Chuyên mục  


iron-dome-17278459036961920075464.jpg

Hệ thống phòng không Vòm sắt của Israel hoạt động vào tối 1-10 - Ảnh: REUTERS

Tối 1-10 (giờ địa phương), Iran triển khai cuộc không kích vào Israel. Tehran đặt tên chiến dịch trên là "Lời hứa đích thực 2", sau đợt tấn công tương tự hồi tháng 4 nhằm đáp trả việc Tel Aviv tấn công đại sứ quán nước này tại Damascus (thủ đô Syria) hôm 1-4.

Vòng xoáy tấn công - trả đũa

Ông Ayatollah Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao của Iran, đã trích dẫn các đoạn trong kinh Quran và dự đoán về một "chiến thắng thiêng liêng", đồng thời khẳng định "những người chính nghĩa" sẽ không bị đánh bại.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian nhấn mạnh rằng cuộc tấn công này là để bảo vệ "lợi ích và người dân Iran", đồng thời cảnh báo Thủ tướng Israel Netanyahu rằng Iran không tìm kiếm xung đột nhưng sẽ đứng vững trước mọi mối đe dọa.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cho biết Iran đã hoàn tất cuộc tấn công của mình và sẽ không có động thái tiếp theo trừ khi bị khiêu khích.

Lực lượng vũ trang Hamas và Houthi ở Yemen đã ca ngợi cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran và khẳng định đây là hành động phản kháng trước những "tội ác liên tiếp" của Israel trong khu vực.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Iran sẽ phải trả giá cho hành động của mình và khẳng định Israel sẽ trả đũa bất kỳ ai tấn công nước này.

nup-ham-israel-1727846038926894182290.jpg

Người dân miền trung Israel trú ẩn trong tiếng còi báo động không kích sau khi Iran bắn loạt tên lửa vào nước này, ngày 1-10 - Ảnh: REUTERS

Người phản đối, kẻ ăn mừng

Tại Dải Gaza, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy người dân chụp ảnh các vụ phóng tên lửa và ăn mừng trước cuộc tấn công của Iran. Trong khi đó, tại thủ đô Beirut của Lebanon, người ủng hộ lực lượng Hezbollah cũng cổ vũ cuộc tấn công của Tehran.

Khi vụ tấn công diễn ra, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho quân đội Mỹ "hỗ trợ bảo vệ Israel trước các cuộc tấn công của Iran và bắn hạ các tên lửa nhằm vào Israel".

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, cho rằng Iran là một lực lượng "nguy hiểm" và "gây bất ổn" ở Trung Đông, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Washington đối với an ninh của Israel.

Bà Harris cũng bày tỏ ủng hộ quyết định của Tổng thống Biden trong việc ra lệnh cho quân đội Mỹ bắn hạ tên lửa Iran nhằm vào Israel.

iran-an-mung-17278461054192102689495.jpg

Người dân Iran ăn mừng trên các con phố thủ đô Tehran sau cuộc tấn công vào Israel, ngày 1-10 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mạnh mẽ lên án vụ tấn công tên lửa của Iran và tái khẳng định cam kết của Pháp đối với an ninh của Israel bằng cách huy động các nguồn lực quân sự tại Trung Đông.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cũng cho rằng các cuộc tấn công tên lửa của Iran là "không thể chấp nhận được" và cảnh báo về nguy cơ leo thang thành "chiến tranh toàn diện". Ông nhấn mạnh Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ để ngăn chặn tình hình leo thang.

Tại Anh, Thủ tướng Keir Starmer lên án mạnh mẽ cuộc tấn công của Iran và khẳng định cam kết của Anh đối với an ninh của Israel. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng kêu gọi chấm dứt vòng xoáy bạo lực tại Trung Đông và kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock yêu cầu Iran chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Israel, cho rằng hành động này đang "đưa khu vực tiến gần hơn tới bờ vực của sự hỗn loạn".

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã lên án sự leo thang xung đột tại Trung Đông và kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Ông bày tỏ lo ngại về việc xung đột giữa Israel và Hezbollah tại Lebanon đang mở rộng cùng với cuộc chiến đang diễn ra với Hamas tại Gaza.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020