Ảnh chụp bên ngoài Ngân hàng Morgan Stanley tại New York, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Còn hồi đầu tháng 12, Goldman Sachs Group và Wells Fargo cũng đã rời bỏ liên minh này. Có thể thấy việc rút khỏi NZBA đã trở thành một xu hướng trong giới tài chính ngân hàng Mỹ, phần nào phản ánh xu thế tự vệ trước sức ép từ giới chính trị.
Các ngân hàng tháo chạy trước sức ép
NZBA được thành lập từ năm 2021 nhằm đảm bảo các ngân hàng thành viên duy trì sự nhất quán đối với các khoản vay và đầu tư nhằm hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) đến năm 2050 được nêu trong Thỏa thuận Paris.
Tuy nhiên tương lai của NZBA có vẻ ảm đạm khi hàng loạt ngân hàng cùng tuyên bố rút khỏi liên minh này.
Mặc dù Morgan Stanley không đưa ra lý do cho quyết định của họ, tuy nhiên giới phân tích nhận định các ngân hàng hàng đầu Mỹ đã chịu áp lực từ một số chính trị gia Đảng Cộng hòa về việc tham gia NZBA, với các cáo buộc rằng bất kỳ động thái nào nhằm hạn chế tài chính của các công ty nhiên liệu hóa thạch đều có thể vi phạm luật chống độc quyền, theo Hãng tin Reuters.
Trước đó, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa dẫn đầu đã công bố báo cáo cho thấy bằng chứng về hành vi cấu kết và chống cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính. Họ cáo buộc các tổ chức tài chính đã áp các mục tiêu bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) lên doanh nghiệp Mỹ. ESG là một tiêu chí do các liên minh khí hậu khởi xướng.
Không chỉ vậy, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jim Jordan đã đặc biệt chỉ trích các liên minh khí hậu như Hành động vì khí hậu 100+, Liên minh tài chính Glasgow Net Zero (GFANZ) - NZBA là nhánh nhỏ của liên minh này - với cáo buộc làm suy yếu tính cạnh tranh công bằng.
Theo nhà quản lý đầu tư Mark Segal, những tổ chức thành viên GFANZ đã chịu sức ép lớn từ các chính trị gia phe Cộng hòa trong những năm qua. Nhiều nhà lập pháp của đảng này cảnh báo các tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty bảo hiểm, chủ sở hữu tài sản hay nhà đầu tư có thể vướng vào tranh chấp pháp lý từ việc tham gia các liên minh chống biến đổi khí hậu. Không chỉ vậy, các tổ chức này còn bị đe dọa không được tham gia vào những hợp đồng kinh doanh với chính phủ.
Mặc dù hiện chưa rõ liệu việc Tổng thống đắc cử Donald Trump quay lại Nhà Trắng trong những tuần tới sẽ đem lại tác động gì nhưng một điều chắc chắn rằng phe Cộng hòa đã gia tăng áp lực lên giới ngân hàng kể từ khi ông Trump giành chiến thắng.
Kết quả là các ngân hàng và tập đoàn lớn ngày càng thận trọng khi đưa ra động thái nào đó nhằm tránh mâu thuẫn với chính quyền mới, đồng thời dần rút lui khỏi các sáng kiến về khí hậu.
Từ bỏ nỗ lực khí hậu?
Thời điểm "tháo chạy hàng loạt" của các ngân hàng lớn khỏi NZBA ngay trước sự trở lại của ông Trump phần nào phản ánh tác động của tình hình chính trị đến những thay đổi này. Câu hỏi đặt ra là liệu việc các ngân hàng rời NZBA sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nỗ lực chống biến đổi khí hậu tại Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung.
Về phía Morgan Stanley, ông lớn Phố Wall này vẫn cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua mô hình kinh doanh của riêng mình. Cụ thể, ngân hàng này sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ tư vấn và vốn để hỗ trợ khách hàng chuyển đổi qua các phương thức kinh doanh bền vững và giảm mức phát thải carbon, theo American Banker.
Đại diện Morgan Stanley khẳng định "các cam kết của công ty đối với mục tiêu phát thải bằng 0 vẫn không thay đổi". Trong khi đó đại diện Bank of America khẳng định ngân hàng này sẽ tiếp tục hỗ trợ và đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu và trung hòa carbon, "với tư cách là một công ty đã đạt được trung hòa carbon vào năm 2021".
Ngoài ra, một số ngân hàng khác như Citi cho biết họ đang chuyển trọng tâm sang hỗ trợ GFANZ nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Người đại diện Citi nêu rõ: "Chúng tôi quyết định rời khỏi NZBA và tập trung hỗ trợ GFANZ trong giai đoạn mới". Bên cạnh Citi, Bank of America vẫn giữ tư cách thành viên GFANZ.
Có thể thấy hiện tại các ngân hàng vẫn giữ mục tiêu về khí hậu như đã cam kết trước đó. Tuy nhiên họ phải đối mặt với những thách thức trong việc cân bằng các sáng kiến giảm thiểu biến đổi khí hậu và sức ép từ chính trị, đặc biệt trong bối cảnh nhiều khoản vay và đầu tư vào khí hậu đang mâu thuẫn với cục diện chính trị sắp tới tại Washington.
Theo tác giả Saptakee S từ trang phân tích về khí hậu Carbon Credits, bằng việc lựa chọn theo đuổi mục tiêu bền vững một cách độc lập, các ngân hàng có thể thúc đẩy phương thức kinh doanh mới như một phần trong chuỗi hành động chung chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Quay lưng với liên minh ESG
Cùng cảnh ngộ với NZBA, các tổ chức tài chính như State Street hay JPMorgan Chase cũng rút khỏi liên minh ESG Hành động vì khí hậu 100+ từ năm 2024. Theo nhà phân tích chính sách cấp cao Bonner Russell Cohen, quỹ ESG tại các liên minh này đang bị chính nhà đầu tư quay lưng.
Nhiều chuyên gia từ Đại học Columbia và Trường kinh tế London đánh giá các quỹ ESG thường "hoạt động kém". Thông thường hoạt động đầu tư dựa trên tiêu chí ESG tập trung vào các doanh nghiệp cam kết mức phát thải bằng 0. Tuy nhiên nhiều học giả nhận định các hoạt động này có lợi tức đầu tư thấp và thường không mang lại sự bền vững về mặt tài chính.