Chuyên mục  


ntmn-170540038473790687234.jpg

Nguyễn Thị Minh Ngọc

Người Việt xứ người vẫn ăn Tết, giữ Tết, dù có lúc chỉ một mình…

Nhiều người lo lắng rằng giới trẻ Việt ở hải ngoại sẽ dễ dàng mất bản sắc Việt hơn những người dân tộc khác. Nhưng tôi không lo, chính qua sự quan sát và lắng nghe những mùa Tết xứ người.
Nguyễn Thị Minh Ngọc

Tết… Tết… Tết… xứ Mỹ

nha-van-ng-thi-hue-xua-17054004781648840520.jpg

Phụ nữ Việt đều xúng xính áo dài ngày Tết

Một dịp theo ông xã đi công tác ở Nam California - nơi nhiều người Việt sinh sống nhất, tôi đã được đón giao thừa ở khách sạn và đến hội chợ Tết.

Không gian chợ Tết tái tạo những hình ảnh thật quen thuộc như cổng làng quê, chợ Tết quê, cây nêu, câu đối, múa lân ông địa và đốt pháo, các trò chơi dân gian cho trẻ em lẫn người lớn, bánh chưng, bánh tét, các loại ngũ quả, mứt chè, ông đồ cho chữ, hoa lộc đầu năm...

Khu trò chơi, ẩm thực rộn ràng vậy, hương vị Tết Việt còn thấm đẫm ở những góc tâm linh với trống đồng, câu đối được chưng trong đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, đền thờ Hai Bà Trưng, hình ảnh đại diện ba miền với tháp rùa Hà Nội, chùa Thiên Mụ, chợ Bến Thành, lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, tượng đài Trần Hưng Đạo…

Hội chợ Tết thường kéo dài ba ngày và các chương trình biểu diễn cũng được thay đổi hằng đêm với các cuộc thi thời trang áo dài, vũ điệu dân tộc, bài ca xuân và quê hương…

Trước dịch COVID-19, tôi từng được tham gia biểu diễn kịch vui ngắn ở đó, lúc mà chị Ngọc Đan Thanh chưa xuống tóc, chị Ngọc Đáng còn khỏe mạnh. Cũng gặp ở đó Thanh Thanh Tâm từ tiểu bang khác về diễn cải lương cùng ca sĩ Quang Thành.

Tết Giáp Thìn sắp tới, Thành nhận được khá nhiều show mời diễn Tết không chỉ ở các hội chợ mà còn từ các hội đoàn tôn giáo, hội đồng hương tại các thành phố có đông người Việt ở như Orange County (California), Houston (Texas), Seattle (Washington)…

Gần đây được ăn Tết cả trong ngoài nước, Quang Thành chia sẻ điều thú vị mà anh nhận thấy: trong khi các nghệ sĩ, ca sĩ ở Việt Nam thường nghỉ ngơi trước Tết để từ mùng 1 có thể diễn một ngày mấy show, thì ở Mỹ các ngày cuối tuần của ba tuần trước và sau Tết đã có lịch biểu diễn từ các tổ chức tôn giáo, cộng đồng, các hội đồng hương.

Theo Thành, hội chợ Tết ở đất Mỹ có nhiều sinh hoạt gần với Tết truyền thống ngày xưa hơn qua chiếc áo dài từ người biểu diễn đến khách du xuân, áo dài truyền thống chứ không cách tân xa chiếc áo gốc như trong nước.

Quang Thành còn nhận ra nếu ở Việt Nam, Tết còn là mùa du lịch, nhiều hàng quán đóng cửa, nhiều người đổ tới các nơi mà trong năm không có dịp đi thì ở Mỹ chính đây là mùa sum họp. Ở những nơi đông người Việt sống, không khí Tết đậm đặc, tạo cảm giác Tết ở đất Mỹ được khơi dậy sớm hơn, lâu hơn và dài hơn.

Các cháu của Thành rất hào hứng vì đến mùa này, cùng với người lớn, các cậu bé được mặc áo dài và thưởng thức món ăn Việt, nào chả giò, nào bánh tét bánh chưng, được cả lì xì…

Hiện có vài nơi ở Mỹ như thành phố Seattle đã xin cấp phép cho nhóm Liên Á như Hàn, Hoa, Lào, Thái, Nhật, Việt tổ chức ngày hội Tết chung. Với nhiều nghệ sĩ cải lương ở hải ngoại, hội Tết đó còn là cơ hội tuyệt vời nhất để giới thiệu nghệ thuật cải lương với các cộng đồng châu Á khác.

trong-com-1705400587312679597976.jpg

Các em thiếu nhi biểu diễn trống cơm

Tùy theo số lượng người Việt ở nơi mình ở nhiều hay ít mà cách chuẩn bị hội chợ Tết lớn hay nhỏ. Nhà văn Nguyễn Thị Huế Xưa - vốn là một y tá trưởng của Bệnh viện Seton tại Austin (Mỹ), một trong những người đầu tiên gầy dựng nên lớp học tiếng Việt ở chùa Linh Sơn - cho biết:

"Ngày Tết ở đây còn là Ngày văn hóa Việt Nam. Nhóm điều hành cộng đồng thường phải chuẩn bị trước 6 tháng để tìm nhà bảo trợ, góp tay cho những chương trình đầy đủ chất lễ nghĩa nghiêm trang cùng chất hội hè sao cho thu hút được nhiều người trẻ tới, ngoài các thành phần lão niên và trung niên".

Từ các nhà bảo trợ sẽ có những gian hàng, không chỉ bán thức ăn, hoa, áo dài, còn có cả bảo hiểm sức khỏe, tin tức khoa học. Bên cạnh các cành mai, đào, nhánh trúc, chậu cúc, lồng đèn, câu đối… còn có những chiếc xích lô để khách chụp hình.

Tôi cũng từng ngồi lên xích lô chụp ảnh với cảnh phía sau là ảnh nhà thờ Đức Bà. Khách mời có khi có cả thượng nghị sĩ Mỹ cùng các trưởng lão người Việt trong áo dài gấm truyền thống, từ giới thiệu quan khách, nghi thức lễ, cúng bái đến những bài sớ Táo quân tóm chuyện trong năm với ý nghĩa ngày Tết, lòng tri ân tổ tiên ông bà, chuyện con vật tiêu biểu của năm… đều được chuẩn bị bằng hai thứ tiếng. Phần văn nghệ không thể thiếu màn múa lân và mừng tuổi lì xì.

Có Tết, khách dự được lì xì bằng bánh tét do các quân nhân Mỹ gốc Việt trẻ tuổi nấu tặng. Xen kẽ chương trình văn nghệ thường là các cuộc thi có thưởng tìm hiểu sử Việt, thi hoa hậu áo dài cả thiếu nhi và người lớn mà các kiểu thức áo dài cùng khăn đóng truyền thống luôn được tôn trọng.

Đôi khi có cả một hoạt cảnh lễ cưới xưa, chú rể có thể là người nước ngoài nhưng cũng mặc áo dài và cũng bái lễ tơ hồng.

Một cư dân mới của Austin, hàng xóm của tôi là chị Hạnh Dương. Để đỡ nhớ quê và làm từ thiện, Hạnh bán thức ăn Việt Nam tại một công viên trên chiếc xe kéo ghi tên: Mekong Delta Cuisine at Hanh's Homemade.

Giao thừa Tây, Hạnh cùng chồng, nhà khoa học Thomas David Hayes, cùng hai con trên bốn chiếc kayak chèo khoảng bốn dặm ra cây cầu ở trung tâm thành phố để xem pháo hoa bắn ngay sát bờ sông.

Giao thừa ta, họ không cần rời nhà vì đã có một bàn thờ được chuẩn bị đầy đủ màu sắc Việt để Hạnh cùng hai con của chị có cảm giác đã mang cả Tết quê hương theo mình.

ngoc-dang-tuan-vu-thanh-thanh-tam-quang-thanh-1705400673597696901268.jpg

Các nghệ sĩ Việt biểu diễn trong lễ hội Tết (từ trái sang): Ngọc Đáng, Tuấn Vũ, Thanh Thanh Tâm, Quang Thành

Khởi đầu bằng việc đi học tiếng Việt để chiều lòng mẹ cha, làm quen với những tập tục như thờ cúng ông bà, giỗ, Tết, cách cư xử tử tế của các thế hệ đi trước, đến một tuổi nào đó, cội nguồn chính là ẩn số thú vị mà nhiều thanh niên trưởng thành tìm về để trả lời câu hỏi mình là ai và mình từ đâu đến...

Dẫu một mình vẫn đậm đà Tết Việt

Năm nay, tôi và Quang Thành tham gia làm giám khảo cuộc thi trực tuyến tuyển lựa giọng ca cải lương Út Trong Award.

Nghệ sĩ Linh Huyền đã sáng lập giải này vào năm 2021 nhằm tri ân và tôn vinh nhạc sĩ Út Trong - người có nhiều cống hiến trong sáng tạo và đào tạo nghệ thuật cải lương. Là người Việt độc nhất ở thành phố Spolato ở Ý, Huyền vẫn cố giữ phong tục cúng muối, gạo, trà, nước, đơm mâm ngũ quả để giữa sân vào đêm giao thừa, thắp nhang, đốt trầm để lạy trời đất.

Huyền kể cô cố gắng tìm kiếm trái cây Việt Nam. Bưởi, thơm, táo là những thứ dễ tìm, có năm hên còn được trái thanh long tươi, có năm chỉ kiếm được trái dừa. Mùng 1 Tết, Huyền cùng ông xã là họa sĩ Richard di San Marzano ngồi cho con cháu chúc Tết trong một dinh thự cổ của dòng tộc Assinari di San Marzano - nơi còn gìn giữ chiếc giếng cách đây hai ngàn năm.

Hơn tám năm sống ở xứ người, Huyền bảo mình nhận ra sự đồng dạng nhiều mặt giữa hai nền văn hóa Ý và Việt Nam, đặc biệt về truyền thống ẩm thực và ăn uống, ứng xử văn hóa và nghệ thuật.

Chủ trương sống tam đại đồng đường của các gia đình Việt Nam xưa cũng là kiểu sống mà người Ý hướng về. Gần đây, Linh Huyền tham gia hát trong chương trình Tết quê hương do sứ quán Việt Nam tổ chức ở Rome với số lượng tham dự gần 100 người trên tổng số khoảng 3.000 người Việt sống trên toàn nước Ý.

hanh-duong-va-xe-truck-homemase-cua-minh-17054007924831297558507.jpg

Chiếc xe bán đồ ăn Việt của chị Hạnh Dương mỗi mùa lễ hội

Để văn hóa Việt được gìn giữ và lưu truyền cho người trẻ ở bên nước ngoài, có nhiều người khá bi quan, lo sợ khát vọng hội nhập với bản xứ cùng việc coi nhẹ căn tính dân tộc khiến cộng đồng người Việt hải ngoại mất bản sắc Việt nhanh hơn các cộng đồng hải ngoại khác.

Thực tế cho thấy, đành rằng quá khứ vẫn còn để lại những vết sẹo khiến tính đoàn kết và hòa hợp giữa người Việt bị yếu đi, nhưng khi khởi đầu bằng việc đi học tiếng Việt để chiều lòng mẹ cha, làm quen với những tập tục như thờ cúng ông bà, giỗ, Tết, cách cư xử tử tế của các thế hệ đi trước, thì dù thành công trong việc hội nhập đến đâu, đến độ tuổi nào đó, cội nguồn chính là một ẩn số thú vị mà nhiều thanh niên trưởng thành rất muốn tìm về, để chính mình tự trả lời câu hỏi mình là ai và mình từ đâu đến.

Những gì tôi được quan sát qua những trải nghiệm của mình chứng minh điều đó. Ở Anh, hơn 60.000 người Việt sinh sống trong đó có khoảng 8.000 du học sinh nhưng vẫn chưa có một trung tâm dạy tiếng Việt bài bản nào cho trẻ em gốc Việt.

Tết 2020, các du học sinh ở London đã tổ chức chương trình "Tết về nhà", quy mô nhỏ về không gian lẫn thời gian nhưng vẫn đầy đủ các món ăn đặc trưng ngày Tết cùng với các sinh hoạt văn nghệ, múa lân, mừng tuổi và trình diễn áo dài.

quynhtram-212-1-17054008986152096995395.jpg

Quỳnh Trâm, cô gái khiếm thị đến Mỹ được ba năm, thi hát cải lương giải Út Trong

Năm 1989, gia đình Diễm Cơ từ Việt Nam chuyển sang sống ở thành phố Allen (Texas), nơi mà cộng đồng Việt lúc đó nhỏ tới độ khi Tết đến, họ đã sắp xếp để chùa, nhà thờ Công giáo và Tin Lành tổ chức hội Tết vào ba ngày khác nhau để 200 người Việt ở đó có thể luân phiên cùng dự.

Nay cộng đồng Việt đã nảy nở thêm nhiều, dàn nhạc giao hưởng của thành phố Allen đã mời Diễm Cơ vào thành viên ban quản trị để tổ chức những sự kiện như Tết của người châu Á.

Diễm Cơ bày tỏ với tôi sự sốt ruột về việc văn hóa Việt chưa được phát triển và phổ biến một cách bài bản. Tôi thì tin rằng một khi đã nhận ra vấn đề, cô sẽ tìm ra cách khắc phục.

Đa số thế hệ thứ nhất và cả thứ nhì ở hải ngoại đều nhận biết để có thể bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam ngay tại xứ người còn tùy vào ý thức của từng gia đình. Đó là một công việc lâu dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn.

Nhắc lại những lớp dạy tiếng Việt ở chùa Linh Sơn tại Austin (Mỹ) do mình góp tay gầy dựng, nhà văn Huế Xưa cho biết phải cảm ơn sự tiếp nối hoạt động như nhóm dạy song ngữ dạy cả tiếng Việt cho người Mỹ, các trang web văn chương, các cuộc thi viết về nước Mỹ bằng tiếng Việt, thi hát dân ca, đờn ca tài tử… là những môi trường mở ra thêm cho tiếng Việt cũng như văn hóa Việt được trường tồn ở xứ người.

Nhớ về những điều này trong lúc ngồi chấm thi hát cải lương giải Út Trong trên đất Mỹ càng làm tôi nao lòng mỗi khi thí sinh cất giọng.

Buổi thi đầu tiên của vòng chung kết, thí sinh Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm ở Minnesota đã khiến các giám khảo cảm động vì giọng ca chân phương, lối diễn biết kiềm chế cảm xúc khi cố gắng hóa thân vào vai một bà vú gấp đôi tuổi cô trong vở Tấm lòng của biển của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng.

Khiếm thị bẩm sinh, kết hôn và đến Mỹ trong mùa Covid-19, Trâm hiện đang ổn định tâm lý, bớt nhớ nhà, chuyên tâm học tập và không quên luyện những giai điệu ca cổ đã được cô ngân nga từ thuở nhỏ.

Hình ảnh lạc quan của cô sinh viên Quỳnh Trâm cũng như hai người con của Hạnh Dương - con gái vừa học đại học âm nhạc năm ba vừa đi dạy kèm piano của một trung tâm âm nhạc, con trai vừa học năm cuối trung học vừa làm, cố gắng thi vào y khoa, và nhiều bạn trẻ nữa đang nô nức tham gia những hội chợ Tết khắp nơi, tôi tin vào tương lai tươi sáng của một thế hệ trẻ gốc Việt cầu tiến, hội nhập kịp và giữ được bản sắc Việt.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020