Đối với Helen Dong, 22 tuổi, sinh viên năm cuối ngành quảng cáo, vấn đề là học phí. "Không có ích gì khi chi tới 278.000 USD du học mà không tìm được việc làm khi tốt nghiệp", Dong nói. Thay vì chọn Mỹ, cô sẽ đến Hong Kong học vào kỳ mùa thu này.
Nhu cầu du học tại Trung Quốc đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng nhu cầu du học Mỹ đang có xu hướng giảm, trong bối cảnh thay đổi địa chính trị tái định hình quan hệ Washington - Bắc Kinh. Giảm giao lưu nhân dân có thể tác động lâu dài đến quan hệ hai nước.
"Giáo dục quốc tế là một cầu nối dài hạn. Những sinh viên đến đây là những kỹ sư, chính trị gia, doanh nhân tương lai. Mỹ cần chú ý nếu cầu nối này lung lay", Fanta Aw, lãnh đạo Hiệp hội Giáo dục Quốc tế (NAFSA) nhận định.
Học sinh xếp hàng vào thi đại học ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 7/6. Ảnh: AP
Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp hơn 86.000 visa cho sinh viên Trung Quốc trong năm tài khóa 2023, tăng gần 40% so với năm ngoái, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch là 105.000 visa.
Theo bà Aw, sinh viên Trung Quốc tham gia các chương trình đại học Mỹ sụt giảm do dân số Trung Quốc giảm, căng thẳng quan hệ hai nước gia tăng và có nhiều lựa chọn khác hơn do học phí ở Mỹ quá cao.
Các chương trình sau đại học cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Zheng Yi, phó giáo sư cơ khí ở Đại học Đông Bắc Boston, chứng kiến lượng sinh viên Trung Quốc nộp hồ sơ vào các khoa kỹ thuật sau đại học giảm xuống dưới 10, so với mức 20-30 trước đại dịch.
Andrew Chen, nhà tư vấn du học Mỹ cho sinh viên Trung Quốc tại Pittsburgh, dự đoán xu hướng này có thể tiếp diễn.
"Đây là một kỷ nguyên mới. Góc nhìn về Mỹ như một cường quốc suy yếu, nơi bạo lực súng đạn hoành hành đang khiến các gia đình Trung Quốc ngần ngại gửi con sang nước này", ông Chen nói.
Bắc Kinh cũng chỉ trích Washington vì chính sách thiếu thân thiện với sinh viên nước này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây phản đối việc một số sinh viên bị từ chối nhập cảnh khi đến các sân bay Mỹ, cáo buộc đây là hành vi "phân biệt đối xử có chọn lọc, mang động cơ chính trị".
Quỹ Tín thác Giáo dục Trung - Mỹ thừa nhận tình trạng khó khăn mà sinh viên Trung Quốc phải đối mặt. Khảo sát năm 1991-2021 của quỹ cho thấy du học sinh Trung Quốc thường bị coi là gián điệp tiềm năng ở Mỹ, trong khi bị chỉ trích "sính ngoại" ở quê nhà.
Sinh viên Trung Quốc trong ngày tốt nghiệp tại một trường đại học Mỹ. Ảnh: AFP
Theo EIC Education, tổ chức tư vấn giáo dục Trung Quốc, nhiều thanh niên nước này vẫn mong muốn du học, nhưng đã chuyển mục tiêu từ Mỹ sang Anh. Sinh viên thích các chương trình học ngắn, chất lượng và học phí hợp lý của nền giáo dục Anh, cũng như cảm giác an toàn tại nước này.
Khác với Helen Dong, học phí không phải mối lo đối với Yvonne Wong, 24 tuổi. Wong hiện học thạc sĩ văn học tại Đại học Bristol, Anh. Cô lựa chọn nước này vì lý do an toàn.
"Các gia đình thường không muốn gửi con gái đến những nơi không cấm súng", cô nói. "Họ coi Anh an toàn hơn Mỹ, đó cũng là mối quan tâm lớn nhất của bố mẹ tôi".
Đức Trung (Theo AP)