Người Palestine sơ tán khỏi trại tị nạn Maghazi ở trung tâm Dải Gaza hôm 6-11 sau cuộc tấn công của Israel - Ảnh: REUTERS
Theo Đài CNN ngày 7-11, cuộc chiến trong một tháng qua đã giết chết ít nhất 1.400 người ở Israel. Còn cơ quan y tế tại Dải Gaza cho biết đã có 10.000 người, chủ yếu là thường dân Palestine, thiệt mạng.
Lực lượng Hamas đến nay vẫn bắt giữ hơn 200 công dân Israel và nhiều quốc gia làm con tin bên trong những đường hầm dưới Dải Gaza.
Thế giới vẫn tiếp tục kêu gọi tạm dừng nhân đạo để thường dân tại Dải Gaza chạy trốn khỏi vùng chiến sự, và để hàng viện trợ được đến những vùng đất đang bị cô lập ở khu vực này.
Dưới đây là những sự kiện chính trong một tháng xung đột Israel - Hamas vừa qua:
Ngày 7-10, Thủ lĩnh phong trào Hamas, Mohammed al-Deif, tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự mới mang tên "Al-Aqsa Flood" (tạm dịch: Cơn lũ Al-Aqsa) chống lại Israel. Lực lượng Hamas cho biết đã phóng hơn 5.000 quả rocket vào lãnh thổ Israel trong khoảng 20 phút - Ảnh: AFP
Cùng ngày 7-10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này đang trong tình trạng "chiến tranh". Quân đội Israel phát động chiến dịch "Iron Sword" (Gươm sắt), tiến hành không kích vào hàng loạt mục tiêu trên Dải Gaza - khu vực hiện do Hamas kiểm soát. Trong ảnh, người Palestine đang kiểm tra một nhà thờ Hồi giáo bị Israel không kích tại thành phố Khan Younis, phía nam Dải Gaza trong ngày 8-10 - Ảnh: REUTERS
Ngày 9-10, Israel tuyên bố tuyên bố phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza, cắt hết điện, nước, thực phẩm, khiến khu vực này chính thức bị cô lập. Trong ảnh, người Palestine tìm kiếm những người còn sống sót sau vụ không kích của Israel vào trại tị nạn Jabalia ở Dải Gaza - Ảnh: AFP
Ngày 13-10, dân thường tại Dải Gaza bắt đầu sơ tán về phía nam, sau khi quân đội Israel yêu cầu 1,1 triệu người Palestine tại Dải Gaza (50% dân số) phải di dản, để chuẩn bị một cuộc tấn công lớn vào khu vực này - Ảnh: NPR/GETTY IMAGES
Ngày 18-10, một người phụ nữ đứng ở đống đổ nát bên ngoài bệnh viện Ahli Arab ở thành phố Gaza. Vào tối 17-10, bệnh viện này đã hứng chịu vụ tấn công được cho là khiến 500 người chết, gây ra làn sóng phẫn nộ và lên án từ khắp nơi trên thế giới - Ảnh: AFP
Ngày 18-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Israel và gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Washington với Tel Aviv. Sau chuyến thăm của ông Biden, Israel đồng ý cho hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza. Kể từ khi xung đột nổ ra, Mỹ đã điều đến khu vực Trung Đông hai nhóm tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio, hệ thống phòng không THAAD, các tiểu đoàn tên lửa Patriot và binh lính Mỹ, với mục tiêu là bảo vệ lực lượng Mỹ tại Trung Đông, hỗ trợ Israel, đối phó với sự leo thang của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Tehran tại khu vực - Ảnh: REUTERS
Ngày 20-10, lực lượng Hamas bất ngờ trả tự do cho hai con tin người Mỹ là hai mẹ con tên Judith và Natalie Raanan. Hamas được cho là đang bắt giữ hơn 200 con tin là công dân của Israel và nhiều quốc gia trên thế giới - Ảnh: CNN
Ngày 21-10, xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đầu tiên đi qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập vào Dải Gaza. Tuy nhiên Israel chỉ cho phép nước, thực phẩm, thuốc men được vào, tuyệt đối cấm nhiên liệu được đưa vào Gaza vì lo ngại Hamas sẽ sử dụng nhiên liệu để duy trì các đường hầm dưới lòng đất. Cứu trợ vào Dải Gaza đến nay vẫn được xem như "muối bỏ biển" vì không thể đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người dân Palestine đang bị cô lập - Ảnh: REUTERS
Ngày 27-10, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về nghị quyết không mang tính ràng buộc kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ở Gaza, chấm dứt xung đột Israel - Hamas. Nghị quyết được thông qua cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc ngăn chiến sự leo thang trên diện rộng và yêu cầu tăng cường viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza. Đây là phản ứng đầu tiên của Liên Hiệp Quốc với xung đột. Cho đến nay, chưa có nghị quyết nào liên quan đến xung đột Israel - Hamas được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gồm 15 thành viên thông qua - Ảnh: THE HINDU
Ngày 2-11, nhóm người có hộ chiếu nước ngoài chờ đợi ở cửa khẩu Rafah của Ai Cập để rời khỏi Gaza. Kể từ đầu tháng 11, thông qua thỏa thuận do Qatar làm trung gian, những người bị thương nặng và người nước ngoài đã được phép rời khỏi Dải Gaza để đến Ai Cập - Ảnh: THE HINDU/GETTY IMAGES
Người dân Palestine tập trung lấy nước tại thành phố Khan Younis ở Dải Gaza trong bức ảnh chụp ngày 2-11. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhiều lần nhấn mạnh về mức độ nghiêm trọng của tình hình nhân đạo ở Gaza, cảnh báo nơi này đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em" - Ảnh: REUTERS
Ngày 3-11, Lãnh đạo Sayyed Hassan Nasrallah của lực lượng Hồi giáo Hezbollah - nhóm do Iran hậu thuận và đóng tại Lebanon - lần đầu lên tiếng về xung đột Israel - Hamas. Ông cảnh báo Mỹ việc xung đột có lan rộng ra khu vực hay không phụ thuộc vào việc ngăn chặn cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza. Sau khi Hamas tiến hành tấn công Israel, Hezbollah cũng thực hiện các cuộc tấn công từ phía bắc vào Israel - Ảnh: REUTERS
Ngày 5-11, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nói rằng quân đội nước này "đã bao vây thành phố Gaza (phía bắc Dải Gaza)" và đã chia đôi Dải Gaza thành "Nam Gaza và Bắc Gaza". Ngày 6-11, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel sẽ "chịu trách nhiệm an ninh tổng thể ở Gaza trong một thời gian không xác định" sau khi xung đột kết thúc - Ảnh: REUTERS
Các cuộc tuần hành đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới để kêu gọi Hamas trả tự do cho con tin, phản đối việc Israel tấn công vào Dải Gaza trong suốt một tháng qua. Theo Đài CNN, cuộc tấn công của Hamas hôm 7-10 đã giết chết 1.400 người ở Israel. Trong khi đó, cơ quan y tế tại Dải Gaza ngày 7-11 cho biết đã có ít nhất 10.000 người Palestine thiệt mạng vì xung đột, 70% là trẻ em, phụ nữ và người lớn tuổi - Ảnh: REUTERS