Chuyên mục  


Ulloriaq Jeppese, nhà sản xuất chương trình phát thanh ở Greenland, hòn đảo tự trị thuộc Đan Mạch, vẫn nhớ như in cách mọi thứ bắt đầu.

Năm 2019, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Donald Trump đã nêu ra ý tưởng Mỹ mua lại Greenland. Vào thời điểm đó, hầu hết người dân ở Greenland và Đan Mạch đều nghĩ đề xuất của ông là trò đùa.

Máy bay được cho là chở Donald Trump Jr., con trai Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đến thủ phủ Nuuk, Greenland, ngày 7/1. Ảnh: AFP

"Mọi người đều nói 'ha ha, đó là điều không thể, ông ấy không có ý như vậy đâu'", Jeppesen, một người Greenland bản địa, cho biết. "Nhưng rõ ràng chúng ta đã nhầm. Hãy nhìn vào những gì chúng ta thấy hôm nay".

Giờ đây, Tổng thống đắc cử Trump liên tục nêu ý tưởng Mỹ cần sáp nhập Greenland để "đảm bảo an ninh". Điều đó khiến người dân Greenland đặt ra các câu hỏi về mức độ nghiêm túc của ông Trump, nhưng với nhiều lo lắng hơn.

Những bình luận công khai vài tuần qua cho thấy Trump có vẻ hoàn toàn nghiêm túc với ý tưởng này, phớt lờ việc các lãnh đạo Greenland và Đan Mạch đã khẳng định rõ ràng rằng hòn đảo không phải để bán và tương lai của nó phải do người dân địa phương quyết định.

"Vì mục đích an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, Mỹ cảm thấy quyền sở hữu và kiểm soát Greenland là điều hoàn toàn cần thiết", ông Trump viết trên mạng xã hội hồi cuối tháng 12 năm ngoái, khi thông báo về nhân sự đề cử cho vị trí đại sứ Mỹ tại Đan Mạch.

Trong cuộc họp báo hôm 7/1 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Tổng thống đắc cử thậm chí còn đưa ra tuyên bố gây sốc hơn: Ông để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát Greenland và kênh đào Panama.

Pháp và Đức đều coi đây là vấn đề nghiêm trọng, đến mức cả hai nước đã ra tuyên bố vào ngày 8/1 rằng toàn vẹn lãnh thổ của Greenland phải được bảo vệ, đồng thời cảnh báo về những rủi ro có thể nảy sinh từ bất kỳ hành động quân sự nào.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nguyên tắc bất khả xâm phạm biên giới được áp dụng cho mọi quốc gia, "bất kể đó là quốc gia rất nhỏ hay rất hùng mạnh". Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot tuyên bố việc đe dọa "biên giới có chủ quyền" của quốc gia khác "là điều không thể".

Một dấu hiệu nữa cho thấy mối quan tâm của ông Trump đối với Greenland đang tăng lên là việc con trai ông, Donald Trump Jr., bất ngờ tới thăm hòn đảo. Trump Jr. cho biết đây là chuyến đi cá nhân, không mang tính chính thức, nhưng Tổng thống đắc cử đã đăng bài về con trai mình với thông điệp "Làm Greenland vĩ đại trở lại".

"Mọi chuyện đang trở nên đáng sợ", Jeppesen nói.

Với diện tích hơn 2,16 triệu km2, Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới, bằng khoảng 1/4 diện tích Mỹ. Đây là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, bầu hai nghị sĩ vào quốc hội Đan Mạch. Greenland có 31 nghị sĩ tại nghị viện của riêng mình, chịu trách nhiệm quản lý hầu hết các khía cạnh trong chính quyền hòn đảo. Tuy nhiên, Đan Mạch vẫn nắm quyền kiểm soát các vấn đề quốc phòng, an ninh và những yếu tố liên quan đến đối ngoại.

Vị trí Greenland và những vùng lãnh thổ khác ông Trump muốn sáp nhập hoặc kiểm soát. Đồ họa: CBC

Vị trí và cảnh quan của Greenland khiến nó trở nên hấp dẫn đối với ông Trump ở nhiều mức độ. Greenland có vị trí chiến lược ở đỉnh thế giới, nằm ở phía đông Canada và là nơi đặt một căn cứ quân sự lớn của Mỹ. Hòn đảo có nhiều tài nguyên khoáng sản như coban, đồng và niken.

Khi biến đổi khí hậu làm tan băng, nó mở ra những tuyến hàng hải mới qua vùng Bắc Cực, nơi đang trở thành khu vực cạnh tranh giữa các cường quốc về vận tải, năng lượng và các tài nguyên thiên nhiên khác, cũng như hoạt động quân sự.

Tuyên bố "sáp nhập Greendland" được Tổng thống đắc cử Mỹ đưa ra vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm. Nhiều người dân trên đảo đang tức giận đòi độc lập, và nhiều người cảm thấy ngày càng phẫn nộ với Đan Mạch, quốc gia đã cai quản hòn đảo trong nhiều thập kỷ.

Greenland có dân số nhỏ so với quy mô diện tích và hầu hết trong 56.000 dân trên đảo là người Inuit, một phần của nhóm người đang sinh sống ở Canada và Alaska.

Ngôn ngữ Greenland hoàn toàn khác với tiếng Đan Mạch. Người dân đảo theo nền văn hóa và hệ thống tín ngưỡng khá khác biệt so với những người ở Tây Âu. Và, giống như người bản địa tại Mỹ và những nơi khác, họ đã bị đối xử bất bình đẳng suốt một thời gian dài.

Đảo là thuộc địa của Vương quốc Na Uy từ năm 1261 và được chuyển giao cho Đan Mạch khi vương quốc này chia thành hai quốc gia Đan Mạch và Na Uy năm 1814. Trong hàng trăm năm cai trị, Đan Mạch đã đàn áp nặng nề nền văn hóa bản địa ở thuộc địa Greenland.

Trong Thế chiến II, Mỹ đã xây dựng các căn cứ quân sự ở Greenland sau khi Đức Quốc xã chiếm đóng Đan Mạch. Khi chiến tranh kết thúc, Mỹ đã đề nghị mua hòn đảo từ Đan Mạch, nhưng bị từ chối.

Năm 1953, Đan Mạch thông qua hiến pháp mới, biến Greenland thành vùng lãnh thổ tự trị, giúp hòn đảo được cải tổ đáng kể về kinh tế, giao thông và hệ thống giáo dục. Năm 1979, Greenland giành được quyền tự chủ hạn chế đối với các vấn đề nội bộ và thành lập nghị viện riêng.

30 năm sau, Đan Mạch mở rộng quyền tự trị của Greenland và theo thỏa thuận đó, người dân Greenland có quyền tổ chức trưng cầu dân ý để giành độc lập. Các nhà phân tích cho biết lý do cuộc trưng cầu chưa diễn ra là bởi Greenland vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Đan Mạch về nhiều dịch vụ chuyên sâu, như y tế, giáo dục, và nhận trợ cấp từ Đan Mạch nửa tỷ USD mỗi năm.

Mối bất mãn của người dân Greenland với Đan Mạch gia tăng cách đây hai năm sau khi có thông tin tiết lộ rằng các bác sĩ Đan Mạch đã lắp dụng cụ tránh thai cho hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái bản địa vào những năm 1960, 1970, thường là không được họ đồng thuận.

Giới chức Đan Mạch đã nhiều lần khẳng định Greenland không phải để bán, dù họ cũng nhấn mạnh mong muốn có mối quan hệ nồng ấm với Mỹ và ra hiệu sẵn sàng đối thoại.

Tháng trước, Vua Đan Mạch đã có động thái thể hiện quyết tâm giữ vững lãnh thổ của mình khi ông quyết định thay đổi quốc huy đất nước để hiển thị nổi bật hơn biểu tượng Greenland, một con gấu Bắc Cực, và quần đảo Faroe, lãnh thổ khác do Đan Mạch kiểm soát, với hình ảnh con cừu.

Giữa cuộc tranh luận về bản sắc này, nhiều người Greenland đang bối rối về ý định của Tổng thống đắc cử Mỹ.

"Liệu đó có phải là hành động đánh lạc hướng hay không?", Ulrik Pram Gad, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, đặt câu hỏi. "Hay đó là chiến lược ngoại giao dựa trên đe dọa?".

Aviaaja Sandgren, y tá sống ở thị trấn nhỏ Qaqortoq ở Greenland, không muốn hòn đảo trở thành một phần của Mỹ.

Ông Trump trong cuộc họp báo ở Mar-a-Lago ngày 7/1. Ảnh: Reuters

"Chúng tôi sẽ mất nhiều quyền lợi", bà nói. "Chúng tôi được trợ cấp về giáo dục, chăm sóc sức khỏe và thuốc men. Mọi thứ đều miễn phí ở Greenland".

"Tôi biết họ không có những thứ như vậy ở Mỹ", Sandgren cho biết thêm.

Đài phát thanh Kalaallit Nunaata Radioa (KNR) của Greenland ngày 8/1 phỏng vấn người dân địa phương sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ tuyên bố không loại trừ khả năng dùng vũ lực để kiểm soát hòn đảo.

"Tôi thấy mối quan tâm của Donald Trump đối với Greenland là rất nguy hiểm", Jens Danielsen, người dân địa phương, nói. "Chúng tôi có rất ít cư dân, dưới 100.000 người, nên tôi lo ngại rằng ngôn ngữ của chúng ta rồi sẽ biến mất rất nhanh".

Danielsen cho hay ông cũng lo ngại trước thông tin cho rằng ông Trump có thể quan tâm đến việc giành quyền kiểm soát Greenland để khai thác uranium và khoáng sản. "Nếu đấy là lý do khiến họ quan tâm, điều đó thật đáng lo ngại", ông nói.

Aaja Chemnitz, một trong hai nghị sĩ của Greenland tại quốc hội Đan Mạch, cho hay bà lo ngại rằng ông Trump có thể đang cố gắng thổi bùng phong trào độc lập tại Greenland để thúc đẩy lợi ích cá nhân. "Chúng tôi có nguy cơ trở thành quân cờ trong một trò chơi giữa Đan Mạch và Mỹ", bà nói.

Bà cho hay Greenland được hưởng lợi từ hệ thống phúc lợi Đan Mạch và tình hình sẽ tệ hơn nhiều nếu họ trở thành một phần của Mỹ.

"Tôi đã thấy cách hệ thống của Mỹ hoạt động", Chemnitz nói. Nữ nghị sĩ từng có thời gian sống ở New York khi làm việc cho Liên Hợp Quốc.

Dù vậy, một số người khác ở Greenland lại tỏ ra cởi mở hơn với ý tưởng của Tổng thống đắc cử Mỹ. "Mọi thứ ở đây ngày càng đắt đỏ hơn. Hàng hóa từ Đan Mạch cực kỳ đắt đỏ, vì vậy tất nhiên Mỹ có vẻ hấp dẫn hơn", Karen Kielsen, cư dân hòn đảo, trả lời phỏng vấn KNR.

Những người khác nhìn nhận cuộc tranh luận dưới góc độ phong trào giành độc lập của hòn đảo. "Tôi không hoàn toàn tin tưởng Đan Mạch. Có lẽ tôi sẽ tin tưởng ông Trump hơn", sinh viên Imaakka Boassen cho hay. "Có rất nhiều người Đan Mạch nắm giữ các vị trí lãnh đạo ở Greenland, nhưng khi chúng ta sống ở Greenland, người Greenland phải là người lãnh đạo".

Jeppesen, nhà sản xuất chương trình phát thanh, cho rằng ông Trump có thể đang hiểu sai bản chất độc lập của hòn đảo. Theo ông, Greenland không chỉ là một vùng lãnh thổ rộng lớn. Với người dân, nó không khác gì một quốc gia, một câu chuyện, một quê hương.

"Bạn sẽ vô cùng tự hào khi trở thành một trong 56.000 người dân Greenland", ông cho hay. "Greenland thật tuyệt vời, thật đẹp, là nơi tuyệt vời nhất trên thế giới".

"Và đây không phải một mảnh đất mà bạn có thể mua được", Jeppesen quả quyết.

Vũ Hoàng (Theo CNN, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020