Cảnh sát New York (NYPD) ngày 5/12 lần đầu đăng ảnh chụp cận nghi phạm trong vụ sát hại CEO Brian Thompson của công ty bảo hiểm UnitedHealthcare, kêu gọi người dân Mỹ cung cấp thông tin với mức thưởng 10.000 USD nếu giúp bắt được nghi phạm.
Thompson, lãnh đạo một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu Mỹ, bị bắn lúc sáng sớm 4/12 tại khu Midtown Manhattan, New York, khi đang trên đường đến khách sạn New York Hilton để tham dự hội nghị nhà đầu tư thường niên của doanh nghiệp. NYPD cho biết nghi phạm chờ đợi gần khách sạn trong khoảng 10 phút giữa trời rét.
Khoảnh khắc CEO Brian Thompson bị bắn chết trên đường phố New York ngày 4/12. Video có cảnh bạo lực, độc giả cân nhắc trước khi xem. Video: CNN
Khi Thompson xuất hiện, nghi phạm tiếp cận và nổ nhiều phát súng từ khoảng cách 6 m. Thompson trúng đạn ở lưng và chân, được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch nhưng không qua khỏi. Nghi phạm sau đó tẩu thoát vào Công viên Trung tâm và mất dấu.
Xác định đây là vụ "giết người táo tợn" giữa trung tâm thành phố đông đúc bậc nhất thế giới, NYPD đã dồn hết nguồn lực để tra xét, truy bắt nghi phạm. Hơn 24 giờ sau, thông tin về thân phận của nghi phạm đang dần rõ hơn, qua nhiều manh mối mà cơ quan điều tra tiết lộ.
Ám ảnh về ngành bảo hiểm
Manh mối quan trọng nhất để cảnh sát xác định động cơ gây án của nghi phạm là các dòng chữ khắc trên vỏ đạn tại hiện trường, gồm "deny" (khước từ), "defend" (bảo vệ) và "depose" (phế truất).
Những thông điệp này gần giống với tiêu đề của một cuốn sách được xuất bản vào năm 2010 về ngành bảo hiểm: Trì hoãn, Phủ nhận, Bảo vệ - Vì sao các công ty bảo hiểm không trả tiền và bạn cần xử trí ra sao.
Cuốn sách đã đưa ra nhiều thông điệp chỉ trích kịch liệt ngành bảo hiểm. Cảnh sát đang điều tra khả năng nghi phạm có liên quan tới nội dung cuốn sách hoặc xem đây như một lời công kích chung nhắm vào ngành bảo hiểm. Jay M. Feinman, tác giả cuốn sách và giáo sư danh dự tại Trường Luật Rutgers, chưa lên tiếng về những đồn đoán này.
Thông điệp trên vỏ đạn khiến cảnh sát tin rằng nghi phạm là người có hiềm khích nào đó với ngành bảo hiểm nói chung và CEO Thompson nói riêng.
Paulette Thompson, vợ của Thompson, cho biết chồng mình từng kể rằng đã có vài khách hàng đe dọa ông về các khoản yêu cầu chi trả bảo hiểm không được thanh toán. Tuy nhiên, bà Paulette không biết những người này là ai.
Dữ liệu tư pháp cho thấy Thompson và một số lãnh đạo khác của công ty bảo hiểm UnitedHealth Group đang đối mặt đơn kiện từ quỹ hưu trí lính cứu hỏa tại Florida. Trong vụ kiện, các lãnh đạo công ty UnitedHealth Group bị cáo buộc đã lợi dụng thông tin nội bộ về cuộc điều tra chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ từ năm 2022 để bán tháo cổ phiếu công ty, thu lời hàng triệu USD.
Theo đơn kiện, tổng số cổ phiếu được bán ra có giá trị hơn 120 triệu USD. Thompson bị cáo buộc đã bán hơn 15 triệu USD cổ phiếu của mình trước khi tin tức điều tra được công bố. Vụ kiện đang được xử lý tại Minnesota.
Báo cáo về khả năng chi trả cho dịch vụ y tế của người Mỹ được Gallup và West Health công bố hồi đầu năm cho thấy chỉ có 55% người Mỹ trưởng thành có thể sử dụng và trang trải cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết. Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ khi hai tổ chức này bắt đầu thu thập dữ liệu năm 2021, giảm 6 điểm phần trăm so với năm 2022.
Hoài nghi về thông tin nghi phạm là sát thủ chuyên nghiệp
Việc nghi phạm phục kích gần khách sạn nơi Thompson sắp đến họp và ra tay một cách nhanh chóng rồi rời đi bằng xe đạp điện khiến nhiều người đặt giả thuyết đây là một sát thủ chuyên nghiệp được thuê để hạ sát mục tiêu. Tuy nhiên, các thông tin mà cảnh sát thu thập được làm dấy lên nhiều hoài nghi về giả thuyết này.
CNN dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết nghi phạm di chuyển bằng xe buýt từ Atlanta thuộc bang Georgia đến New York vào ngày 24/11, cách thời điểm gây án 10 ngày. Nghi phạm xuống tại bến xe ở Manhattan và sau đó sử dụng giấy tờ giả để đăng ký lưu trú tại nhà trọ số 891 Đại lộ Amsterdam, khu Upper West Side của Manhattan.
Ngày 29/11, nghi phạm rời khỏi nhà trọ một đêm và trở lại vào ngày 30/11. Trong thời gian ở đây, người này thường xuyên đeo khẩu trang, thanh toán bằng tiền mặt, không để lại dấu vết giao dịch, nhưng đã phạm phải một sai lầm sơ đẳng.
Một nhân viên nhà trọ cho biết trong quá trình thanh toán đã yêu cầu khách bỏ khẩu trang để nói chuyện và nghi phạm đã làm theo. Đó là thời điểm camera giám sát trong nhà trọ thu được bức ảnh rõ nét về chân dung nghi phạm.
Khoảnh khắc nghi phạm lộ mặt khi nói chuyện với nhân viên nhà trọ. Ảnh: NYPD
Vũ khí được nghi phạm sử dụng trong vụ ám sát cũng khiến giới chức và các chuyên gia tin rằng đây không phải là sát thủ chuyên nghiệp.
Khẩu súng mà sát thủ dùng dường như có nòng dài hoặc được lắp nòng giảm thanh, điều vốn không quá cần thiết khi gây án trên đường phố, nơi có nhiều người qua lại. Hình ảnh từ camera giám sát cho thấy nghi phạm cũng phải lên đạn sau mỗi phát bắn, chứng tỏ đây không phải là vũ khí mà các sát thủ chuyên nghiệp thường sử dụng.
"Việc khẩu súng cần lên đạn thủ công sau mỗi phát bắn khá bất thường. Đây có thể là một loại súng hiếm", Paul Mauro, cựu thanh tra NYPD, nhận định. Súng càng hiếm, giới chức càng dễ xác định người sở hữu, mua bán.
Cảnh sát đang xem xét giả thuyết nghi phạm dùng loại súng B&T VP9, phiên bản cải tiến của khẩu Welrod. Loại súng được chế tạo từ thời Thế chiến II này không có nòng giảm thanh, nhưng phần nòng dài được chế tạo đặc biệt để viên đạn cỡ 9 mm đi qua mà gần như không tạo ra tiếng nổ lớn.
Bản B&T VP9 được phát triển bởi một công ty ở bang Connecticut và gần đây có một khẩu được bán ra thị trường.
Cựu đặc vụ FBI Jennifer Coffindaffer sau nhiều lần xem video khoảnh khắc nghi phạm bắn Thompson đã nhận định người này đã dành nhiều thời gian chuẩn bị, sử dụng rất thuần thục khẩu súng đặc biệt của mình.
Khẩu súng nghi phạm sử dụng đã bị kẹt đạn ba lần. Sau mỗi lần như vậy, nghi phạm đã xử lý một cách bình tĩnh bằng cách kéo khóa nòng, hất viên đạn thối ra ngoài, lên viên đạn tiếp theo và bắn tiếp.
Khẩu súng của nghi phạm ám sát Brian Thompson có cách hoạt động khác thường, buộc hung thủ lên đạn thủ công sau mỗi phát bắn. Ảnh: NYPD
Tuy nhiên, Coffindaffer, người từng có 28 năm kinh nghiệm tại FBI chuyên về các băng nhóm, ma túy và tội phạm có tổ chức, cho hay sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy không đồng nghĩa nghi phạm là sát thủ chuyên nghiệp hay thiện xạ có nghề. Bất cứ ai có kinh nghiệm quân ngũ hay từng làm việc trong lực lượng hành pháp, hoặc tập bắn súng thường xuyên đều có thể xử lý tình huống
"Tôi tin rằng nghi phạm biết trước súng sẽ kẹt đạn sau mỗi lần bắn. Tuy nhiên, một người bình thường có thể đến câu lạc bộ bắn súng, tập luyện liên tục và đủ thành thạo để làm những gì anh ta đã làm", bà nói.
Dennis Kenney, giáo sư tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay, đồng tình với nhận định này. Ông phân tích rằng sát thủ chuyên nghiệp thường tránh ra tay ở nơi đông người, hay xuất hiện ở khu vực có rủi ro lộ mặt cao như trung tâm Manhattan.
"Nổ súng bắn người ở khu Midtown Manhattan ẩn chứa quá nhiều rủi ro", ông nhận định. "Một sát thủ chuyên nghiệp thường hành động ở nơi nạn nhân thường xuất hiện nhất, ở nơi cực ít nguy cơ chạm mặt người khác hoặc bị giám sát. Sát thủ chuyên nghiệp sẽ hiểu rõ Midtown Manhattan có camera ở khắp nơi".
Zeke Unger, chuyên gia về tội phạm thường xuyên cộng tác với Cảnh sát Tư pháp Mỹ, cũng cho rằng nghi phạm giết Thompson có kiểu hành vi không khớp với những yếu tố thông thường để ông nhận diện sát thủ chuyên nghiệp, mà giống với một người có vấn đề về tâm lý hơn.
"Chứng kiến cách nghi phạm sử dụng một khẩu súng liên tục kẹt đạn, đeo một chiếc balo sáng màu nổi bật, tôi không nghĩ đó là cách làm của một sát thủ giết người theo hợp đồng. Dường như đây là hành động trả thù của một cá nhân", ông nói.
Thanh Danh (Theo NY Post, Slate, CNN, USA Today)