Nhạc sĩ Lê Yên tên thật là Lê Đình Yên, ông là một nhạc sĩ thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam thuộc nhóm Tricéa cùng với các nhạc sĩ Văn Chung và Doãn Mẫn. Nhạc sĩ Lê Yên sinh ngày 30/07/1917 tại Đông Yên, Quốc Oai, Sơn Tây. Ông tự học nhạc từ khi 14-15 tuổi và tham gia vào các ban nhạc tài tử biểu diễn các tác phẩm nhạc cổ điển. Sau Cách mạng tháng 8 thành công, nhạc sĩ Lê Yên có những ca khúc kịp thời phản ánh như: “Bộ đội về làng” - phổ thơ Hoàng Trung Thông, “Nhớ” - phổ thơ Thanh Hải…
“Các anh đi/ Ngày ấy đã lâu rồi/Xóm làng tôi còn nhớ mãi”…
Đó là những câu thơ đầu trong bài thơ “Bao giờ trở lại” của nhà thơ Hoàng Trung Thông, viết sau ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Bài thơ đã được nhạc sĩ Lê Yên phổ nhạc thành bài hát “Bộ đội về làng”. Nhớ lại những năm tháng này, nhạc sĩ Lê Yên đã kể: “Đầu năm 1950 tôi được điều lên Việt Bắc, một thời gian ngắn tôi nhận được một tập thơ của anh Hoàng Trung Thông. Chọn bài “Bao giờ trở lại”tôi cặm cụi làm đến cuối năm thì xong. Khi bài hát đã được bộ đội phổ biến hát, rồi bà con các thôn xóm nhiều nơi biết hát, Hội Văn nghệ đề nghị đổi tên là “Bộ đội về làng”. Tôi nhớ hồi bài làm xong, lần đầu tiên do một chị văn công hát, được chiến sĩ vỗ tay nhiệt liệt”.
Có thể nói, bài hát “Bộ đội về làng” thấm đẫm tình quân dân, đã như một tiếng lòng rất tự nhiên của người dân kháng chiến với bộ đội Cụ Hồ những năm tháng đó.
Năm 2001 bài hát “Bộ đội về làng” đã được chọn để thính giả viết lời bình, cảm nhận để tham gia mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc”.
Bác Nguyễn Ngọc Cầu ở thôn Hiền Ninh, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, một thính giả rất tâm huyết theo dõi không sót một chương trình ca nhạc nào, là người rất nhiệt tình và say mê với mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc”, bác đã viết những dòng cảm nhận về bài hát “Bộ đội về làng”.
“Đây là bài hát, là nhạc phẩm rất hay, có giá trị về thơ và nhạc: mộc mạc, dân giã, chân thực. Rất đời thường thân thương mà tình cảm sâu đậm. Bài hát đã đi vào lòng người một cách tự nhiên bằng những câu thơ về hình ảnh anh bộ đội, các em nhỏ và mẹ già. Bộ đội và nhân dân, là một thể thống nhất. Những chi tiết, hình ảnh tiếp theo trong bức tranh tình quân dân, đó là: mái ấm; xóm nhỏ; trước ngõ; rừng sâu; lưng đèo; đặc biệt là chi tiết “bịn rịn áo nâu”, rồi “nồi cơm nấu dở” và “bát nước chè xanh” tất cả đều rất thực, rất nông thôn, rất Việt Nam. Xin cảm ơn nhà thơ và nhạc sĩ - đồng tác giả đã sáng tạo ra bài hát rất chân thực, rất xúc động về tình cảm quân - dân, nét độc đáo của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam, giá trị tinh thần cao quý của cách mạng Việt Nam”.
Còn đây là cảm nhận của bạn Đỗ Chí Nam, sinh viên lớp Văn Sử khóa 6 trường Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên: “Bộ đội về làng”, cái tên của ca khúc đã nói lên tất cả nội dung bài hát. Một bài hát rất hay về tình quân dân. Không hẹn mà gặp, thi sĩ Hoàng Trung Thông và nhạc sĩ Lê Yên hai tâm hồn đồng điệu đều tìm đến một cái đích chung là sáng tác về tình quân dân. Hồn thơ và điệu nhạc đã hòa quyện vào nhau và thăng hoa thành một bài hát ấm áp tình nghĩa quân dân. Lời thơ đơn sơ, mộc mạc và chân chất như chính tấm lòng của những người dân bình dị. Điệu nhạc khi trữ tình, da diết; khi hồ hởi sôi nổi như như tình nghĩa quân dân… Ca khúc nhẹ nhàng như một câu chuyện kể nhưng nhạc sĩ và nhà thơ đã đem đến cho chúng ta bao điều thú vị”.
Lá thư gửi từ tổ 8, thôn Lãnh Thượng, thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam của bạn Lê Thị Ánh Ngọc đã tới với chuyên mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc”. Bạn viết: “Từ lâu việc nghe lại các ca khúc cách mạng là một sở thích của em, tuy em còn đang ngồi trên ghế nhà trường, có thể kiến thức chưa rộng nhưng em cũng có một chút hiểu biết về những ca khúc trong thời kỳ chiến tranh. Và mỗi khi nghe bài hát “Bộ đội về làng”, lòng em lại xao xuyến xúc động trước tình cảm quân dân chân thành, mộc mạc, tha thiết; giữa hậu phương và tiền tuyến. Tình cảm đó vũng bền như lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với Bác Hồ, với sự nghiệp cách mạng.
“Các anh đi/ Ngày ấy đã lâu rồi/Xóm làng tôi còn nhớ mãi”… Nếu ngày tiễn các anh lên đường lưu luyến, bịn rịn thì ngày đón các anh về thật xúc động. Làng quê bé nhỏ xốn xang theo bước chân của các anh. Ta hình dung rất rõ cảnh trên bếp nồi cơm đang nấu dở, bát nước chè xanh được chuyền qua tay mỗi người lính như chuyền thêm sức mạnh cho các anh…mẹ già bịn rịn lưu luyến, đàn em nhỏ chạy theo sau các anh… tất cả đều đặt niềm tin mãnh liệt vào các anh cũng như niềm tin ở cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc"…
Kết thúc bài cảm nhận của mình bạn Lê Thị Ánh Ngọc viết: Bài hát “Bộ đội về làng” cũng chính là tâm tình của chúng ta, những ai yêu thơ và biết thưởng thức âm nhạc. Bài hát đã giúp em hiểu thêm về cuộc chiến, về tình cảm và tấm lòng của người dân lúc nước nhà bị xâm lược và sẽ mãi mãi là bài hát được em yêu thích chép trong sổ tay của mình”.
Ngoài lĩnh vực ca khúc, nhạc sĩ Lê Yên còn sáng tác nhạc cho sân khấu. Ông đã viết nhạc cho nhiều vở tuồng, chèo, cải lương và đã bỏ nhiều công sức trong việc tìm tòi, nghiên cứu những sự thể hiện cũng như hình thành các mô hình âm nhạc cho sân khấu dân tộc.
Năm 2007, nhạc sĩ Lê Yên được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.