Ông David Perdue là cựu thượng nghị sĩ và có hơn 40 năm kinh nghiệm trên thương trường - Ảnh: REUTERS
"Ông ấy sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện chiến lược của tôi nhằm duy trì hòa bình trong khu vực và thiết lập mối quan hệ hợp tác hiệu quả với lãnh đạo Trung Quốc", ông Trump chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social ngày 5-12 (giờ địa phương).
Chính sách với Trung Quốc
Ông Trump, dự kiến nhậm chức vào ngày 20-1-2025, đã nhấn mạnh sẽ áp thuế bổ sung 10% lên hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh không thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn tình trạng buôn lậu fentanyl - một chất gây nghiện cực mạnh.
Trong quá trình tranh cử, ông Trump cũng đe dọa sẽ áp thuế vượt mức 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Theo Hãng tin Reuters, việc chọn ông Perdue vào vị trí đại sứ Mỹ tại Trung Quốc thể hiện rõ định hướng của ông Trump trong nhiệm kỳ tới: tập trung vào các biện pháp thương mại cứng rắn và thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương với Bắc Kinh theo cách có lợi cho Mỹ.
Việc bổ nhiệm ông Perdue đánh dấu sự trở lại của xu hướng chọn các cựu chính trị gia làm đại sứ tại Bắc Kinh - điều thường thấy trong nhiều thập kỷ qua. Trước đó Tổng thống Joe Biden đã phá lệ khi bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu Nicholas Burns vào vai trò này vào năm 2021.
Thách thức thương mại Mỹ - Trung
Là đảng viên Cộng hòa từ Georgia, ông Perdue từng làm thượng nghị sĩ từ năm 2015 đến 2021. Ông cũng có kinh nghiệm sống tại Hong Kong trong suốt sự nghiệp 40 năm làm giám đốc điều hành mảng kinh doanh quốc tế.
Ngoài ông Perdue, ông Trump còn đề cử nhiều nhân vật có quan điểm cứng rắn về Trung Quốc vào các vị trí cấp cao trong chính quyền sắp tới, bao gồm thượng nghị sĩ Marco Rubio làm ngoại trưởng. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy chính sách của ông Trump đối với đối thủ chiến lược hàng đầu là Trung Quốc có thể vượt xa các biện pháp thương mại thông thường.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng bổ nhiệm cựu thống đốc Iowa Terry Branstad làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc.
Dựa trên mối quan hệ cá nhân với các quan chức Trung Quốc, bao gồm cả ông Tập Cận Bình trước khi ông Tập trở thành lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, ông Branstad đã cố gắng xoa dịu căng thẳng thương mại. Tuy nhiên, quan hệ hai bên vẫn rơi vào cuộc chiến thương mại chưa từng có.
Vai trò của đại sứ Mỹ tại Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ song phương căng thẳng hiện tại sẽ ra sao vẫn còn là một câu hỏi mở. Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có khả năng tìm cách tiếp cận trực tiếp với Tổng thống Trump hoặc các cố vấn cấp cao của ông để đối phó với những căng thẳng thương mại chắc chắn sẽ tái diễn.