Xạ thủ Quân đội Arakan trong vị trí chiến đấu - Ảnh: ASIA TIMES
Theo trang tin Mint, khuya 9-12, người phát ngôn lực lượng nổi dậy Quân đội Arakan (Myanmar), ông Khaing Thukha, tuyên bố tổ chức này đã chiếm được căn cứ quân sự lớn ở thị trấn Maungdaw (bang Rakhine) hôm 8-12.
Chỉ huy căn cứ trên, chuẩn tướng quân đội Thurein Tun, cũng đã bị lực lượng này bắt khi đang tìm cách chạy thoát.
Qua đó, Quân đội Arakan (AA) về cơ bản kiểm soát toàn bộ bang Rakhine và đường biên giới Myanmar - Bangladesh dài 271km. Trước đó, lực lượng này đã chiếm được hai thị trấn ven biên giới còn lại là Paletwa và Buthidaung.
AA chính là một trong ba thành viên của Liên minh ba anh em - tổ chức đứng sau chiến dịch nổi dậy chiếm hầu hết bang Shan hồi tháng 10-2023.
Đến tháng 11, AA mở rộng hoạt động sang cả bang quê nhà Rakhine. Đến nay, lực lượng này đã chiếm được 13 trên tổng số 17 thị trấn của bang này.
Sau chiến thắng tại Maungdaw, AA đang giành giật với quân đội Myanmar quyền kiểm soát các thị trấn Gwa, Taungup và Ann.
Trong đó, Ann là thị trấn có tầm quan trọng chiến lược khi tọa lạc Sở chỉ huy quân sự của quân đội Myanmar ở phía tây đất nước.
Hôm 6-12, AA khẳng định trên Telegram rằng họ đã chiếm được hơn 30 đồn quân sự, trừ sở chỉ huy nêu trên.
Hiện phía chính quyền quân sự Myanmar vẫn chưa phản hồi với những tuyên bố trên.
Lo ngại về an nguy người Rohingya tăng cao
Một chiếc thuyền chở những người Rohingya tìm cách đi khỏi Myanmar hồi năm 2015 - Ảnh: AFP
Tình hình chiến sự gần đây tại Rakhine dấy lên lo ngại về nguy cơ bạo lực chống lại cộng đồng người thiểu số Rohingya sinh sống tại bang này. Từ nhiều năm trước, AA đã bị tố phân biệt đối xử và ngược đãi với cộng đồng này.
Dù người Rohingya đã sinh sống tại bang Rakhine nhiều thế hệ, nhưng cả chính quyền trung ương Myanmar và AA đều cho rằng họ là người di cư bất hợp pháp từ Bangladesh và không cho họ hưởng quyền công dân và nhiều quyền cơ bản khác.
Đứng trước nguy cơ trên, người Rohingya đã nhiều lần tìm cách chạy trốn sang Bangladesh. Tiêu biểu trong đó là cuộc di cư ồ ạt năm 2017 với hơn 740.000 người tham gia.
Tuy nhiên, phía Bangladesh cũng không tỏ ra quá mặn mà với việc tiếp nhận cộng đồng này.
Trong buổi phỏng vấn hồi đầu tháng với tạp chí Nikkei Asia, lãnh đạo Chính phủ lâm thời Bangladesh, ông Muhammad Yunus, đã khẳng định nước này sẽ không cho phép cộng đồng Rohingya định cư vĩnh viễn và khuyên những người Rohingya nên quay lại Myanmar.