Công trình trông như nhà kho này được xây dựng trong một căn cứ quân sự của Australia. Tại đây, giới chức có kế hoạch thành lập nhà máy đầu tiên bên ngoài lãnh thổ Mỹ để chế tạo loại vũ khí đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến Ukraine: Hệ thống Rocket Phóng loạt Dẫn đường (GMLRS) của tập đoàn Lockheed Martin.
Mỹ đã chuyển cho Ukraine hàng nghìn rocket loại này để phóng từ pháo phản lực HIMARS và tập kích các mục tiêu sâu bên trong phòng tuyến Nga. Nhưng gần đây, đạn rocket cho pháo HIMARS ngày càng cạn kiệt do nguồn cung khan hiếm.
Xe phóng đạn HIMARS Mỹ triển khai diễn tập ở bang Florida hồi đầu tháng 5/2022. Ảnh: USAF.
Tốc độ tiêu thụ nhanh chóng tên lửa và đạn pháo trong cuộc chiến ở Ukraine cũng như xung đột tại Trung Đông đã bào mòn kho dự trữ của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách phát triển nhiều dây chuyền tại các quốc gia đồng minh để sản xuất những loại vũ khí quan trọng, dù nhiệm vụ này không dễ dàng.
Sau thời gian dài cắt giảm đầu tư cho quốc phòng, các nước châu Âu đang chật vật tìm cách tăng sản lượng vũ khí. Nhưng các nhà sản xuất vũ khí châu Âu cho biết họ cần những đơn đặt hàng dài hạn hơn từ chính phủ Mỹ để có thể tự tin đầu tư mở rộng công suất.
Tại Australia, nỗ lực chuyển đổi Tòa nhà 215 thành cơ sở sản xuất rocket GMLRS là bằng chứng cho thấy chiến lược vũ khí của Mỹ có thể diễn ra như thế nào trên khắp thế giới và những khó khăn mà Washington cùng các đồng minh đang phải đối mặt trong nhiệm vụ tăng cường sản xuất đạn dược.
Lockheed và Australia cần xây dựng chuỗi cung ứng mới, đào tạo công nhân và thiết lập cơ chế chia sẻ công nghệ giữa hai nước. Một số người cho rằng kế hoạch này tiến triển quá chậm, lưu ý đã gần 4 năm trôi qua kể từ khi Australia lần đầu đưa ra ý tưởng chế tạo loại rocket này.
"Ý tưởng ban đầu rất hay, nhưng việc thực hiện không mấy ấn tượng", Michael Shoebridge, giám đốc cơ quan nghiên cứu Phân tích Chiến lược Australia, nhận xét. "Nó đã bị lấn át bởi những sự kiện trên thế giới, đặc biệt là cuộc xung đột tại Ukraine và bây giờ là giao tranh ở Trung Đông".
Australia gần đây đã nhanh chóng thúc đẩy quá trình sản xuất các loại đạn pháo rất cần thiết và còn đang tham gia phát triển Tên lửa Tấn công Chính xác (PrSM). Loại tên lửa này cũng có thể khai hỏa từ HIMARS và có tầm bắn xa hơn.
"Trước vô số thách thức ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và xu hướng cạnh tranh không ngừng gia tăng với các đối thủ ngang hàng, những loại đạn chính xác như GMLRS và PrSM ngày càng trở nên quan trọng", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Jurgensen nói. "Chúng ta phải có dây chuyền sản xuất hiện đại để cung cấp chúng trên quy mô lớn".
Kế hoạch đặt ra là để Lockheed, công ty đang sản xuất GMLRS tại một nhà máy ở thành phố Camden, bang Arkansas, miền nam Mỹ, tuyển 6 kỹ sư Australia và đưa họ vào cơ sở chế tạo để tìm hiểu về quy trình. Lockheed sẽ vận chuyển linh kiện rocket từ Mỹ đến Australia, nơi chúng được lắp ráp trên dây chuyền sản xuất mới trong Tòa nhà 215.
Australia cho biết lô đầu tiên gồm khoảng 10 rocket GMLRS do Australia lắp ráp sẽ được bắn thử vào cuối năm sau. Đến cuối thập kỷ này, Australia đặt mục tiêu sản xuất 3.000 rocket mỗi năm, đồng thời mở rộng dây chuyền sản xuất.
Tòa nhà 215 bên trong một căn cứ quân sự của Australia ở ngoại ô thành phố Sydney. Ảnh: WSJ
GMLRS ban đầu sẽ được lắp ráp từ các linh kiện nhập từ Mỹ, nhưng Australia sau đó muốn tập trung vào sản xuất nội địa các bộ phận quan trọng, như động cơ và đầu đạn. Sau cùng, Australia hướng đến sản xuất cả những loại rocket khác ngoài GMLRS.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm lao động lành nghề có thể là một thách thức vì Australia đang thiếu kỹ sư trầm trọng. Các quy định xuất khẩu trước đây đã cản trở một số quan hệ hợp tác quốc phòng. Và việc phát triển chuỗi cung ứng mới có thể gặp khó khăn khi nhiều hệ thống, như động cơ rocket, cũng bị thiếu hụt.
Ngay cả việc tìm ra cách tốt nhất để vận chuyển các linh kiện rocket ra nước ngoài cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
"Việc xử lý một rocket đã được lắp đặt hoàn chỉnh khác hoàn toàn so với khi nó chỉ là những bộ phận rời rạc", James Heading, cựu sĩ quan không quân, hiện phụ trách mảng kinh doanh tên lửa của Lockheed ở Australia, giải thích. "Riêng việc vận chuyển đầu đạn thôi cũng đã rất phức tạp".
Lockheed đang tăng cường sản xuất GMLRS tại nhà máy Camden từ 10.000 lên 14.000 quả mỗi năm. Tuy nhiên ngay cả ở Mỹ, họ cũng khó tuyển thêm lao động. Đơn đặt hàng tồn đọng của công ty, trong đó có GMLRS, đã tăng gần 20% những năm gần đây, lên tới hơn 32 tỷ USD.
Chỉ huy không quân Australia Leon Phillips cho biết các vấn đề về lực lượng lao động có thể giải quyết thông qua đào tạo, đồng thời ngành công nghiệp quốc phòng Australia cũng đã có kinh nghiệm sản xuất một số bộ phận tên lửa. Ông dẫn chứng việc Australia đã có các nhà máy sản xuất những mặt hàng như thuốc phóng, đạn và các chất nổ khác.
Phillips cho rằng quãng thời gian dài tận hưởng hòa bình đã khiến phương Tây cắt giảm khả năng sản xuất quốc phòng. "Thách thức của ngành sản xuất vũ khí nằm ở việc bạn chuyển từ mức sử dụng tĩnh trong thời bình sang mức sử dụng tăng nhanh chóng mặt khi xung đột nổ ra", ông nói.
Quan chức không quân Australia cho biết khi lần đầu chính phủ công bố kế hoạch sản xuất rocket, ông không nghĩ sẽ có đủ nguồn tài chính và động lực cần thiết để triển khai dự án. Hiện tại, Australia tuyên bố sẽ chi 2,7 tỷ USD cho chương trình.
Viễn cảnh Donald Trump trở lại Nhà Trắng có thể ảnh hưởng đến việc Washington gửi vũ khí ra nước ngoài. Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý động lực của Mỹ ở châu Á rất khác và càng được thúc đẩy hơn nữa bởi mối đồng thuận rộng rãi giữa lưỡng đảng Mỹ về mối đe dọa tiềm tàng của Trung Quốc trong khu vực.
"Nếu các đồng minh ở Thái Bình Dương có thể chứng minh họ có cùng mối quan ngại với chúng tôi về Bắc Kinh, đồng thời đang nỗ lực chia sẻ gánh nặng an ninh và tăng cường khả năng răn đe, điều đó có thể làm giảm cơ hội xảy ra những bất ngờ khó chịu trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump", Bradley Bowman, cựu cố vấn an ninh quốc gia cho đảng Cộng hòa trong Ủy ban Quân vụ và Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhận định.
Australia từ lâu đã là đồng minh thân thiết của Mỹ. Mối quan hệ thậm chí còn sâu sắc hơn nữa vào năm 2021 với hiệp ước AUKUS nhằm thiết lập hợp tác an ninh ba bên giữa Australia, Mỹ và Anh.
Bên trong cơ sở sản xuất GMLRS của Lockheed Martin ở thành phố Camden, bang Arkansas, miền nam Mỹ. Ảnh: Reuters
Một số cựu quan chức quốc phòng Mỹ cho hay kế hoạch tăng cường sản xuất rocket của Australia chưa phải quá muộn, nhưng đồng hồ đang điểm. Nga và Trung Quốc cũng đang chạy đua đầu tư cho năng lực tên lửa.
"Mỹ cùng đồng minh cần sản xuất càng nhiều đạn dược càng tốt và sớm nhất có thể", Zack Cooper, thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, từng làm việc tại Hội đồng An ninh Quốc gia và Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền George W. Bush, nhấn mạnh. "Năng lực sản xuất trong thời kỳ xung đột cũng quan trọng, đồng nghĩa chúng ta cần có càng nhiều địa điểm sản xuất càng tốt".
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters, WSJ)