Ông Macron phát biểu qua truyền hình ngày 5-12, sau khi Chính phủ Pháp sụp đổ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm một ngày trước đó - Ảnh: AFP
Trong bài phát biểu trước quốc dân ngày 5-12, Tổng thống Macron đã kiên quyết bác bỏ lời kêu gọi từ chức từ phe đối lập. Ông khẳng định ông sẽ vẫn "hoàn toàn" nắm giữ cương vị nguyên thủ quốc gia Pháp cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2027.
Theo Điện Élysée, trong thời gian chờ thành lập chính phủ mới, Tổng thống Macron đã yêu cầu ông Barnier và các bộ trưởng tiếp tục phụ trách các công việc cho đến khi chính phủ mới được thành lập.
Quyết tâm của ông Macron
Luật pháp Pháp không cho phép tổ chức bầu cử lập pháp mới trong vòng một năm kể từ lần gần nhất vào mùa hè năm 2024.
Dù nhiệm kỳ tổng thống của ông Macron vẫn còn hơn hai năm, nhiều đối thủ đã kêu gọi ông từ chức để tháo gỡ bế tắc. Theo khảo sát của Odoxa-Backbone Consulting cho tờ Le Figaro, 59% người Pháp muốn ông từ chức, trong khi khảo sát của Harris cho đài RTL cho con số cao hơn, lên tới 64%.
Tuy nhiên ông Macron khẳng định: "Nhiệm kỳ mà các bạn đã giao phó cho tôi thông qua bầu cử dân chủ năm 2022 kéo dài 5 năm và tôi sẽ thực hiện nó đến cùng".
Ông cũng thừa nhận việc quyết định tổ chức bầu cử Quốc hội sớm vào mùa hè vừa qua là một sai lầm, dẫn đến tình trạng Quốc hội treo.
Lãnh đạo phe cực tả Jean-Luc Mélenchon chỉ trích ông Macron là "nguyên nhân của vấn đề" và khẳng định tổng thống sẽ phải rời nhiệm sở trước khi kết thúc nhiệm kỳ do áp lực từ tình hình.
Tổng thống Macron đã chỉ trích mạnh mẽ phe cực hữu và cực tả vì đã liên minh thành một "mặt trận chống Cộng hòa" để lật đổ chính phủ. Ông cáo buộc các nghị sĩ "cố tình" gây khó khăn khi làm sụp đổ chính phủ chỉ vài ngày trước kỳ nghỉ Giáng sinh.
Tình hình càng trở nên cấp bách khi vào ngày 7-12, ông Macron sẽ đón tiếp các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, nhân dịp khánh thành Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ cháy năm 2019.
Tổng thống Macron ví việc xây dựng lại nhà thờ trong thời hạn 5 năm mà ông đặt ra là minh chứng cho khả năng "làm được những điều vĩ đại" của nước Pháp.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Jean-Noel Barrot đã có động thái hiếm hoi khi kêu gọi đoàn kết qua một bài đăng trên mạng xã hội, nhấn mạnh rằng "bất ổn chính trị đồng nghĩa với dễ tổn thương" trong bối cảnh quốc tế bất định.
Tìm kiếm thủ tướng mới
Đây là lần thứ ba trong năm nay ông Macron phải tìm kiếm một thủ tướng mới. Tuy nhiên, trong bài phát biểu, ông chưa công bố tên ứng viên.
"Tôi sẽ bổ nhiệm một thủ tướng trong vài ngày tới", ông Macron cho biết, nhấn mạnh rằng người này sẽ chịu trách nhiệm thành lập một "chính phủ vì lợi ích chung" với ưu tiên hàng đầu là thông qua kế hoạch ngân sách.
Thời gian phục vụ của mỗi thủ tướng kế nhiệm đều ngắn hơn người tiền nhiệm, và trong bối cảnh Quốc hội treo hiện tại, không có gì đảm bảo người kế nhiệm sẽ trụ lại lâu hơn.
Các ứng viên tiềm năng bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Sebastien Lecornu, đồng minh trung dung Francois Bayrou, và cựu thủ tướng kiêm bộ trưởng nội vụ Bernard Cazeneuve.
Theo một nguồn tin, ông Bayrou đã có cuộc gặp gỡ với tổng thống tại Điện Élysée để thảo luận về tương lai.