Chuyên mục  


2024-11-07t163728z708833220rc2f0bae7nylrtrmadp3usa-election-biden-1731195680286191712279.jpg

Tổng thống Joe Biden đã cam kết chuyển giao quyền lực hòa bình cho người kế nhiệm Donald Trump - Ảnh: REUTERS

Ông Biden chuyển giao quyền lực cho ông Trump từ ngày 13-11

Thư ký báo chí của Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết ông Biden đã chuyển lời mời tới ông Trump về cuộc gặp chính thức này.

Tổng thống mãn nhiệm Joe Biden của Mỹ sẽ có cuộc gặp với tổng thống đắc cử Donald Trump vào 11h sáng 13-11, giờ địa phương, tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng để bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực. Đây là quy trình thông thường của việc chuyển giao quyền lực sau bầu cử, dù ông Trump đã không gặp ông Biden sau khi thất bại năm 2020 và không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm vào tháng 1-2021.

Trước đó, ông Biden đã tuyên bố chấp nhận kết quả cuộc bầu cử "trung thực, công bằng và minh bạch" và cam kết thực hiện một quá trình chuyển giao "hòa bình và trật tự".

Ông Biden rời khỏi cuộc đua vào tháng 7-2024, nhường đường cho cấp phó Kamala Harris tham gia tranh cử để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump đã chiến thắng với cách biệt lớn bất chấp việc đã bị kết án hình sự, bị luận tội 2 lần khi còn đương nhiệm.

Sau thất bại này, Đảng Dân chủ đã đổ lỗi phần lớn cho ông Biden, cho rằng nếu ông rút lui sớm hơn có lẽ họ đã có thể cân nhắc những ứng viên khác. 

"Vì tổng thống đã ủng hộ Kamala Harris ngay lập tức, điều đó thực sự khiến việc tổ chức vòng bầu cử sơ bộ vào thời điểm đó trở nên gần như không thể. Nếu sớm hơn nhiều, mọi chuyện sẽ khác", cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói trên tờ New York Times

Bà Pelosi người được cho là đã đóng vai trò chủ chốt trong việc thuyết phục ông Biden từ bỏ.

Qatar ngừng vai trò trung gian cho chiến sự ở Gaza

Ngày 9-11, Bộ Ngoại giao Qatar tuyên bố nước này tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về một lệnh ngừng bắn và trao trả con tin tại Dải Gaza cho tới khi Hamas và Israel có "thái độ nghiêm túc" trong đối thoại.

Hãng tin AFP dẫn lời cơ quan này cho biết Qatar đã thông báo cho các bên trong nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn mới nhất, khoảng 10 ngày trước, rằng nước này sẽ đình chỉ các nỗ lực trung gian giữa Hamas và Israel nếu 2 bên không đạt được thỏa thuận trong vòng đàm phán đó. "Qatar sẽ tiếp tục những nỗ lực đó... khi các bên thể hiện được thiện chí và sự nghiêm túc của mình", Bộ Ngoại giao Qatar nhấn mạnh.

Động thái của Qatar cho thấy tình trạng bế tắc của việc đàm phán. Qatar, cùng với Ai Cập và Mỹ, đã cùng trung gian thúc đẩy ngừng bắn ở Gaza kể từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, nỗ lực này liên tục gặp nhiều vấn đề sau lần ngừng bắn duy nhất vào tháng 11-2023.

2024-11-05t154317z1532723356rc21zaastb0nrtrmadp3israel-palestinians-gaza-civilians-17311958426391640798859.jpg

Người dân tháo chạy khỏi phía bắc thành phố Gaza ngày 5-11 - Ảnh: REUTERS

Trong khi đó tại Dải Gaza, chiến sự vẫn tiếp tục vào ngày đánh dấu 400 ngày khởi đầu xung đột. Nguồn tin y tế của Palestine tuyên bố các cuộc không kích trong ngày của quân đội Israel tại Dải Gaza đã khiến 14 người thiệt mạng, trong đó có 9 người trong một lều của người tị nạn tại khu vực phía nam thành phố Khan Yunis.

Về phần mình, quân đội Israel tuyên bố đã tiêu diệt được hàng chục "tên khủng bố" tại khu vực Jabalia, phía bắc Gaza, và khẳng định sẽ "không dừng bước hay chậm lại" cho tới khi đạt được mục tiêu giải thoát các con tin và đảm bảo an ninh cho các cộng đồng người Do Thái sinh sống gần Gaza.

Ukraine thêm khó khăn nếu lính Triều Tiên tham chiến cùng Nga

Chỉ huy quân sự cấp cao của Ukraine, ông Oleksandr Syrskyi, ngày 9-11 nói rằng Ukraine phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng khi lực lượng Nga tiến quân và quân đội Triều Tiên chuẩn bị tham gia cuộc chiến.

Theo ông Syrskyi, lực lượng Ukraine đang bị áp đảo về số lượng và tình hình đang có dấu hiệu leo thang. "Kẻ thù, tận dụng lợi thế về quân số, đang tiếp tục tấn công và tập trung nỗ lực chính vào các hướng Pokrovsk và Kurakhove", Syrskyi viết trên Facebook. Ngoài ra, "Chúng tôi có nhiều báo cáo về việc binh lính Triều Tiên chuẩn bị tham gia các hoạt động chiến đấu cùng với lực lượng Nga", Syrskyi cho biết.

Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine tố 11.000 binh lính Triều Tiên đã đến Nga, cụ thể là ở khu vực Kursk phía nam, nơi lực lượng Kiev mở cuộc tấn công lớn vào tháng 8. Trong tuần này, cả ông Zelensky và Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov đều khẳng định binh lính Triều Tiên đã tham gia chiến đấu ở đó.

Đức kỷ niệm ngày sụp đổ bức tường Berlin

2024-11-09t210918z1973107877rc2v1ba7kt32rtrmadp3germany-politics-unification-173119607402416576093.jpg

Người dân Berlin mở hội kỷ niệm ngày sụp đổ bức tường Berlin ngày 9-11 - Ảnh: REUTERS

Tối 9-11, hàng chục ngàn người đã tụ tập để ăn mừng sự sụp đổ của bức tường Berlin 35 năm trước tại thủ đô nước Đức. Theo tờ Guardian, các tấm áp phích được dán dọc đoạn tường cũ dài 4km ở thủ đô nước Đức, trong khi các nhạc công biểu diễn và đám đông ca hát tại sự kiện.

"Đó là một ngày may mắn mà chúng ta, những người dân Đức vẫn biết ơn cho đến ngày nay", Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh.

Được xây dựng vào năm 1961, bức tường Berlin đã tồn tại trong 28 năm trong cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Bức tường được xây dựng để cắt đứt người dân Đông Đức khỏi ý thức hệ của phương Tây và ngăn chặn làn sóng người dân chạy trốn khỏi Đông Đức.

Làn sóng phẫn nộ sau lũ ở Tây Ban Nha

Khoảng 130.000 người xuống đường biểu tình tại vùng Valencia ngày 9-11 để bày tỏ sự phẫn nộ đối với cách chính quyền xử lý vụ lũ lụt chết người vừa qua, theo chính quyền địa phương. Biểu tình cũng diễn ra ở nhiều thành phố khác của Tây Ban Nha.

Một số người biểu tình đã hét lên "Những kẻ giết người! Những kẻ giết người!" và một số người mang theo biểu ngữ lên phản đối lãnh đạo khu vực Valencia cũng như Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. Theo AFP, cảnh sát và người biểu tình đã đối đầu nhau trong bầu không khí căng thẳng và đã xảy ra một số cuộc đụng độ.

Valencia là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ lụt tháng trước, trận lũ nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, khiến ít nhất 220 người thiệt mạng và làm các thị trấn và thành phố ngập trong bùn.

Người dân địa phương tức giận vì không được cảnh báo sớm, một số người nói rằng cảnh báo chính thức được gửi đến điện thoại của họ khi lũ đã bắt đầu cuốn trôi xe cộ. Người dân cũng phẫn nộ cáo buộc chính quyền phản ứng chậm chạp sau lũ.

Chung đường với… voi

goc-anh-ngay-9112024-17311956802951668521259.jpg

Một người đi xe máy đang lái xe tránh lối cho con voi hoang dã ở thị trấn nhỏ Habarana thuộc miền trung Sri Lanka - Ảnh: AFP

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020