trung Quốc".

"Nếu những chiếc XLUUV này thực sự hoạt động ở Tam Á, chúng rất có thể đã phát hiện được USS Connecticut đang hoạt động trong vùng biển gần đó. Khi bị phát hiện và xua đuổi, tàu ngầm Mỹ có thể đã vội vã rút lui và vô tình đâm phải núi ngầm", Weichert nêu quan điểm.

Tư lệnh Hạm đội 7 hải quân Mỹ Karl Thomas đã cách chức ba sĩ quan cấp cao nhất của USS Connecticut gồm hạm trưởng Cameron Aljilani, hạm phó Patrick Cashin và trợ lý hạm trưởng Cory Rogers với lý do "mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo". Điều này cho thấy các chỉ huy tàu ngầm nhiều khả năng đã phạm sai lầm trong tình huống cấp bách, dẫn đến cú va chạm thảm họa.

Ảnh đồ họa XLUUV Trung Quốc tại triển lãm NAVDEX 2023. Ảnh: Naval News

Ngoài XLUUV, Trung Quốc cũng có thể dùng công nghệ laser để phát hiện tàu ngầm Mỹ, chuyên gia này nhận định. Năm 2021, Viện Quang học và Cơ khí Chính xác Thượng Hải cho biết đã thử nghiệm hệ thống laser có khả năng phát hiện vật thể ở độ sâu 160 mét dưới mặt nước, sâu gấp đôi các thiết bị hiện hành.

Các nhà khoa học của Viện cho biết hệ thống này phát ra chùm laser màu xanh lá cây và xanh nước biển, thêm rằng đã chứng minh được nó có thể hoạt động hoạt động hiệu quả. Nhóm nghiên cứu cũng tuyên bố đã chế tạo được bộ cảm biến có độ nhạy cao để phát hiện các chuyển động dưới nước của tàu ngầm.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn tuyên bố sở hữu một vệ tinh mang theo thiết bị phát tia laser có thể dùng để bám bắt các tàu ngầm Mỹ khi chúng lặn dưới nước. "Có lý do để tin Trung Quốc thực sự sở hữu công nghệ này", Weichert cho hay, song không giải thích cụ thể.

Trung Quốc những năm gần đây triển khai nhiều vệ tinh trinh sát điện tử Yaogan lên quỹ đạo Trái Đất, đánh dấu bước tiến lớn về năng lực chống tàu ngầm của Bắc Kinh. Các vệ tinh này được trang bị radar khẩu độ tổng hợp (SAR), gần giống Hệ thống Giám sát Hải dương học của hải quân Mỹ, thiết bị được sử dụng để chặn sóng vô tuyến phát từ mặt đất rồi dùng tín hiệu này để truy ngược vị trí của tàu chiến trên biển.

Năm 2022, nhóm nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Quốc phòng tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, thông báo phát triển thành công vũ khí siêu thanh có thể phóng lên không, di chuyển với vận tốc Mach 2,5 (3.087 km/h) rồi trở thành ngư lôi khi lao xuống biển ở pha cuối. Nhóm khẳng định "hiện không có hệ thống phòng thủ trên tàu nào" có thể chống lại nó.

"Loại đạn siêu thanh này khi kết hợp với năng lực của các hệ thống bám bắt thế hệ mới nói trên có thể đe dọa cả những tàu ngầm hiện đại nhất của Mỹ", Weichert nêu quan điểm.

Theo chuyên gia này, dù năng lực chống ngầm của hải quân Trung Quốc vẫn chưa hiện đại bằng khả năng chống tàu mặt nước, các nhà hoạch định quân sự Mỹ vẫn cần đẩy mạnh phát triển các biện pháp ứng phó nhằm giúp hạm đội tàu ngầm của nước này có thể tiếp tục hoạt động hiệu quả trước hệ thống A2/AD ngày càng phức tạp của Bắc Kinh.

Phạm Giang (Theo National Interest, Reuters, AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020