Chuyên mục  


Khi hàng trăm triệu người về quê sum họp trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Vũ Văn lại sợ về nhà, bởi lo sẽ bị họ hàng "tra hỏi" mọi ngóc ngách trong cuộc sống, đặc biệt là công việc và thù lao.

Cha mẹ biết Vũ mất việc và thông cảm điều này, đồng ý với con trai rằng cách tốt nhất là nói dối họ hàng anh vẫn làm công việc cũ. "Gia đình cũng chỉ gặp mặt họ hàng ba ngày, nó sẽ kết thúc sớm thôi", Vũ nói.

Trên các mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc, hàng trăm thanh niên cho biết đã quyết định không về quê ăn Tết năm nay. Giống Vũ, nhiều người số này đang rơi vào cảnh thất nghiệp.

Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng, nền kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm sau Covid-19. Hơn 1/5 dân số thành thị độ tuổi 16-24 ở Trung Quốc đang thất nghiệp, theo số liệu được công bố tháng 6/2023. Chính phủ Trung Quốc sau đó ngừng công bố dữ liệu thất nghiệp ở người trẻ. Khi số liệu được công bố trở lại vào tháng 1, tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức 14,9%, nhưng loại trừ sinh viên.

Hành khách lên tàu tại nhà ga thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày 6/2. Ảnh: AFP

Vũ Văn, từng có công việc quản lý, đào tạo gia sư nước ngoài cho học sinh Trung Quốc, mất việc sau khi chính phủ cấm dạy thêm năm 2021. Anh được nhận vào một công ty công nghệ lớn ở Bắc Kinh, song cũng nhanh chóng thất nghiệp trong làn sóng sa thải nhân sự công nghệ của Trung Quốc.

Vũ đã gửi hơn 1.000 hồ sơ xin việc trong 6 tháng qua, hạ thấp kỳ vọng lương, nhưng chưa nhận được phản hồi nào. "Ban đầu tôi khá bình thản, nhưng ngày càng lo lắng, không ngờ mọi chuyện khó khăn thế", Vũ nói.

Tại Thâm Quyến, huấn luyện viên thể hình (PT) Khánh Phong đã quyết định du lịch một mình dịp Tết, sau khi nói dối bố mẹ rằng không thể mua vé về nhà.

Khánh xuất ngũ năm 2019, làm PT và kiếm được 2.800 USD mỗi tháng ở Thượng Hải. Năm 2023, anh chuyển đến Thâm Quyến làm công việc văn phòng để sống gần bạn gái, nhưng thù lao chỉ hơn 600 USD.

Khánh bỏ việc sau hai tháng và chuẩn bị được nhận làm PT tại một phòng gym sau Tết, nhưng anh không muốn về quê do mất gần hết tiền tiết kiệm. "Tôi thất bại trên sàn chứng khoán. Ai cũng muốn về nhà ăn Tết, nhưng tôi chỉ thấy xấu hổ".

Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong năm 5 năm trong phiên 2/2. Khánh cũng không lạc quan về lượng khách hàng trong phòng gym mới do kinh tế suy thoái. "Nhiều phòng gym lớn phải đóng cửa gần đây do nợ nần", anh nói.

Người dân Trung Quốc chờ tàu về quê tại nhà ga Bắc Kinh hôm 9/2. Ảnh: Reuters

Điều kiện kinh tế không phải là nguyên nhân duy khiến nhiều thanh niên Trung Quốc không muốn về nhà ăn Tết.

Tiêu Ba, phụ nữ độc thân, không về quê do không muốn bị họ hàng gây áp lực phải kết hôn, ổn định cuộc sống. Giám đốc 35 tuổi này công tác nhiều nơi tại Trung Quốc, nhưng khi đến bất kỳ thành phố nào, mẹ cô sẽ tìm một người đàn ông và giục cô hẹn hò giấu mặt. "Điều này thật quá đáng", Tiêu bức xúc.

Dân số Trung Quốc sụt giảm năm thứ hai liên tiếp khi tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, tiềm ẩn thách thức lớn về nhân khẩu học. Từ năm 2021, nước này đã triển khai nhiều chính sách để khuyến khích người dân sinh con, như giảm thuế, chế độ nghỉ thai sản dài hơn và trợ giá nhà ở, song đến nay chưa có nhiều hiệu quả.

Tiêu Ba quyết định đón Tết cùng mèo cưng và xem Gala mừng năm mới trên TV ở Thâm Quyến.

Trong khi đó, Vũ Văn kỳ vọng tình hình cải thiện vào Tết năm sau. "Tôi tin mình làm được, chưa từng nghĩ sẽ bỏ cuộc, nhưng tôi cũng không quá lạc quan về nền kinh tế năm tới", anh nói.

Đức Trung (Theo BBC)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020