Chuyên mục  


"Chúng tôi đã thực thi hành động sâu rộng để thực hiện cam kết của G7 về cắt giảm doanh thu từ lĩnh vực năng lượng của Nga", Bộ Tài chính Mỹ thông báo hôm 10/1.

Cơ quan này sẽ áp lệnh trừng phạt với gần 400 cá nhân và thực thể của Nga, trong đó có 183 tàu chở dầu, các nhà giao dịch dầu mỏ và cung cấp mỏ dầu, cùng hai tập đoàn năng lượng lớn của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegas, bên cạnh hàng chục chi nhánh của hai tập đoàn này.

Daleep Singh, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ về kinh tế quốc tế, cho biết đây là lệnh trừng phạt lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ đối với ngành năng lượng Nga. "Lĩnh vực này là nguồn thu chính mà Điện Kremlin sử dụng để phục vụ cho chiến dịch tại Ukraine", ông nói.

Các quan chức cấp cao Mỹ cho biết mục tiêu của đợt trừng phạt này là cung cấp cho Washington thêm lợi thế để có thể dàn xếp "hòa bình công bằng" giữa Moskva và Kiev.

Biển hiệu Gazprom tại một trạm xăng ở Belgrade, Serbia, hôm 8/1. Ảnh: AFP

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ban hành các biện pháp trừng phạt riêng với gần 80 cá nhân và thực thể thuộc ngành năng lượng Nga, trong đó có những cá nhân, thực thể tham gia quá trình sản xuất, xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Cơ quan này còn nhắm tới những người tham gia lĩnh vực kim loại và khai khoáng, như các quan chức cấp cao của cơ quan năng lượng nguyên tử Nga Rosatom.

Chính phủ Anh cùng ngày cũng tuyên bố áp đặt trừng phạt với Gazprom Neft và Surgutneftegas, cáo buộc lợi nhuận của hai tập đoàn này đang được sử dụng để phục vụ cho chiến dịch của Nga tại Ukraine.

Chính phủ Nga chưa bình luận về thông tin. Trước khi loạt lệnh trừng phạt được công bố, phát ngôn viện Điện Kremlin Dmitry Peskov đã chỉ trích Tổng thống Joe Biden đang "tìm cách để lại di sản nặng nề nhất" cho người kế nhiệm.

Tập đoàn Gazprom Neft lên án các lệnh trừng phạt. "Chúng tôi coi quyết định đưa tài sản của công ty vào danh sách trừng phạt là vô căn cứ, bất hợp pháp và đi ngược lại nguyên tắc về tự do trong cạnh tranh", đại diện Gazprom Neft nhấn mạnh.

Rosatom cũng chỉ trích các động thái của Mỹ là "vô lý".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi lệnh trừng phạt, cho rằng chúng sẽ "giáng đòn mạnh" vào nền tảng tài chính phục vụ cho chiến dịch của Nga, gây gián đoạn toàn bộ chuỗi cung ứng.

Loạt biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và Anh đã khiến giá dầu thô Brent Biển Bắc tăng 3,6%, lên mức 79,68 USD mỗi thùng vào chiều 10/1.

Động thái được công bố chỉ 10 ngày trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức, có thể sẽ gây khó khăn cho nỗ lực chấm dứt xung đột tại Ukraine. Ông Trump từng tuyên bố sẽ dàn xếp để kết thúc chiến sự ở Ukraine ngay sau khi đắc cử, dù gần đây thừa nhận mục tiêu này có thể mất nhiều thời gian hơn.

Mỹ và đồng minh áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga từ khi xung đột Ukraine bùng phát đầu năm 2022.

Phạm Giang (Theo AFP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020