Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov - Ảnh: AFP
Ngày 8-11, khi được hỏi về triển vọng đối thoại chiến lược về vũ khí hạt nhân với Mỹ và phương Tây, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Đối thoại rõ ràng cần thiết. Nhưng nó không thể diễn ra trong tình huống một quốc gia lên lớp một quốc gia khác. Chúng tôi không chấp nhận tình huống như vậy".
"Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng đối thoại là điều cần thiết và chúng tôi chắc chắn sẵn sàng cho việc đó. Nhưng đến nay tình hình thực tế vẫn chưa có gì thay đổi", ông Peskov nói thêm.
Nga và Mỹ, đến nay là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất, đều tiếc nuối khi đối phương lần lượt rút khỏi các hiệp ước kiểm soát vũ khí có vai trò làm giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Ngày 7-11, Nga chính thức rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE).
Được ký kết năm 1990, CFE đặt ra một số giới hạn cho việc triển khai vũ khí thông thường trên lục địa châu Âu. Ngoài ra, hiệp ước còn đòi hỏi các bên ký tham gia một số cơ chế minh bạch.
Tuy nhiên, Nga cho rằng việc NATO mở rộng về phía Đông đã khuyến khích các nước đồng minh "công khai qua mặt" những biện pháp hạn chế của hiệp ước này.
Tháng 2-2023, Nga cũng đình chỉ hiệp ước New START.
Hiệp ước New START được phê chuẩn năm 2011, có vai trò hạn chế số đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai tối đa của mỗi bên là 1.550, giảm gần 30% so với giới hạn trước đó được đặt ra vào năm 2002.
Trước đó, tháng 8-2019, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Washington và Matxcơva thời chiến tranh lạnh.
Ngay sau đó, Washington bắt đầu phát triển "các hệ thống tên lửa dẫn đường và đạn đạo mặt đất, thông thường và có tính di động".
Các hiệp ước kiểm soát vũ khí ra đời trong bối cảnh lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Mỹ và Liên Xô cũ tìm cách làm chậm cuộc chạy đua vũ trang bằng một loạt hiệp ước, giúp các bên hiểu rõ hơn về kho vũ khí và khả năng của nhau. Nhưng phần lớn cơ chế kiểm soát vũ khí từ thời chiến tranh lạnh đã lung lay.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký luật rút lại việc phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) để đáp trả việc Mỹ ký hiệp ước năm 1996, nhưng sau đó không phê chuẩn.
Ông Putin còn bỏ ngỏ khả năng Nga có thử nghiệm vũ khí hạt nhân hay không. Trong khi đó, các nhà ngoại giao Nga cho biết Matxcơva sẽ không tiếp tục thử nghiệm hạt nhân trừ khi Washington cũng làm vậy.