Chuyên mục  


mo-hinh-may-bay-a321-2141771-2read-only-17106904807391804574413.jpg

Mô hình máy bay A321 tại tổng hành dinh của Airbus ở Pháp - Ảnh: AFP

Ngày 31-1, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam tuân thủ và thực hiện thông báo kỹ thuật khẩn theo sự hướng dẫn của Công ty Pratt & Whitney - nhà sản xuất động cơ PW1100G trang bị cho máy bay Airbus A321neo.

Theo thông tin của Cục Hàng không, 44 máy bay A321neo đang hoạt động sẽ được kiểm tra, bao gồm 20 chiếc của Vietnam Airlines và 24 chiếc của Vietjet Air.

Trái tim của máy bay

Sự việc diễn ra khi một chiếc máy bay A321neo gặp sự cố kỹ thuật về động cơ vào tháng 12-2022. Sau sự cố trên, Cơ quan Hàng không Mỹ (FAA) và Cơ quan Hàng không châu Âu (EASA) yêu cầu Công ty Pratt & Whitney kiểm tra động cơ PW1100G với 1.200 động cơ trên toàn cầu. Các động cơ được tháo rời khỏi thân máy bay để kiểm tra từ tháng 9-2023 cho đến hết năm 2024.

Lịch kiểm tra động cơ PW1100G trên toàn cầu có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động ngành hàng không Việt Nam trong năm 2024. Hiện Vietnam Airlines hoạt động với 64 chiếc A321ceo và A321neo (chiếm 62% đội bay), Vietjet hoạt động với 79 chiếc A320ceo, A321ceo và A321neo (trong đó A321neo chiếm 24 chiếc).

Hàng không là ngành đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, vì độ an toàn gần như tuyệt đối và độ phức tạp của động cơ máy bay cho nên một chiếc máy bay phải do hai công ty sản xuất.

Thế giới có hai công ty làm phần thân máy bay loại lớn và trung là Boeing (Mỹ) & Airbus (châu Âu), năm công ty làm thân máy bay loại trung và nhỏ là Embraer (Brazil), Bombardier (Canada), MRJ (Nhật Bản), Irkut (Nga), COMAC (Trung Quốc). MRJ, Irkut và COMAC đang trong giai đoạn phát triển.

Toàn cầu có ba công ty làm phần động cơ máy bay là Pratt & Whitney, GE (Mỹ) và Rolls Royce (Anh). Các máy bay của các nước trên thế giới muốn đáp xuống sân bay Mỹ và châu Âu bắt buộc phải dùng động cơ công ty Mỹ hoặc Anh để đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của hai cơ quan FAA và EASA. Chẳng hạn như Embraer, Bombardier, MRJ, Irkut dùng động cơ của Pratt & Whitney.

Ðộng cơ máy bay là bộ phận máy móc phức tạp, là trái tim của chiếc máy bay. Vì tính phức tạp của động cơ máy bay nên các công ty liên minh với nhau cùng sản xuất. 

Ðộng cơ V2500 trang bị cho máy bay dòng A320ceo là Pratt & Whitney liên minh với Công ty MTU (Ðức), Japanese Aero Engine Corp (Nhật). Ðộng cơ GP7200 trang bị cho máy bay A380 là liên minh Pratt & Whitney với GE. Ðộng cơ CFM trang bị cho động cơ máy bay dòng B737, B787, A32ceo, A32neo là GE liên minh với Công ty Safran (Pháp).

Một khi công ty sản xuất máy bay bị gặp lỗi kỹ thuật hoặc bị gián đoạn chuỗi cung ứng linh kiện là việc bàn giao máy bay, sửa chữa và bảo trì sẽ không theo đúng lịch trình, dẫn đến ảnh hưởng hoạt động của các hãng hàng không trên toàn cầu.

Cần xem lại xây sân bay ở các địa phương

Trong vòng bán kính 200 - 300km, tương đương 2-3 tiếng giờ chạy xe trên cao tốc, chỉ cần một sân bay. Việt Nam nên tập trung kinh phí và nguồn lực vào phát triển một sân bay cho thật tốt để tăng độ an toàn, tính hiện đại, đón nhiều hành khách. 

Chẳng hạn như khu vực miền Tây có sân bay Cần Thơ, khu vực TP.HCM có sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành (đang xây), khu vực miền Trung có sân bay Nha Trang - Ðà Nẵng - Huế, khu vực miền Bắc có sân bay Nội Bài.

Mỗi dịp đến sân bay Boston hay JFK (New York), tôi thuê xe chạy về nhà tại tiểu bang Connecticut trong vòng 2 tiếng. Từ nhà tôi xuống thủ đô Washington DC, chạy xe và đi xe lửa khoảng 5 tiếng với quãng đường dài 540km. Ước tính dưới 50% hành khách dùng máy bay để di chuyển từ Connecticut đi Washington DC.

Thay vì xây dựng những sân bay nhỏ tại các địa phương, chúng ta tập trung kinh phí và nguồn lực xây dựng hệ thống cao tốc chuẩn và xe lửa tốc độ cao kết nối sân bay với các địa phương để phục vụ việc đi lại, du lịch. 

Các sân bay địa phương có tần suất chuyến bay thấp, khi các hãng hàng không thiếu máy bay dẫn đến sự cắt giảm hoặc hủy chuyến bay về địa phương, sân bay sẽ rơi vào tình trạng hoạt động thấp. Đây là điều lãng phí rất lớn.

Nếu có lượng lớn người dùng cao tốc và xe lửa, các hãng hàng không Việt Nam khai thác máy bay sẽ hiệu quả hơn. Chẳng hạn máy bay tầm trung dòng A320ceo, A320neo, B737max với chặng đường 1-4 tiếng bay thường được dùng để bay từ TP.HCM đi các tỉnh thành trong nước và các thành phố khu vực Ðông Nam Á. 

Máy bay tầm xa dòng B787, A350 dùng cho các chặng đường 5-8 tiếng bay, từ TP.HCM đi Sydney & Melbourne (Úc), Seoul (Hàn), Narita và Haneda (Nhật)...

Khi tập trung máy bay tầm trung cho các chuyến bay nội địa và quốc tế chặng ngắn thì các hãng hàng không Việt Nam sẽ dồn lực cho các máy bay tầm xa, tăng tần suất các chuyến bay đi quốc tế. Hiện tại Vietnam Airlines có khi dùng máy bay tầm xa B787, A350 cho các chuyến bay nội địa TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Ðà Nẵng, thậm chí có cả TP.HCM - Phú Quốc. Đây là điều lãng phí lớn.

Với tính đặc thù của ngành hàng không, các nhà hoạch định chính sách cho ngành hàng không và giao thông Việt Nam cần có một chiến lược dài hạn để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Dòng máy bay an toàn nhất thế giới

Máy bay Airbus dòng A320ceo khai thác vào năm 1988, sức chứa 170-200 hành khách, có thể bay chặng đường 6.000km.

Ðộng cơ trang bị cho dòng A320ceo là V2500, PW6000 của Công ty Pratt & Whitney hoặc CFM56 của Công ty GE. Tổng số máy bay A321ceo, A320ceo được sản xuất là trên 8.000 chiếc với 350 công ty hàng không trên thế giới vận hành trong đó có Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airways, Bamboo Airways.

Vào năm 2016, Công ty Airbus đưa dòng mới A320neo vào khai thác với sức chứa 180-220 hành khách, chặng bay 7.400km. Mỗi chiếc máy bay dòng A320neo được trang bị động cơ công nghệ mới PW1100G của Pratt & Whitney hoặc LEAP của Công ty GE.

Giá mỗi chiếc thuộc dòng A320neo dao động 120-150 triệu USD, phần hai động cơ trị giá 25 triệu USD. Thị trường máy bay A321neo, A320neo được ước tính trên 1.000 tỉ USD.

Máy bay Airbus A320ceo, A320neo được đánh giá là dòng máy bay an toàn nhất thế giới. Tính đến thời điểm 2024, có 172 triệu chuyến bay với 319 triệu giờ bay.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020